Hoạt động quyền cổ đông: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Theo Tạp chí Chứng khoán

(Tài chính) Vi phạm các nguyên tắc về bảo vệ quyền của cổ đông, đặc biệt đối với các cổ đông nhỏ lẻ của các công ty cổ phần (CTCP) là một trong những đề tài thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong nhiều năm qua.

Hoạt động quyền cổ đông: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Quyền lợi của các cổ đông tại các CTCP ở Việt Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều. Nguồn: internet

Mặc dù đã được đề cập đến rất nhiều, nhưng quyền lợi của các cổ đông tại các CTCP ở Việt Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều. Trên thế giới, hoạt động quyền cổ đông (shareholder activism - các hoạt động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông) đã trở nên phổ biến và góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền lợi cho các chủ sở hữu của công ty. Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, tác giả hy vọng có thể đưa ra một số giải pháp góp phần giải quyết vấn đề bảo vệ quyền lợi của cổ đông tại các CTCP Việt Nam.

Hoạt động quyền cổ đông là gì?

Cổ đông của CTCP là chủ sở hữu của công ty và mục tiêu cuối cùng của mỗi CTCP là tối đa hóa giá trị cho chủ sở hữu. Tuy nhiên, không phải bất kỳ cổ đông nào cũng được tham gia điều hành công ty, mà lợi ích của tất cả các chủ sở hữu công ty phụ thuộc vào khả năng điều hành của một nhóm các cổ đông trong Hội đồng Quản trị (HĐQT), là cổ đông lớn, có hiểu biết về hoạt động kinh doanh của công ty hoặc Ban giám đốc (có thể là cổ đông của công ty hoặc thuê từ bên ngoài)... Như vậy, quyền lợi của cổ đông nhỏ rất dễ bị ảnh hưởng, nếu như: 

- Kết quả hoạt động kinh doanh của công ty giảm sút do năng lực quản trị doanh nghiệp yếu kém của HĐQT và Ban giám đốc (biểu hiện ở tình hình tài chính sa sút, phân bổ tài sản không hợp lý, giá cổ phiếu thấp, cơ cấu vốn không hợp lý…).

- HĐQT thiếu trách nhiệm trong việc điều hành doanh nghiệp, chỉ cố gắng thu lợi cho mình bằng cách tăng lương thưởng cho các thành viên của HĐQT.

- HĐQT cố tình gian dối, không công bố thông tin (CBTT) hoặc CBTT sai sự thật dẫn đến thiệt hại cho các cổ đông...

Chính vì vậy, hoạt động quyền cổ đông ra đời và phát triển nhằm bảo vệ lợi ích cho các chủ sở hữu của công ty, những người không trực tiếp điều hành công ty nhưng lại có quyền lợi gắn liền với doanh nghiệp. Hoạt động quyền cổ đông là các hoạt động của cổ đông nhằm cải thiện tình hình quản trị công ty (QTCT), tăng giá trị công ty (tăng chia cổ tức, giảm lưu giữ tiền mặt quá nhiều, bán các tài sản hoạt động không hiệu quả, thay thế nhân sự quản lý yếu kém bằng các nhà quản lý có năng lực…), bảo đảm quyền lợi và công bằng cho tất cả cổ đông (CBTT, sửa chữa sai sót trong hoạt động kế toán kiểm toán…). Hoạt động quyền cổ đông có nhiều mức độ và nhiều hình thức khác nhau. Kể từ khi ra đời, các hoạt động quyền cổ đông đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của cổ đông tại các CTCP ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Hoạt động quyền cổ đông ở một số quốc gia trên thế giới

Hiện nay, hoạt động quyền cổ đông chưa được triển khai một cách chính thức và bài bản tại Việt Nam. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hoạt động quyền cổ đông có thể được áp dụng như một công cụ bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông tại Việt Nam, đặc biệt là các cổ đông nhỏ lẻ.

Hoạt động quyền cổ đông ở Mỹ

Mỹ là một trong những quốc gia có hoạt động quyền cổ đông từ những năm 1950. Hoạt động quyền cổ đông tại các CTCP Mỹ thường được các nhà đầu tư có tổ chức đứng đầu, trong đó, nổi bật là hoạt động của các quỹ hoán đổi rủi ro (Hedge Funds). Không chỉ bảo vệ quyền lợi cổ đông, các quỹ hoán đổi rủi ro cũng coi các công ty vi phạm quyền cổ đông là các cơ hội đầu tư của mình. Các quỹ đầu tư thường hướng tầm ngắm của mình vào các CTCP có những đặc điểm như sau:

- Tình hình hoạt động hoặc tài chính yếu kém.

