Hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng Việt Nam sau đại dịch Covid-19
Sau những nỗ lực chống dịch Covid-19 của Chính phủ phát huy hiệu quả, các hoạt động kinh tế bắt đầu phục hồi, hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng có tín hiệu khởi sắc hơn. Theo số liệu mới cập nhật tính đến ngày 28/4/2020, tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019.
Tuy nhiên, những diễn biến vẫn còn phức tạp, khó lường của dịch bệnh trên toàn cầu, dự báo sẽ dẫn đến những thay đổi lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu thị trường, phương thức sản xuất của doanh nghiệp... từ đó đòi hỏi các tổ chức tín dụng cũng phải điều chỉnh để thích ứng với tình hình mới.
Đồng bộ giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh Covid-19
Trong hơn 4 tháng đầu năm 2020, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt kinh tế, xã hội của đất nước. Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và hoạt động của lĩnh vực Ngân hàng nói riêng, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay sau khi bắt đầu có dịch, ngành Ngân hàng đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân. Theo đó, về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành một cách linh hoạt, hiệu quả, kiểm soát lạm phát không để tỷ giá biến động, đảm bảo thanh khoản nền kinh tế, giảm lãi suất, giữ nền tảng vĩ mô và môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định, tạo điều kiện giảm thiểu tác động của dịch Covid-19.
NHNN ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID - 19 và Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, những giải pháp được NHNN đưa ra đã tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng như: (i) Khách hàng được cơ cấu các khoản nợ gốc và lãi đến hạn với thời hạn phù hợp, không bị chuyển nợ xấu, trong thời gian dịch bệnh, khách hàng không phải trả ngân hàng gốc và lãi, không bị tính lãi phạt; (ii) Khách hàng sau khi được cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ thì tiếp tục được vay vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh; (iii) Tạo hành lang pháp lý để các TCTD miễn giảm lãi, phí. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp giảm áp lực về nguồn tiền trả nợ đến hạn để DN tập trung vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, các TCTD cũng đẩy mạnh phát triển mạnh các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ sinh hoạt của người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội; miễn, giảm phí thanh toán nhằm hỗ trợ người dân, DN trên quy mô lớn, với số tiền trên 1 nghìn tỷ đồng. Cho vay tái cấp vốn 16 nghìn tỷ đồng từ NHNN để Ngân hàng Chính sách xã hội có nguồn vốn cho vay đơn vị để trả lương cho người lao động bị ngừng việc với lãi suất 0%, không cần tài sản bảo đảm theo đúng tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Kết quả bước đầu sau hơn 02 tháng triển khai quyết liệt Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Chỉ thị số 02/CT-NHNN cho thấy, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, tháo gỡ, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua và khôi phục sản xuất kinh doanh. Đến giữa tháng 5/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 130 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 630 nghìn tỷ đồng cho 182 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch; miễn, giảm phí thanh toán khoảng trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng DN chiếm khoảng gần 80% tổng số đã được TCTD hỗ trợ.
Nổi bật trong nỗ lực hỗ trợ cộng đồng DN vượt khó phải kể đến một số ngân hàng như: Vietcombank thực hiện đồng bộ việc giảm/ưu đãi lãi suất cho vay và giảm phí dịch vụ cho khách hàng. Cụ thể, tổng số dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5%-1,5% lên tới trên 112.700 tỷ đồng. Vietcombank giảm đồng loạt phí giao dịch ngân hàng điện tử 24/7, miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 và chống hạn mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Từ ngày 23/01/2020 đến đầu tháng 4/2020, Vietcombank đã thực hiện giải ngân hơn 41.200 tỷ đồng góp phần hỗ trợ đáng kể cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền. Tổng dư nợ của các khách hàng gặp khó khăn tạm thời do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được Vietcombank giữ nguyên nhóm nợ từ đầu năm đến nay trên 8.200 tỷ đồng.
