Hoạt động an ninh hạt nhân: Việt Nam luôn chủ động và nỗ lực cao
(Tài chính) An ninh hạt nhân là vấn đề hết sức quan trọng của toàn cầu. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến bất ổn, công tác bảo đảm an ninh hạt nhân, chống buôn bán, vận chuyển trái phép vật liệu hạt nhân, vật liệu phóng xạ đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Với những cam kết của mình với quốc tế Việt Nam ý thức cao trong tuân thủ nghiêm các quy định, tận dụng sự hộ trợ của quốc tế đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng hạt nhân.
Tích cực và chủ động
Trong khuôn khổ Dự án an ninh hạt nhân hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã hỗ trợ Việt Nam thiết lập Mạng An ninh hạt nhân tích hợp với việc lắp đặt 08 cổng phát hiện bức xạ tại Sân bay quốc tế Nội Bài, lắp đặt Trung tâm Phân tích dữ liệu quốc gia tại Tổng cục Hải quan và Trạm Hỗ trợ cảnh báo đặt tại Trung tâm Hỗ trợ Kỹ thuật về an toàn bức xạ và ứng phó sự cố thuộc Cục An toàn bức xạ hạt nhân.
Dự kiến, IAEA sẽ hỗ trợ thêm các cổng phát hiện phóng xạ tại Nhà ga 2, Sân bay quốc tế Nội Bài và Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã phối hợp với Tổng cục Hải quan xây dựng Hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ hải quan và dựthảo Thông tư liên tịch về cơ chế phối hợp giữa cơ quan hải quan và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân khi có cảnh báo phóng xạ.
Đây là lần đầu tiên các cổng phát hiện phóng xạ loại này được lắp đặt tại Việt Nam, góp phần vào việc phòng, chống buôn bán trái phép vật liệu phóng xạ, bảo đảm an ninh hạt nhân, đồng thời thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam đối với vấn đềnày. Việc ban hành các văn bản đã bảo đảm các thiết bị được vận hành theo đúng quy trình chuẩn, có sự phối hợp nhịp nhàng trong các trường hợp có cảnh báo phóng xạ, bảo đảm tính bền vững của toàn bộ hệ thống.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua Cục An toàn bức xạ hạt nhân cũng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và IAEA tổ chức các Hội thảo về yêu cầu đối với hệ thống bảo vệ thực thể và phương pháp luận đánh giá các mối nguy cơ để làm cơ sở thiết kế hệ thống bảo vệ thực thể, bảo đảm an ninh cho các cơ sở hạt nhân, đặc biệt là nhà máy điện hạt nhân sẽ được xây dựng.
Đây là một phương pháp tiếp cận mới, có tính khoa học hơn, sẽ góp phần vào việc xây dựng hệ thống bảo vệ thực thể, bảo đảm an ninh cho các cơ sở hạt nhân, đặc biệt là nhà máy điện hạt nhân, đồng thời từng bước thực hiện theo yêu cầu của Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân mà Việt Nam đã tham gia năm 2012 và các khuyến cáo của IAEA.
Cùng với những động thái trên, trong thời gia qua, Cục An toàn bức xạ hạt nhân cũng đã làm việc với chuyên gia của IAEA với sự tham gia của đại diện Bộ Công an, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan khác để xây “Kế hoạt động hỗ trợ Việt Nam xây dựng khung pháp quy về an ninh hạt nhân cho Chương trình điện hạt nhân” giai đoạn 2014-2017. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan hưu quan trong nước vào quốc tế tổ chức nhiều cuộc hội thảo với các nội dung liên quan đến cơ chế chính sách, an toàn phát triển năng lượng nguyên tử hạt nhân.
Cụ thể Bộ Khoa học Công nghệ đã phối hợp với Bộ Năng lượng Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo “Cơ sở nền tảng cho Bảo vệ thực thể” nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản cho cán bộ của các bộ, ngành liên quan như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong công tác bảo vệ nhà máy điện hạt nhân; Hội thảo “Cập nhật Bản Kế hoạch Hỗ trợ An ninh hạt nhân tích hợp (INSSP)” – Đây là cơ sở cho các hoạt động hỗ trợ của IAEA trong lĩnh vực an ninh hạt nhân. Hội thảo thu hút sự tham gia của đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Cảnh sát biển, Bộ Giao thông - Vận tải và các đơn vị liên quan của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trong năm qua, công tác an ninh, an toàn hạt nhân luôn được Việt Nam quan tâm và đặt lên hàng đầu. Các hoạt động liên quan đến an ninh hạt nhân, đặc biệt cho nhà máy điện hạt nhân đã được thực hiện, làm cơ sở cho việc xây dựng năng lực cho cơ quan pháp quy hạt nhân cũng như hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Hiện nay, ta đang chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Một khi bắt đầu xây dựng, công tác thanh sát và an ninh hạt nhân sẽ trở nên rất nhiều. Tuy nhiên, hiện tại, lực lượng cán bộ dành cho hai lĩnh vực này còn rất mỏng và trang thiết bị để thực hiện hoạt động thanh sát và an ninh hạt nhân còn rất hạn chế.
Do đó, để bảo đảm hoạt động thanh sát và an ninh hạt nhân được tốt, cần tăng cường nhân lực cũng như đào tạo cho các cán bộ chịu trách nhiệm về kế toán và kiểm soát vật liệu hạt nhân, cả đối với cơ quan quản lý lẫn cơ sở, cũng như đào tạo cho các cán bộ thực hiện việc thẩm định, đánh giá hệ thống bảo vệ thực thể cơ sở hạt nhân.
Ngoài ra, để chủ động trong các hoạt động thanh sát, cũng như kiểm chứng các hoạt động thanh sát của IAEA, cần trang bị các thiết bị đặc chủng cần thiết cho cơ quan quản lý nhà nước về thanh sát hạt nhân. Theo Hiệp định Thanh sát hạt nhân và Nghị định thư bổ sung, IAEA có quyền lấy mẫu môi trường để từ đó phân tích xác định loại vật liệu hạt nhân có trong cơ sở của một quốc gia.
Để có thể đối chứng với các kết quả phân tích của IAEA, Việt Nam cần xây dựng phòng thí nghiệm có đủ năng lực để phân tích các mẫu vi lượng của các nguyên tố như: plutoni, urani, thori với độ chính xác cực kỳ cao. Phòng thí nghiệm này cũng có thể sẽ thực hiện việc giám định hạt nhân, phục vụ công tác bảo đảm an ninh hạt nhân.