- Cấu trúc QTCT hoặc cấu trúc vốn chưa tối ưu (nắm giữ nhiều tài sản hoạt động kém, lưu trữ quá nhiều tiền mặt trong kho két mà không chia cho cổ đông hay đầu tư vào hoạt động kinh doanh…).

- Lương thưởng của ban quản trị quá cao so với kết quả kinh doanh và các công ty khác cùng ngành dẫn đến chi phí quản lý doanh nghiệp cao.

- Đầu tư vốn không hiệu quả, không giải quyết được khó khăn trong kinh doanh.

- Báo cáo tài chính (BCTC), kế toán, kiểm toán không rõ ràng.

Sau khi đã xác định được mục tiêu, các quỹ này sẽ tấn công, gây sức ép buộc HĐQT của công ty phải có các biện pháp nhằm làm tăng giá trị cổ đông hoặc bãi bỏ các hoạt động có thể gây hại cho cổ đông. Thường các quỹ này mua cổ phần của công ty từ 1 - 10% để tham gia làm cổ đông của công ty, sau đó kêu gọi sự hậu thuẫn từ các cổ đông khác để thực hiện các chiến dịch đại chúng, triệu tập các cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), hoặc thậm chí phát động các “chiến dịch” thâu tóm để kiểm soát toàn bộ HĐQT bằng cách biểu quyết miễn nhiệm HĐQT cũ và thay thế bằng các nhà quản trị do các quỹ hoán đổi rủi ro chỉ định.

Các quỹ hoán đổi rủi ro đề xuất với HĐQT của công ty các nội dung như: yêu cầu công ty mua lại cổ phiếu trên thị trường để hỗ trợ cổ phiếu tăng giá; tăng cổ tức; bán các tài sản thừa hoặc các mảng kinh doanh kém; thay thế giám đốc và HĐQT yếu kém bằng những người mới có năng lực hơn.

Hoạt động quyền cổ đông do các nhà đầu tư có tổ chức dẫn đầu đã giúp cải thiện được tình hình QTCT theo hướng có lợi hơn cho các cổ đông. Nhiều cổ đông các công ty mục tiêu được hưởng lợi từ việc tăng giá cổ phiếu, cổ tức, thông tin tài chính minh bạch hơn… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các nhà đầu tư tổ chức hoạt động quyền cổ đông với mục đích chủ yếu là kiếm lợi cho bản thân. Nhiều quỹ thậm chí còn thông qua hoạt động này để bán một phần hoặc toàn bộ công ty cho các nhà đầu tư tổ chức khác. Trong giai đoạn 2008 - 2010, hoạt động quyền cổ đông của các nhà đầu tư tổ chức tại Mỹ được đánh giá là chưa hiệu quả, tình hình sản xuất kinh doanh của các CTCP mục tiêu không được cải thiện, các cổ đông không nhận được quyền lợi gì thêm. Trong vài năm tới, các quỹ hoán đổi rủi ro hoạt động quyền cổ đông được đánh giá là sẽ tập trung vào những xu hướng như: cải thiện hoạt động kinh doanh của các công ty; cải thiện tình hình quản trị doanh nghiệp của các CTCP mục tiêu thay vì đòi hỏi các công ty thực hiện mua lại cổ phiếu, thâu tóm hay tăng chi trả cổ tức… vì không còn phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay.

 Hoạt động quyền cổ đông ở một số quốc gia châu Á

Sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, hoạt động quyền cổ đông ở các nước châu Á bắt đầu phát triển. Vấn đề quyền cổ đông rất được quan tâm. Nhiều quốc gia ở châu Á đã có những biện pháp để thúc đẩy hoạt động quyền cổ đông như Hàn Quốc, Malaysia...

Tại Hàn Quốc

Không giống như hoạt động quyền cổ đông ở Mỹ được các nhà đầu tư tổ chức thực hiện, hoạt động quyền cổ đông tại Hàn Quốc được dẫn dắt bởi một tổ chức phi chính phủ có tên là People’s Solidarity for Participatory Democracy, gọi tắt là PSPD. PSPD bắt đầu hoạt động quyền cổ đông từ tháng 1/1997, với chiến dịch “Bảo vệ cổ đông nhỏ”. Mục tiêu hoạt động chính của PSPD là cải thiện tình hình quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi cổ đông của các công ty. PSPD hướng tới các công ty trong mô hình Tập đoàn Chaebol (mô hình tập đoàn kinh doanh đa quốc gia) của Hàn Quốc. Phương thức hoạt động chủ yếu của PSPD bao gồm: kiện tụng, đàm phán giải quyết vấn đề với HĐQT và đề xuất bảo vệ lợi ích cho cổ đông. Do không phải là nhà đầu tư lớn để có thể tham gia đầu tư lượng lớn cổ phiếu trong các công ty, nên PSPD thường hợp tác với các nhà đầu tư có tổ chức khác (Ví dụ như Lazard Korea CG Fund…).

