Hoạt động đào tạo của Vietcombank: Ghi nhận nhiều nỗ lực, đổi mới
Năm 2021, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo Vietcombank, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, sự tham gia tích cực của đội ngũ giảng viên nội bộ và những nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, cán bộ nhà trường, năm 2021 vừa qua, Trường Đào tạo vẫn tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được và không ngừng đổi mới, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được Ban lãnh đạo giao phó.
Đổi mới nội dung đào tạo và danh mục đào tạo: Chú trọng các chương trình đào tạo về chuyển đổi số
Nhằm đạt mục tiêu chiến lược đến năm 2025 trở thành Ngân hàng đứng đầu về chuyển đổi số, bên cạnh yếu tố công nghệ thì yếu tố con người – nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhận thức được vấn đề này, Trường Đào tạo đã tập trung đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực theo hướng coi trọng phát triển năng lực và phẩm chất cho cán bộ nhân viên, đồng thời chú trọng đến công tác đào tạo nhằm thích ứng với quá trình chuyển đổi số.
Xác định rõ việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số phải đồng bộ từ đội ngũ lãnh đạo cấp cao đến các lãnh đạo cấp trung của từng phòng ban Trụ sở chính và lãnh đạo các chi nhánh, các chương trình đào tạo dành cho lãnh đạo cấp cao và đào tạo chức danh Giám đốc chi nhánh luôn đảm bảo có nội dung liên quan đến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Năm 2021, Trường Đào tạo đã đầu mối tổ chức thành công chương trình Hội thảo chuyển đổi số dành cho các thành viên của Ban lãnh đạo cùng lãnh đạo một số đơn vị TSC và chi nhánh. Chương trình được thực hiện trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về chuyển đổi số từ Thụy Sĩ/Singapore/Úc.
Đây cũng là năm đầu tiên toàn bộ thành viên Ban điều hành tham dự chương trình đào tạo dành cho lãnh đạo cấp cao (khóa đào tạo Digital Transformation trên nền tảng E-learning Coursera) và lần đầu tiên có lãnh đạo cấp cao Vietcombank tham gia khóa học trực tuyến do đối tác nước ngoài cung cấp.
Đối với chương trình đào tạo dành cho Khối Công nghệ thông tin: danh mục đào tạo được làm mới với nhiều nội dung về chủ đề công nghệ/chuyển đổi số như “Thực hành triển khai dự án theo mô hình Agile/scrum”, “Công nghệ học máy và trí tuệ nhân tạo trong phát hiện bất thường”, “Hệ thống ra quyết định với phân tích dự đoán dữ liệu và dữ liệu lớn”… đã góp phần quan trọng trong việc phát triển chuyên môn, kỹ năng, nâng cao nhận thức về xu hướng, văn hóa chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, với nhóm cán bộ ngoài Khối Công nghệ thông tin, Trường Đào tạo tập trung vào việc đào tạo sản phẩm, quy trình, chính sách, các kỹ năng mềm… nhằm trang bị, cập nhật kịp thời cho cán bộ các kiến thức về sản phẩm, quy trình mới, các kỹ năng cần thiết, năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với môi trường công nghệ thay đổi liên tục. Chương trình đào tạo liên tục được rà soát, đổi mới theo hướng bổ sung nội dung đào tạo nghiệp vụ ngân hàng gắn với hoạt động chuyển đổi số, phát triển và vận hành môi trường ngân hàng số của Vietcombank.
Linh hoạt và nhanh chóng chuyển đổi hình thức đào tạo thích ứng với điều kiện dịch bệnh; tăng cường đào tạo qua E-learning
Trong bối cảnh đại dịch Covid -19 tác động mạnh mẽ đến việc triển khai công tác đào tạo, với nỗ lực đạt “mục tiêu kép”: vừa chống dịch vừa đảm bảo chương trình đào tạo, Trường Đào tạo đã chủ động tăng cường tổ chức các lớp học trực tuyến qua các nền tảng MS Teams, Zoom, Google Meet... Kết quả năm 2021 đã có tới 26.809 lượt đào tạo trực tuyến (chiếm gần 40% tổng số lượt đào tạo).
Bên cạnh đó, xu hướng đào tạo mới trong tương lai là triển khai những khóa học nhỏ - micro learning – phương pháp chia nội dung lớn thành những nội dung ngắn, súc tích, việc học tập sẽ dễ tiếp thu hơn so với lượng lớn thông tin được đào tạo trong vòng 2-3 ngày như phương pháp đào tạo truyền thống.