Agribank ưu tiên tập trung thực hiện miễn giảm lãi và hạ lãi suất cho 27.500 khách hàng, với dư nợ 45.165 tỷ đồng... Đối với chương trình tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến nay, Agribank đã giải ngân được trên 10.030 tỷ đồng cho 6.043 khách hàng. 4 tháng đầu năm 2020, doanh số cho vay nền kinh tế của Agribank đạt 481.000 tỷ đồng, bình quân cho vay mới 120.000 tỷ đồng/tháng. Đối với các NTHM cổ phần như VPBank, tính đến ngày 4/5, đã có tổng cộng hơn 13.000 hồ sơ giải ngân mới tại ngân hàng tương đương 18.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay trung bình giảm đến 3% so với trước thời gian dịch bệnh để hỗ trợ các khách hàng hiện hữu gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
"Bài toán khó" của ngân hàng trong giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp
Thống kê sơ bộ cho thấy, dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và cộng đồng DN nói riêng. Số liệu thống kê cho thấy, nhiều DN giảm 70-80% doanh thu, thậm chí đã có những DN phải đóng cửa, phá sản. Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ DN đảm bảo thanh khoản dòng tiền, duy trì sản xuất vượt qua khó khăn trong và sau thời điểm dịch Covid-19, rất nhiều đề nghị đối với hệ thống ngân hàng như: Nới lỏng điều kiện vay vốn, hạ lãi suất cho vay… được đưa ra.
Cụ thể, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị, ngân hàng đưa lãi suất cho vay về 4-5%/năm với tiền đồng và 2-3% với USD, giảm trích lập dự phòng rủi ro để dành vốn hỗ trợ DN, cho DN ngành lương thực, thực phẩm vay vốn lãi suất 0%... Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, cần đưa ra tiêu chuẩn cấp tín dụng đặc thù, áp dụng riêng cho năm 2020, chẳng hạn giảm 30-50% lãi vay; giảm 50% giá trị tài sản bảo đảm vay vốn… thì DN mới có dễ bề tiếp cận vốn.
Thời gian qua, để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và cộng đồng DN nói riêng, NHNN cũng đã ban hành các quyết định hạ một số loại lãi suất điều hành có hiệu lực kể từ ngày 13/5/2020. Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và lần thứ 3 trong vòng 1 năm qua NHNN hạ lãi suất. Đây cũng là xu hướng của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế ứng phó với tác động của dịch Covid-19. Cụ thể, NHNN quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm. Bên cạnh đó, trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 1 tháng cũng được giảm từ 0,5%/năm xuống còn 0,2%/năm, các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,75%/năm xuống còn 4,25%/năm; trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm từ 5,5%/năm xuống còn 5,0%/năm.
Tuy nhiên, theo NHNN, hiện nay, các TCTD cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do dịch bệnh, nhiều DN không trả được nợ, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống TCTD. Cùng với đó, nhiều DN đã phát sinh nợ quá hạn, không đủ điều kiện để các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/ TT-NHNN nhưng vẫn liên tục kiến nghị, tạo áp lực cho các TCTD.
So với những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19, ngành Ngân hàng ban đầu được các định chế đánh giá chịu thiệt hại nhẹ hơn. Song trên thực tế, thiệt hại của ngành này không hề nhẹ khi khoảng 70% tổng thu nhập của các TCTD vẫn đến từ thu nhập lãi. Nếu không thúc đẩy tín dụng tăng trưởng, ngân hàng sẽ rơi vào khó khăn kép khi thiếu nguồn thu chính bù đắp cho các thiếu hụt do khoanh, giãn nợ, trích lập dự phòng rủi ro nợ cũ - mới. Trong khi đó, nếu nới lỏng điều kiện cho vay thì rất rủi ro. Bài học xử lý nợ xấu hậu khủng hoảng tài chính 2008 hay gần nhất là bài học của các ngân hàng 0 đồng đến nay vẫn còn.
Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên quy mô toàn cầu, có khả năng, ảnh hưởng của dịch bệnh đến tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu và các nền kinh tế lớn trên thế giới còn kéo dài từ 1 đến 2 năm tới, từ đó cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của cộng đồng DN Việt Nam. Ước tính từ một số NHTM cho thấy, ở Việt Nam, các DN đang hoạt động cầm chừng chiếm khoảng 40%-60%, một số DN có đơn hàng với các đối tác châu Âu, Trung Quốc và Mỹ đều bị dừng 100%; các đơn hàng trong nước giảm từ 40%-60%. Sau thời điểm khó khăn, các DN cần có thời gian phục hồi, khôi phục hoạt động sản xuất. Do vậy, ngành Ngân hàng cần dự báo trước các tình huống này để điều chỉnh hoạt động.
