Hoàn thiện quy định về giảm trừ gia cảnh trong luật thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam

PGS.,TS. Lý Phương Duyên – Học viện Tài chính

Cùng với các quy định về mức thuế suất, các quy định về giảm trừ gia cảnh và mức giảm trừ gia cảnh là một trong những nội dung thể hiện rõ nét nhất tính chất của thuế thu nhập cá nhân và quan điểm của nhà hoạch định khi thiết lập chính sách thuế thu nhập cá nhân. Các quy định và mức giảm trừ gia cảnh ở các quốc gia khác nhau được quy định khác nhau và thường được thay đổi theo thời gian. Bài viết này sẽ đi sâu phân tích các nguyên tắc để xây dựng mức giảm trừ gia cảnh nói chung, quy định về việc giảm trừ gia cảnh ở một số quốc gia và ở Việt Nam, từ đó, đưa ra những khuyến nghị nhằm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam cho phù hợp với các nguyên tắc chung và điều kiện của Việt Nam trong thời gian tới, nhằm đảm bảo được các ưu điểm và mục tiêu đặt ra của Thuế thu nhập cá nhân.

Nguyên tắc xây dựng mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân

Một trong những đặc điểm quan trọng của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là có tính đến hoàn cảnh của từng cá nhân người nộp thuế (NNT), vì vậy, thu nhập tính thuế TNCN ở hầu hết các quốc gia được xác định sau khi đã cho phép giảm trừ khỏi thu nhập chịu thuế một số khoản nhất định. Mức giảm trừ đó thường được thể hiện dưới 2 dạng: Giảm trừ cá nhân và giảm trừ tiêu chuẩn.

Trong đó, giảm trừ cá nhân thường bao gồm 2 loại là: Giảm trừ có tính chất kinh tế và giảm trừ có tính chất xã hội. Giảm trừ có tính chất kinh tế là các khoản giảm trừ được xem như là chi phí liên quan trực tiếp đến việc tạo ra thu nhập như chi phí đi lại, ăn ở… kể cả các khoản đóng góp bảo hiểm. Các khoản giảm trừ có tính chất kinh tế này thường được thể hiện bằng một con số nhất định cho tất cả NNT và một số khoản chi phí của mỗi NNT nếu có phát sinh. Còn giảm trừ có tính chất xã hội là những khoản giảm trừ nhằm khuyến khích các cá nhân hỗ trợ cộng đồng, ví dụ như các khoản đóng góp từ thiện... Khoản giảm trừ tiêu chuẩn thường được xác định như một định mức - mỗi người sẽ được giảm trừ một khoản cố định như nhau. Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao áp dụng ở Việt Nam trước năm 2009 cho phép mỗi cá nhân được trừ 5 triệu đồng/tháng là ví dụ cho việc giảm trừ tiêu chuẩn này.

Cùng với việc quy định mức thuế suất lũy tiến để đảm bảo công bằng theo chiều dọc (khả năng nộp thuế càng cao thì phải đóng thuế nhiều hơn) thì việc quy định các giảm trừ gia cảnh để đảm bảo yếu tố công bằng theo chiều ngang (những người có khả năng nộp thuế như nhau thì sẽ phải nộp thuế như nhau). Trong đó, khả năng nộp thuế thường được đo bằng thu nhập của NNT và được xác định theo những cách thức khác nhau. Có quốc gia tính theo thu nhập tổng thể (bao gồm tất cả các khoản thu nhập), có quốc gia lại xác định theo nguồn phát sinh thu nhập (các loại thu nhập khác nhau sẽ có mức thuế suất khác nhau). Tuy nhiên, dù lựa chọn theo cách tính nào thì các quốc gia cũng đều cho phép giảm trừ một số khoản có tính chất kinh tế và xã hội như đã nêu trên.

Quy định chung về giảm trừ gia cảnh ở các nước ASEAN

Ngoài Brunei không thu thuế TNCN, các quốc gia trong khối ASEAN đều áp dụng giảm trừ cho NNT và cho người phụ thuộc. Mức giảm trừ có xu hướng điều chỉnh tăng cùng với sự gia tăng của thu nhập bình quân đầu người qua các năm. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân NNT ở các quốc gia trong năm 2020 và 2024 được thể hiện qua Bảng 1 và Bảng 2.

Như vậy, nếu dựa theo mức thu nhập bình quân đầu người thì mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân NNT giữa các quốc gia cũng có sự khác biệt - thấp nhất là Lào: 0,36 lần và cao nhất là Myanma: 2,46 lần. Việt Nam hiện có mức giảm trừ gia cảnh bằng 1,12 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người. Đây là mức không thấp nhưng cũng không cao và có xu hướng giảm so với thời điểm năm 2020 do thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên.

Xem xét về các đối tượng được giảm trừ, có thể thấy các quốc gia đều cho giảm trừ đối với con cái và vợ/chồng. Chỉ một số quốc gia cho giảm trừ đối với người phụ thuộc khác và thường khống chế số lượng, giá trị hoặc có thêm các điều kiện chặt chẽ khác (như con chưa kết hôn, người phụ thuộc phải là người tàn tật...).

Quy định chung về giảm trừ gia cảnh ở Việt Nam

Tại Việt Nam, giảm trừ gia cảnh trong giai đoạn đầu áp dụng thuế TNCN được áp dụng cho tổng thu nhập từ tiền lương tiền công và thu nhập từ kinh doanh và được giảm trừ cho cả cá nhân NNT và người phụ thuộc. Năm 2014, Luật số 71/2014/QH13 đã sửa đổi quy định về thuế TNCN. Theo quy định tại Luật này, việc giảm trừ gia cảnh chỉ còn được áp dụng cho thu nhập từ tiền lương tiền công. Mức giảm trừ gia cảnh cũng đã được điều chỉnh tăng 2 lần kể từ Luật thuế TNCN lần đầu tiên. Cụ thể:

Mức giảm trừ cho cá nhân NNT: Mức giảm trừ được quy định được quy định tại Điều 19 - Luật thuế TNCN cho cá nhân NNT là 4 triệu đồng/người/tháng (Luật số 04/2007/QH12), sau đó được tăng lên 9 triệu đồng/người/tháng vào năm 2012 (Luật số 26/2012/QH13) và năm 2020, mức giảm trừ được tăng lên thành 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) theo quy định tại Nghị quyết 954/2019/UBTVQH14.

Mức giảm trừ cho người phụ thuộc: Quy định cho phép giảm trừ đối với người phụ thuộc được nêu tại khoản 3, Điều 19, Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12.

Mức giảm trừ cho người phụ thuộc cũng đã được điều chỉnh từ 1,6 triệu đồng/người/tháng năm 2007 lên 3,6 triệu đồng/người/tháng vào năm 2012 và hiện tại 4,4 triệu đồng/người/tháng theo Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH 14.

Mặc dù đã có sự điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội và thu nhập bình quân của dân cư, tuy nhiên, mức giảm trừ cho cá nhân NNT nêu trên hiện đang được áp dụng thống nhất cho mọi cá nhân, chưa có sự phân biệt cho các cá nhân là người tàn tật. Bên cạnh đó, nếu chỉ giảm trừ một mức thống nhất cho tất cả các cá nhân thì mới chỉ đảm bảo công bằng theo chiều ngang, còn công bằng theo chiều dọc chưa được tính đến. Cụ thể, những cá nhân có thu nhập cao có thể bỏ ra rất nhiều chi phí đầu tư: Chi phí học tập để nâng cao năng lực bản thân, chi phí khám chữa bệnh... Đây vẫn là các khoản giảm trừ mang tính chất kinh tế. Tuy nhiên, các chi phí này chưa được tính đến khi xác định thu nhập chịu thuế.

Bên cạnh đó, các khoản giảm trừ cho người phụ thuộc (bao gồm cả bố, mẹ, vợ, chồng, con cái, người không nơi nương tựa trực tiếp nuôi dưỡng khác) như hiện nay là khá rộng, nó phù hợp với văn hóa và đặc thù của các nước châu Á, nhưng quy định này có thể làm xói mòn cơ sở tính thuế và tạo ra những bất công bằng theo chiều ngang cho các đối tượng nộp thuế. Bên cạnh đó, quy định không giới hạn độ tuổi đối với người phụ thuộc là con thành niên đang học đại học... cũng gây những khó khăn nhất định cho công tác quản lý và mất công bằng cho bản thân các đối tượng nộp thuế .

Một số đề xuất sửa đổi quy định về giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam

Dựa trên nguyên tắc của việc thiết lập chính sách thuế TNCN, tham khảo quy định của một số nước và từ các vấn đề phát sinh trong việc thực thi các quy định về giảm trừ gia cảnh theo Luật thuế TNCN ở Việt Nam, trong thời gian tới, cần nghiên cứu và cân nhắc các quy định về việc giảm trừ gia cảnh trong Luật thuế TNCN với những nội dung sau đây:

Thứ nhất, tăng mức giảm trừ cho các cá nhân NNT là người tàn tật. Các cá nhân nộp thuế là người tàn tật sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình tìm kiếm, tạo thu nhập, vì vậy, một số quốc gia cho phép tăng mức giảm trừ cá nhân cho nhóm đối tượng này. Mức giảm trừ có thể tăng thêm từ 30% - 70% so với mức cơ bản tùy thuộc vào mức độ thương tật có xác nhận của NNT.

Thứ hai, mức giảm trừ cho cá nhân NNT nên được điều chỉnh thường xuyên, kịp thời và bổ sung thêm các quy định về việc giảm trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến việc tạo ra thu nhập cho các cá nhân.

Nhà nước có thể xem xét một mức thu nhập bình quân được dự báo trong giai đoạn ổn định (từ 3 đến 5 năm) để làm căn cứ xác định mức giảm trừ gia cảnh khi xác định thu nhập chịu thuế; tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh cần được điều chỉnh kịp thời (bằng hình thức văn bản dưới Luật), phù hợp với mức lạm phát hàng năm để đảm bảo quyền lợi cho NNT.

Thứ ba, lựa chọn đúng đối tượng giảm trừ gia cảnh cho NNT. Việc giảm trừ gia cảnh chỉ nên áp dụng cho các đối tượng là bố, mẹ, vợ, chồng và con; giảm bớt các nhóm người phụ thuộc khác để tránh xói mòn cơ sở thuế. Với nhóm người phụ thuộc là con đã thành niên của NNT nên bổ sung thêm quy định là chưa kết hôn. Quy định này cũng được nhiều nước áp dụng và phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2012), Luật số 04/2007/QH12, Luật Thuế thu nhập cá nhân;
  2. Quốc hội (2014), Luật số 71/2014/QH13, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế;
  3. Bộ Tài chính (2017), Báo cáo Kinh nghiệm cải cách chính sách thuế trên thế giới;
  4. Ngân hàng Thế giới, https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.PCAP.CD?locations=VN.

 

Bảng 1: Mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế thu nhập cá nhân
các nước asean năm 2020

STT

Quốc gia

GDP bình quân đầu người (2020)(USD)

Mức giảm trừ cá nhân NNT(USD)

Mức giảm trừ cá nhân/GDP bình quân đầu người (Lần)

1

Brunei

27.442,95

   

2

Cambodia

1.543,67

3.822,64

2,48

3

Indonesia

3.869,59

3.752,02

0,97

4

Lào

2.629,71

1.300,77

0,49

5

Malaysia

10.412,35

25.531,91

2,45

6

Myanmar

1.467,60

5.353,52

3,65

7

Philippines

3.298,83

4.771,90

1,45

8

Singapore

59.797,75

58.823,53

0,98

9

Thái Lan

7.186,87

6.233,30

0,87

10

Việt Nam

2.785,72

5.729,17

2,06

Nguồn: Ngân hàng thế giới và tính toán của tác giả

BẢNG 2: MỨC GIẢM TRỪ CHO CÁ NHÂN NGƯỜI NỘP THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
CÁC NƯỚC ASEAN NĂM 2024

STT

Quốc gia

GDP bình quân đầu người (2024) (USD)

Mức giảm trừ cá nhân NNT (USD)*

Mức giảm trừ cá nhân/GDP bình quân đầu người ( lần)

1

Brunei

35.110

   

2

Cambodia

2.630

3.910

1,49

3

Indonesia

5.270

3.351

0,64

4

Lào

1.980

707

0,36

5

Malaysia

13.310

23.017

1,73

6

Myanmar

1.250

3.079

2,46

7

Philippines

4.130

4.280

1,04

8

Singapore

88.450

59.471

0,67

9

Thái Lan

7.810

4.975

0,64

10

Việt Nam

4.620

5.194

1,12

Nguồn: Ngân hàng Thế giới và tính toán của tác giả

*Tỷ giá: theo tỷ giá công bố của Vietcombank ngày 15/07/2024

BẢNG 3: ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC GIẢM TRỪ CHO CÁ NHÂN NGƯỜI NỘP THUẾ
THU NHẬP CÁ NHÂN CÁC NƯỚC ASEAN NĂM 2024

STT

Quốc gia

Bố mẹ, vợ/chồng

Con

Người phụ thuộc khác

Lưu ý

1

Brunei

       

2

Cambodia

 

x

-

 

3

Indonesia

x

x

x

Tối đa 3 người

4

Lào

x

x

x

Tối đa 3 người hoặc 15.000 kip/năm

5

Malaysia

x

x

-

Con được giảm trừ phải thỏa mãn điều kiện: chưa kết hôn

6

Myanmar

x

x

-

 

7

Philippines

x

x

-

Tối đa 4 người, cho trừ chi phí trả lãi vay mua nhà…

8

Singapore

x

x

x

Cho trừ các chi phí khác: giáo dục, trả lãi vay mua nhà…

9

Thái Lan

x

x

X*

*Chỉ áp dụng cho người phụ thuộc khác bị mất khả năng lao động

10

Việt Nam

x

x

x

Không giới hạn số người phụ thuộc

Nguồn: PWC và tổng hợp của tác giả

 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2024