Hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp xã hội phát triển bền vững
(Tài chính) Trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu cộng đồng, hay còn được gọi là doanh nghiệp xã hội, nhiều chính sách, chế độ ưu đãi đã được xây dựng. Song, thừa nhận sự tồn tại của doanh nghiệp xã hội về mặt pháp lý, thông qua việc bổ sung quy định loại hình doanh nghiệp này vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mới chính là cơ sở, là động lực khuyến khích doanh nghiệp này phát triển sâu rộng, góp phần hỗ trợ nhóm yếu thế trong xã hội phát triển bền vững.
Thời gian qua, doanh nghiệp xã hội ngày càng thể hiện được thế mạnh trong việc khai thác các sáng kiến xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tiềm năng của môi trường và xã hội, tăng cường tính bền vững của các giải pháp xã hội thông qua các nguyên tắc và động lực thị trường. Doanh nghiệp xã hội đã trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore… Năm 2011, số lượng doanh nghiệp xã hội tại Anh đã lên đến 50 nghìn doanh nghiệp, với mức doanh thu đạt 27 tỷ bảng Anh, đóng góp cho GDP khoảng 8,4 tỷ bảng Anh/năm, sử dụng 475 nghìn lao động (chiếm 5% tổng số lao động của khu vực doanh nghiệp).
Và tương tự, thời gian gần đây, số doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu xã hội ở nước ta đang ngày càng tăng, bước đầu kinh doanh thành công, hoạt động trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Đây là loại hình doanh nghiệp mà lợi nhuận chủ yếu được dùng để tái đầu tư, giải quyết các vấn đề xã hội hoặc môi trường. Theo thống kê, hiện có khoảng 200 doanh nghiệp xã hội tại 40 tỉnh, và các thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp xã hội nước ta đã và đang cung cấp giải pháp kinh doanh cho các vấn đề xã hội, môi trường mà Nhà nước và khối tư nhân giải quyết chưa thực sự hiệu quả như: cung cấp dịch vụ cơ bản cho nhóm yếu thế; dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng những người dễ bị tổn thương; kinh doanh và phát triển thị trường với người nghèo; đầu tư vào các lĩnh vực mới như năng lượng mới, sản xuất hữu cơ, tái chế rác thải. Khác với doanh nghiệp thông thường, lợi nhuận của doanh nghiệp xã hội chủ yếu dùng để tái đầu tư trở lại giải quyết các vấn đề xã hội, không chia cho các thành viên hay cổ đông.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xã hội cũng khác với các hoạt động vì cộng đồng của doanh nghiệp thông thường. Làm từ thiện, hay thực hiện trách nhiệm xã hội chỉ là hoạt động xã hội bổ sung của các doanh nghiệp thông thường; còn mục đích và toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp xã hội được xác định ngay khi thành lập là để giải quyết vấn đề xã hội hay môi trường. Có thể thấy, doanh nghiệp xã hội bước đầu đã có sức ảnh hưởng, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Nhiều nước đã chính thức ghi nhận doanh nghiệp xã hội thông qua xây dựng khung khổ pháp lý hỗ trợ, tạo động lực cho loại hình doanh nghiệp này phát triển mạnh mẽ.
Tuy vậy, phạm vi ảnh hưởng của doanh nghiệp xã hội hiện còn hạn chế do địa vị pháp lý của loại hình doanh nghiệp này chưa được xác định cụ thể và chưa được quy định chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật. Điều này đang làm hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ tài chính và công tác hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của các doanh nghiệp xã hội. Bên cạnh đó, về chủ quan, các doanh nghiệp xã hội cũng bộc lộ một số hạn chế như nguồn vốn đầu tư thấp, trình độ, năng lực, kỹ năng của đội ngũ nhân viên còn thiếu và chưa được đào tạo phù hợp.
Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, thực tế này đang đặt ra yêu cầu, cần sớm thừa nhận về mặt pháp lý - luật hóa các quy định liên quan đến loại hình doanh nghiệp xã hội, thúc đẩy sự phát triển loại hình doanh nghiệp này như một phương thức mới, bổ sung cho Nhà nước trong giải quyết vấn đề xã hội. Thừa nhận cũng chính là để làm rõ, phân biệt loại hình doanh nghiệp này với các doanh nghiệp thông thường mà mục tiêu chỉ thuần túy thương mại, lợi nhuận. Mới đây, Điều 11 dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung quy định về khái niệm doanh nghiệp xã hội tại khoản 1 cùng khoản 2 xác định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp xã hội chỉ khác doanh nghiệp thông thường ở tính chất và mục đích hoạt động, chứ không khác mô hình tổ chức quản lý. Một số ý kiến băn khoăn, có nên quy định doanh nghiệp xã hội là một mô hình tổ chức doanh nghiệp độc lập như trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) không?
Tuy nhiên, đa số ý kiến của các chuyên gia cho rằng, việc bổ sung quy định về loại hình doanh nghiệp này tại Điều 11 của dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là phù hợp, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp xã hội, phù hợp với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước. Và, để tránh việc các doanh nghiệp hoạt động sai mục đích, lợi dụng các cơ chế ưu đãi đối với loại hình doanh nghiệp xã hội, khái niệm, điều kiện, cách thức hoạt động của loại hình doanh nghiệp này cần được quy định chặt chẽ và cụ thể hơn trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy tới. Từ đó, hoàn thiện hơn các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp xã hội phát triển toàn diện, trở thành lực lượng bổ sung cho Nhà nước, đồng hành vớái Nhà nước trực tiếp giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.