Các chuyên gia kinh tế dự báo cầu tín dụng sẽ tăng nhanh hơn trong thời gian tới khi mà hoạt động sản xuất – kinh doanh quay trở lại với nhịp độ bình thường. Đặc biệt, những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 vừa qua như du lịch, hàng không… được dự báo sẽ phục hồi với tốc độ nhanh hơn. Đà phục hồi của sản xuất trong nước cũng nhận được thêm sự hỗ trợ khi nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và nhiều nền kinh tế châu Âu mở cửa trở lại. Tuy nhiên, việc giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn từ phía hệ thống ngân hàng có thể sẽ không thực sự thúc đẩy nhu cầu tín dụng gia tăng từ phía DN.
Một số đề xuất
Theo dự báo của các tổ chức, hậu dịch Covid-19 chắc chắn sẽ tạo ra nhiều thay đổi lớn trong hoạt động của cộng đồng DN nói chung và hệ thống NHTM nói riêng. Nói cách khác, điều kiện sản xuất kinh doanh, môi trường hoạt động, cơ cấu thị trường, phương thức sản xuất của DN sẽ thay đổi theo hướng chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, tự động hóa... buộc các TCTD phải thích ứng. Dự báo, trong thời gian tới, thị trường, khách hàng và cả trong hệ thống Ngân hàng cũng sẽ có sự phân hóa. Trong bối cảnh đó, hệ thống ngân hàng thương mại cần quan tâm một số vấn đề sau:
Đối với Ngân hàng Nhà nước
Một là, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục kinh tế sau dịch; ổn định tỷ giá, sẵn sàng can thiệp đảm bảo ngoại tệ cho nền kinh tế. NHNN phải cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đồng thời căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, sẽ cân nhắc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ở mức cao hơn so với kế hoạch đầu năm.
Hai là, chỉ đạo các TCTD tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; thường xuyên theo dõi, đánh giá diễn biến và tác động của dịch bệnh đối với khả năng tăng trưởng tín dụng toàn ngành Ngân hàng để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng đối với các TCTD nhằm đáp ứng đầy đủ kịp thời vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn tiếp tục vay mới khôi phục sản xuất; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Toàn hệ thống ngân hàng cam kết tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng DN vượt qua khó khăn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ba là, đối với lãi suất, NHNN phải có phương án điều hành phù hợp, thời gian tới sẽ xem xét để giảm tiếp các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất thị trường mở…; quyết liệt chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay bền vững trong thời gian tới.
Bốn là, phải bảo đảm an toàn vốn vay, an toàn hoạt động của hệ thống TCTD để không gây tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế.
Đối với các tổ chức tín dụng
Một là, các NHTM cần tìm hiểu nhu cầu từng nhóm khách hàng để có chính sách hỗ trợ cụ thể, hiệu quả, giúp các DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Các NHTM chủ động đưa ra những gói sản phẩm, chương trình giảm lãi suất, hỗ trợ DN... và công bố, triển khai thực hiện ngay; Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch; Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các TCTD để đảm bảo có sự đồng thuận cao trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đặc biệt là giải pháp giữ nguyên nhóm nợ khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi...
Hai là, có thể diễn biến thời gian tới còn phức tạp trong thời gian tới, nên hệ thống NHTM cần có phương án cân đối nguồn lực trong thời gian ít nhất 6 tháng tới, đảm bảo tình hình kinh doanh của ngân hàng được an toàn, hiệu quả nhưng cũng có thể kịp thời hỗ trợ các khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Các NHTM phải cố gắng duy trì các chính sách hỗ trợ thêm một thời gian dài nữa thị trường có thể phục hồi nhanh, ngược lại qua đó có thể bù đắp thiệt hại trước đó cho hệ thống NHTM trong thời gian dịch bệnh diễn ra.
Ba là, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đối tượng, ngành kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện tăng cường tiếp cận tín dụng cho khách hàng; tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch, biện pháp khắc phục khi cán bộ bị lây nhiễm dịch, đảm bảo hoạt động của hệ thống ngân hàng an toàn, thông suốt, không bị gián đoạn.
Bốn là, tăng cường ứng dụng CNTT, phát triển các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ và phù hợp với thị hiếu mới của khách hàng. Tập trung làm tốt điều này sẽ giúp vừa tăng năng suất lao động, giảm thiểu chi phí, vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Ngân hàng Nhà nước (2020), Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19;
2. Ngân hàng Nhà nước (2020), Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19;
3. Ngân hàng Nhà nước (2020), Báo cáo tại Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”;
4. Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước (2020), Ngành ngân hàng đồng hành hỗ trợ DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng - ổn định vĩ mô.