Hoạt động quyền cổ đông của tổ chức này tại Hàn Quốc được đánh giá là khá hiệu quả, giúp cải thiện và tăng giá trị cho cổ đông từ các tập đoàn Chaebol lớn. Trong số các công ty mà PSPD hoạt động quyền cổ đông, có những tên tuổi lớn như: Samsung; Hyundai Heavy Industries; Dacom; Daewoo; Korea First Bank.

Tuy nhiên, hoạt động của PSPD vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, trong đó, nhiều cuộc đấu tranh vì quyền lợi cổ đông thất bại. Ngoài ra, do PSPD không hướng tới mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận như các nhà đầu tư khác, do đó các đề xuất về hoạt động cổ đông mà tổ chức này đưa ra được cho là thiếu khả thi. Các ứng viên được PSPD đề cử vào HĐQT cũng bị đánh giá là không phù hợp.

Tại Malaysia

Tương tự như Hàn Quốc, Malaysia cũng có một tổ chức dẫn dắt hoạt động quyền cổ đông như vậy. Chính phủ Malaysia nhận định rằng các nhà đầu tư tổ chức không phải lúc nào cũng đại diện cho quyền lợi của tất cả cổ đông. Trên thực tế, tại Malaysia, ngoài 2 loại nhà đầu tư tổ chức lớn là các tổ chức đầu tư của chính phủ và các tập đoàn gia đình, các nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc cá nhân khác hầu như không có tiếng nói và không thể tự bảo vệ mình khi bị xâm phạm quyền lợi. Do đó, Chính phủ đã thành lập tổ chức Bảo hộ quyền cổ đông (Minority Shareholder Watchdog Group - MSWG) vào năm 2000 để bảo vệ các cổ đông nhỏ lẻ và thực hiện vai trò giám sát hoạt động của các CTCP. 5 cổ đông sáng lập nên MSWG bao gồm: Permodalan Nasional Berhad (PNB); Quỹ Employee Provident; Lembaga Tabung Angkatan Tentera (LTAT); Lembaga Tabung Haji (LTH) và Pertubuhan Keselamatan Sosial (PERSEKO) đều là các tổ chức đầu tư của Chính phủ. Từ năm 2005, MSWG được nhận hỗ trợ tài chính từ Quỹ phát triển thị trường vốn của Malaysia. Kể từ đó, hoạt động của MSWG trở nên khá tích cực.

MSWG hiện giám sát khoảng 270 công ty bao gồm tất cả các công ty cấu thành chỉ số FBM 100, chỉ số MCG top 100, các công ty thuộc diện bắt buộc phải giám sát hoặc có đơn thư khiếu nại từ các cổ đông nhỏ lẻ. MSWG cũng đã thành lập chỉ số quản trị doanh nghiệp Malaysia (chỉ số MCG) từ năm 2009 nhằm đánh giá tính hiệu quả của hệ thống quản trị tại các CTCP. MSWG cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo về tăng cường quyền cổ đông trong các công ty.

Mặc dù đã có những thành công nhất định nhưng hoạt động của tổ chức này vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Do HĐQT của MSWG được chỉ định từ các tổ chức đầu tư của Chính phủ, nên các nhà đầu tư lo ngại việc các chính trị gia có thể can thiệp vào hoạt động của các CTCP và bản thân MSWG.

Thực trạng quyền cổ đông tại Việt Nam

Tại Việt Nam, quyền cổ đông, đặc biệt đối với cổ đông nhỏ lẻ của các CTCP, vẫn chưa được đảm bảo đầy đủ. Ngay cả đối với các công ty niêm yết - vốn phải thực hiện nhiều nghĩa vụ theo quy định về CBTT - cũng có nhiều hành vi xâm phạm quyền cổ đông nghiêm trọng. Có thể chia các vi phạm quyền cổ đông thường thấy tại Việt Nam theo các nhóm sau:

Nhóm 1: Các vi phạm liên quan đến quyền dự họp và biểu quyết tại ĐHĐCĐ.