Nhằm đón đầu xu hướng đó, Trường Đào tạo tiếp tục thực hiện số hóa các nội dung nghiệp vụ để không ngừng đào tạo rộng khắp đến nhiều học viên những kiến thức chuẩn mực, chính xác và cập nhật. Một số nội dung thiết thực như: Nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ; Sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa trên thị trường phi tập trung OTC; Hướng dẫn thực hiện tuân thủ cấm vận tại VCB; Hướng dẫn thực hiện nhận biết nâng cao khách hàng và giao dịch tại VCB … đã được Trường Đào tạo đưa vào triển khai trong năm 2021. Những bài giảng điện tử E-learning có tính cô đọng nhưng vẫn đảm bảo nội dung chuyên môn cao, hình ảnh hấp dẫn, tương tác phong phú luôn đem lại nguồn cảm hứng học tập và gia tăng hiệu quả trong hoạt động đào tạo. Số lượt đào tạo E-learning trong năm 2021 đạt 40.896 lượt.
Ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý đào tạo tại Vietcombank
Hệ thống LMS mới (Learning Management System) là một phần trong dự án HRM mới được triển khai và đưa vào sử dụng từ tháng 9.2021, là hệ thống quản trị học tập hiện đại, được các đơn vị đào tạo trên thế giới sử dụng trong quản trị đào tạo, tiếp cận và khai thác hiệu quả là giải pháp tối ưu để rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo cho các tổ chức và doanh nghiệp lớn. LMS mới (Successfactors) cùng với hệ thống Saba đào tạo Elearning giúp Trường Đào tạo hoàn thiện công tác quản trị đào tạo, tăng cường sử dụng công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng và khai thác số liệu đào tạo hiệu quả.
Bước đầu, Trường Đào tạo đã triển khai thí điểm việc đăng ký học online thông qua LMS thành công. Dự kiến trong năm 2022, việc đăng ký học tập sẽ được thực hiện đồng bộ thông qua hệ thống LMS mới. Kết quả học tập của cán bộ tại Vietcombank khi tham gia các khóa đào tạo do Trường Đào tạo tổ chức sẽ được lưu trữ, quản lý và dễ dàng truy xuất thông qua hệ thống LMS mới. Thông qua LMS mới, việc quản lý dữ liệu học viên sẽ đầy đủ, tập trung, cung cấp cho các đơn vị trên toàn hệ thống các thông tin đào tạo hiệu quả và chính xác.
Song song với hệ thống LMS, Trường Đào tạo cũng tăng cường sử dụng các ứng dụng trực tuyến trong hoạt động đánh giá chất lượng đào tạo và quản lý kết quả sau đào tạo. Hiện nay, toàn bộ các khóa học do Trường Đào tạo tổ chức đều được thực hiện khảo sát thông qua ứng dụng Microsoft-form, kết quả khảo sát được tập hợp nhanh chóng giúp rút ngắn thời gian tổng hợp số liệu và cung cấp thông tin chính xác cho cán bộ quản lý đào tạo.
Hoàn thiện các lộ trình và đẩy mạnh triển khai đào tạo theo Bản đồ đào tạo
Năm 2021, Trường Đào tạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện Bản đồ đào tạo cho các vị trí chức danh tại chi nhánh và đưa vào quản lý trên hệ thống LMS. Căn cứ vào lộ trình đào tạo của từng vị trí công việc, các cán bộ được sắp xếp tham gia đào tạo theo các nhóm chương trình chuyên biệt, đáp ứng yêu cầu cần thiết của công việc thông qua nhiều hình thức đào tạo.
Tính đến 06/12/2021, chương trình đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề dành cho cán bộ mới tuyển dụng (có thử việc) tại Chi nhánh được triển khai với 592 lượt đào tạo. Bên cạnh việc đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ mới tuyển dụng (có thử việc) tại chi nhánh đã được thực hiện bài bản, Trường Đào tạo tiếp tục trình Ban lãnh đạo chủ trương xây dựng chương trình “Chứng chỉ nhân viên mới” dành cho cán bộ mới tuyển dụng tại Trụ sở chính và dự kiến sẽ đưa vào triển khai trong Quý I/2022.
Đổi mới trong công tác tổ chức thi tay nghề nghiệp vụ
Năm 2021 là năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt khu vực phía Nam phải tuân thủ giãn cách trong một thời gian dài. Rất nhiều thí sinh thuộc diện F0/F1/F2 hoặc khu vực sinh sống bị phong tỏa/cách ly khẩn cấp.
Trước tình hình đó, để đảm bảo tất cả thí sinh đều có thể tham gia kỳ thi, Trường Đào tạo đã linh hoạt thay đổi phương thức tổ chức, tận dụng sự hỗ trợ của công nghệ để hoàn thành nhiệm vụ Ban lãnh đạo giao với tổng số 6.985 lượt cán bộ tham gia sát hạch thi tay nghề ở 02 mảng nghiệp vụ: Xây dựng cơ bản và Ngân hàng bán lẻ.
Đây là năm đầu tiên, thi tay nghề được tổ chức đồng thời trên 02 hệ thống: Hệ thống E-learning (đối với thí sinh vì điều kiện khách quan không thể đến đơn vị); Hệ thống thi trực tuyến (đối với thí sinh thi tại đơn vị). Hệ thống MS Team được triển khai thay Cầu truyền hình hỗ trợ Ban Tổ chức điều hành và giám sát thi nghiêm túc, khách quan.
Công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi được Trưởng các đơn vị quan tâm thiết kế, rà soát và thẩm định kỹ lưỡng. Bộ câu hỏi sát hạch ngày càng phong phú, không chỉ dừng ở câu hỏi nghiệp vụ mà còn bao gồm câu hỏi kỹ năng, ứng xử, đạo đức nghề nghiệp để hướng tới mục tiêu sát hạch toàn diện “Kiến thức - Kỹ năng - Thái độ” của cán bộ nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, Trường Đào tạo cũng phối hợp với Phòng CSKHNS hoàn thiện bản dự thảo “Quy chế tổ chức, đánh giá và sử dụng kết quả thi tay nghề trong hệ thống Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam”. Dự kiến khi Quy chế ban hành, công tác Thi tay nghề sẽ được chuẩn hóa, có tính hệ thống và việc sử dụng kết quả thi tay nghề vào công tác cán bộ sẽ ngày càng rõ nét.
Với những nỗ lực kiên trì bền bỉ, bám sát chủ trương, định hướng của Ban lãnh đạo, định hướng phát triển nguồn nhân lực và nhiệm vụ trọng tâm của Vietcombank, kết quả công tác đào tạo của Trường Đào tạo Vietcombank năm 2021 đã đạt những kết quả nhất định: Tổng số lượt đào tạo đã thực hiện là 69.791 lượt, đạt 120,4% kế hoạch năm 2021.
Tỷ suất đào tạo đối với cán bộ quản lý là 4.17 lượt/cán bộ (đạt 140.9 % kế hoạch năm 2021); Tỷ suất đào tạo đối với nhân viên là 3.23 lượt/cán bộ (đạt 115.5 % kế hoạch năm 2021); Tổng số lượt cán bộ được khảo thí là 556.561 lượt (trong đó có 49.576 lượt thông qua sát hạch cuối khóa học, 6.985 lượt thi tay nghề). Số nội dung xây dựng/phát triển mới: 23 nội dung, đạt 128% kế hoạch năm 2021. Số bài giảng điện tử được số hóa và đào tạo trên hệ thống E-learning đạt 18 BGĐT, hoàn thành kế hoạch ban đầu (12 BGĐT) và vượt kế hoạch (6 BGĐT) do đáp ứng nhu cầu phát sinh của các phòng/ban nghiệp vụ tại TSC; Điểm đánh giá chất lượng đào tạo đạt 4,54/5 điểm.
Biểu đồ tỷ trọng số lượt, số khóa đào tạo năm 2021
Năm 2021 khép lại với những tiền đề quan trọng tạo đà phát triển cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học năm 2022 và giai đoạn tới. Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ theo cả chiều rộng và chiều sâu, nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò đặc biệt quan trọng, là “chìa khóa” để chuyển đổi số thành công tại Vietcombank.
Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank sẽ không ngừng nỗ lực trong việc triển khai các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có tư duy đổi mới, sáng tạo, phương thức làm việc linh hoạt và có khả năng thích ứng nhanh, sớm đạt được mục tiêu chiến lược “Ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực” và “Ngân hàng đứng đầu vềchuyển đổi số”.
Để hoàn thành các nhiệm vụ trên, Trường Đào tạo Vietcombank mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo, của Khối Nhân sự và sự phối hợp, hỗ trợ của các phòng/ban Trụ sở chính, các chi nhánh, các giảng viên nội bộ và sự đồng sức, đồng lòng của toàn thể lãnh đạo cán bộ nhà trường.