Hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự theo hướng hiện đại, khả thi
Trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho rằng, cần hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự theo hướng hiện đại, khả thi, thúc đẩy hợp tác quốc tế…
Trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều nay (ngày 15/4), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự sau khi tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủ gồm 5 chương, 36 điều.

“Mục đích xây dựng Luật là hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự theo hướng hiện đại, khả thi, thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ quy trình giải quyết các vụ việc dân sự (theo nghĩa rộng) và vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng có liên quan, tăng cường khả năng thực hiện quyền tiếp cận công lý của người dân; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự”, ông Ninh cho hay.
Dự thảo Luật quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động này.
Dự thảo Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự với Việt Nam.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với sự cần thiết ban hành Luật.
“Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự quy định tại Điều 3. Tuy nhiên, quy định tại khoản 4 là chưa chặt chẽ, có thể dẫn tới cung cấp toàn văn bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cho phía nước ngoài, trong đó có thông tin về hộ tịch của đối tượng cần cung cấp và có thể có cả thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác của Việt Nam”, ông Tùng nói.
Ông cũng cho rằng, quy định tại khoản 5, Điều 3 là chưa rõ mục đích cung cấp thông tin pháp luật để phục vụ việc giải quyết vụ án, vụ việc dân sự hay phục vụ mục đích khác; mối liên hệ với yêu cầu tương trợ tư pháp thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.
“Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát, quy định rõ để thực hiện thuận lợi, thống nhất sau khi Luật có hiệu lực”, ông Tùng lưu ý.
Liên quan đến thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam, theo Người đứng đầu Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, về cơ bản dự thảo Luật kế thừa pháp luật hiện hành, quy định các chủ thể có thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự (Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan thi hành án dân sự), quá trình thực hiện không có vướng mắc.
“Bên cạnh đó, quy định mở rộng chủ thể có thẩm quyền yêu cầu (các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác) là trùng lặp chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong hoạt động tư pháp và thi hành án. Do đó, đề nghị cân nhắc để quy định cho phù hợp…”, ông Tùng lưu ý.