Hoạt động sản xuất của Trung Quốc suy yếu do suy thoái trầm trọng

Theo gafin.vn

(Tài chính) Nền công nghiệp sản xuất của Trung Quốc suy giảm tháng thứ 5 liên tiếp, gia tăng nghi ngờ về khả năng đạt mức tăng trưởng mục tiêu 7,5%.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chỉ số sản xuất PMI của tập đoàn HSBC và Markit Economics giảm xuống 48,1, thấp hơn số liệu của tháng 2/2014 là 48,5 và ước tính trung bình của 22 chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg News là 48,7. Trong khi đó, chỉ số PMI ở trên mức 50 mới được xem là hoạt động sản xuất phát triển.

Chứng khoán Trung Quốc tăng trở lại trước dự đoán rằng, các nhà hoạch định chính sách sẽ xem xét thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế do tăng trưởng yếu. Các nhà lãnh đạo cần phải đưa ra quy định nhằm kiềm chế tăng trưởng tín dụng kéo theo tăng rủi ro nợ xấu, đồng thời ngăn chặn suy thoái kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Chen Xingdong, nhà kinh tế trưởng tại công ty BNP Paribas SA, nhấn mạnh vai trò của các chính sách trong việc tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Chỉ số chuẩn Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0,2% sau khi chính phủ công bố báo cáo về sản xuất. Tuy nhiên, trong phiên cuối ngày, chỉ số này tăng thêm 0,9%. Đồng nhân dân tệ (NDT) tăng 0,6%, đánh dấu ngày tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm.

Báo sản xuất của Trung Quốc (Flash PMI) thường dựa trên 85% đến 90% số nhà sản xuất thực hiện khảo sát. Báo cáo cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 1/4. Cùng ngày đó, Cục Thống kê Quốc gia và Liên hiệp thu mua và logistics của Trung Quốc cũng sẽ công bố khảo sát về 3000 công ty sản xuất.

Đối với các nhà đầu tư toàn cầu, các chỉ số PMI đang dần trở thành thước đo của nền kinh tế Trung Quốc.

Ngày 23/3, tại diễn đàn kinh tế ở Bắc Kinh, Lou Jiwei, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc cho biết, nước này sẽ không sử dụng chương trình kích thích tài chính trên quy mô lớn để đẩy mạnh hoạt động đầu tư. Trung Quốc sẽ chỉ tập trung vào chất lượng của tăng trưởng kinh tế, môi trường và giảm năng suất dư thừa.

Báo cáo công bố ngày 24/3 cho biết mức độ suy thoái của kinh tế Trung Quốc trong tháng 3/2014. Đầu tháng 3, các nhà kinh tế học của một số tập đoàn như JPMorgan Chase & Co. và Goldman Sachs, đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Lý do là hoạt động đầu tư vào tài sản cố định trong 2 tháng đầu năm 2014 của nước này tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2001, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu giảm mạnh.

Theo khảo sát của Bloomberg News, trong quý 1/2014, tăng trưởng GDP ước tính trung bình giảm 7,4% trong tháng 3 từ mức 7,6% trong tháng 2. Trong cả năm 2014, tăng trưởng GDP dự kiến giảm xuống 7,4%.

Chang Jian, nhà kinh tế trưởng tại công ty Barclays ở Hồng Kông, cho biết, Trung Quốc cần phải hành động nhanh chóng. Theo đó, nước này phải tăng tốc các dự án đầu tư theo kế hoạch nhằm ổn định tăng trưởng trong ngắn hạn; đồng thời, bãi bỏ các quy đinh và đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân và kiểm soát tốc độ tăng trưởng trong thời gian trung hạn.

Trong khi đó, nhiều người cho rằng, Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trước những số liệu kinh tế gần đây và quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5%. 11/ 21 nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg trong tháng 3 đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng Trung Quốc trong năm 2014.

Qu Hongbin, nhà kinh tế trưởng tại HSBC ở Hồng Kông, cũng đưa ra một số ý kiến khác như hạ thấp lãi suất cho vay, giảm rào cản đối với hoạt động đầu tư tư nhân, đầu tư phát triển lĩnh vực tàu điện ngầm, môi trường và nhà xã hội.