Nhiều CTCP tại Việt Nam lựa chọn tháng 3, tháng 4 hàng năm để tổ chức ĐHĐCĐ thường niên. Ngoài ra, mỗi khi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty phát sinh vấn đề, các cổ đông có thể triệu tập ĐHĐCĐ bất thường. CTCP cũng có thể lấy ý kiến cổ đông về một số vấn đề quan trọng bằng văn bản. Có thể kể đến việc vi phạm quyền cổ đông phát sinh ngay trong các cuộc ĐHĐCĐ như:

+ Không cho cổ đông nhỏ lẻ tham dự ĐHĐCĐ.

+ Chọn địa điểm tổ chức ĐHĐCĐ xa để cổ đông khó tham dự.

+ Buộc cổ đông phải đăng ký trước mới được tham dự ĐHĐCĐ.

+ Không cho cổ đông nhỏ lẻ quyền biểu quyết đầy đủ tại ĐHĐCĐ: Đối với việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, nhiều công ty đã không gửi văn bản đến cho cổ đông. Một số công ty còn quy định cổ đông sở hữu dưới một lượng cổ phiếu nhất định nào đó thì không được quyền biểu quyết, không được chất vấn…

Nhóm 2: Các vi phạm liên quan đến lợi ích kinh tế của cổ đông trong CTCP.

+ Chậm chi trả cổ tức hoặc không chịu chi trả cổ tức cho cổ đông.

+ Ưu tiên quyền lợi cho cổ đông lớn hoặc HĐQT mà vi phạm quyền lợi cổ đông nhỏ.

Nhóm 3: Các vi phạm liên quan đến quyền nhận thông tin của cổ đông.

+ Sai phạm trong thực hiện BCTC gây thiệt hại cho cổ đông. Trong đó phổ biến có các dạng gian lận BCTC: che giấu công nợ và chi phí, ghi nhận doanh thu không có thật, định giá sai tài sản, ghi nhận sai niên độ…

+ Sai phạm về CBTT cho cổ đông.

Các vi phạm này thường chỉ bị phát hiện khi nó đã xảy ra hoặc để lại hậu quả cho các cổ đông của công ty. Ở mức độ nhẹ, cổ đông không được hưởng quyền lợi của mình một cách đầy đủ sẽ cảm thấy khó chịu, bất mãn, nhưng ở mức độ nặng, các vi phạm này còn có thể gây ra những thua lỗ lớn cho các cổ đông. Các công ty vi phạm vẫn có động lực để tiếp tục hành vi vi phạm do chế tài xử lý lỏng lẻo, phần lớn các vụ việc xảy ra chỉ bị xử phạt hành chính với mức xử phạt quá nhẹ so với những thiệt hại mà họ gây ra cho cổ đông. Mặt khác, nhiều công ty vi phạm quyền cổ đông và bị các cổ đông khởi kiện, yêu cầu đòi bồi thường, nhưng công ty vẫn chây ỳ, không chịu thực hiện bồi thường mặc dù tòa án đã phán quyết.

Về phía các cơ quan chức năng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) hay các Sở Giao dịch Chứng khoán, việc quản lý, phát hiện và xử lý các vi phạm quyền cổ đông vẫn chưa được toàn diện. BCTC của các CTCP vẫn chỉ được kiểm soát dựa trên đội ngũ các công ty kiểm toán (CTKT). Hàng năm, UBCKNN vẫn lập ra danh sách khoảng 20 - 25 CTKT được chấp thuận. Tuy nhiên, việc quản lý các CTKT này vẫn chưa thực sự được chú trọng, nhiều trường hợp CTKT có dấu hiệu cấu kết với các CTCP làm giả, làm đẹp BCTC nhằm che giấu kết quả thua lỗ.

Hiện nay, các quy định pháp luật liên quan đến quyền cổ đông vẫn chưa hoàn thiện. Ngoài các quy định về quyền của cổ đông tại Điều 79, Điều 100, Điều 101 của Luật Doanh nghiệp và các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK được quy định tại Nghị định số 85/2010/NĐ-CP (nay là Nghị định 108/2013/NĐ-CP), Việt Nam hiện vẫn chưa có các quy định cụ thể liên quan đến việc xử lý các vi phạm đối với quyền cổ đông. Bản thân các điều luật được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều điểm hạn chế và chưa phù hợp, chẳng hạn như Luật Doanh nghiệp chưa định nghĩa được rõ ràng về cổ đông nhỏ lẻ, các cổ đông phải đạt tỷ lệ sở hữu 10% trở lên mới có quyền triệu tập ĐHĐCĐ… và nhiều bất cập khác.

Tiềm năng cho hoạt động quyền cổ đông tại Việt Nam

Hiện nay ở Việt Nam, mặc dù quyền cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ lẻ bị xâm phạm nhiều, nhưng vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông đó, và cũng chưa có hoạt động nào để bảo vệ quyền cổ đông. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là:

Thứ nhất, TTCK Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển và hoạt động quyền cổ đông vẫn chưa hình thành. Hiện nay, cơ sở các nhà đầu tư trên thị trường vẫn chưa hoàn thiện, các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp chưa nhiều, do đó vẫn chưa có tổ chức đứng ra để dẫn dắt hoạt động này.

Thứ hai, bản thân các cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ lẻ vẫn chưa ý thức được quyền lợi của mình. Hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, ngắn hạn, đầu cơ lên giá là chính, chưa dài hạn và chuyên nghiệp. Điều này khiến cho nhiều cổ đông khi bị vi phạm quyền lợi cũng không biết và không quan tâm.

Qua nghiên cứu quyền cổ đông ở một số quốc gia, có thể thấy rằng hoạt động quyền cổ đông đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cổ đông tại các CTCP, đặc biệt là các cổ đông nhỏ lẻ. Từ việc học hỏi kinh nghiệm của một số quốc gia nêu trên, có thể đề xuất một số nội dung sau để bước đầu ứng dụng và phát triển hoạt động quyền cổ đông tại Việt Nam:

Một là, thúc đẩy việc hoàn thiện cơ sở nhà đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp. Các nhà đầu tư tổ chức có chuyên môn và năng lực để đầu tư chuyên nghiệp và có đủ nguồn lực để đứng ra thực hiện các hoạt động quyền cổ đông. Bản thân các nhà đầu tư này cũng có thể đứng ra dẫn dắt hoặc liên kết với các tổ chức khác để cùng thực hiện các hoạt động bảo vệ cổ đông.

Hai la, rà soát, hoàn thiện lại các quy định pháp luật giúp mở đường cho hoạt động quyền cổ đông. Cụ thể như:

+ Khắc phục các hạn chế, bất cập trong các quy định pháp luật hiện hành đối với các cổ đông. Cho cổ đông nhỏ lẻ nhiều quyền lợi và công cụ hơn để bảo vệ bản thân (Ví dụ như: khởi kiện ban lãnh đạo, yêu cầu CBTT, đối xử công bằng giữa cổ đông nhỏ lẻ và cổ đông lớn).

+ Siết chặt các quy định về CBTT, các quy định về kiểm toán.

+ Tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm của các CTCP, thậm chí có thể khép một số tội danh vào luật hình sự, xử lý nghiêm khắc đối với ban lãnh đạo vi phạm quyền lợi cổ đông.

Ba là, có thể áp dụng mô hình của các quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia trong việc thành lập một tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi cho cổ đông. Một tổ chức mang tính phi lợi nhuận do chính phủ thành lập hoặc do tổ chức phi chính phủ thành lập làm nòng cốt, liên kết với các nhà đầu tư tổ chức (các quỹ đầu tư) để có nguồn vốn cho các hoạt động bảo vệ quyền lợi cổ đông. Tổ chức này được thành lập với mục tiêu theo dõi và giám sát hoạt động kinh doanh, CBTT, thực hiện quyền cổ đông của các CTCP (có thể bắt đầu từ các công ty niêm yết, sau đó mở rộng ra các CTCP chưa niêm yết). Các biện pháp tham gia vào hoạt động quản trị doanh nghiệp mang tính vừa phải như gửi thư cho ban quản trị hoặc đưa ra các đề xuất thay đổi có lợi cho cổ đông. Khi tình hình vi phạm quyền lợi cổ đông trở nên căng thẳng, tổ chức này có thể liên kết với các nhà đầu tư lớn khác để thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn, từ triệu tập ĐHĐCĐ để yêu cầu thay đổi ban kiểm soát đến khởi kiện các nhà lãnh đạo công ty vi phạm.

Bằng các biện pháp trên, hy vọng hoạt động quyền cổ đông có thể trở thành một hướng đi, một giải pháp mới giúp bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ tại các CTCP ở Việt Nam, đồng thời giúp giải tỏa phần nào những bức xúc kéo dài về những vi phạm quyền cổ đông của các công ty, góp phần xây dựng TTCK Việt Nam chuyên nghiệp, lành mạnh và thu hút được sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư.