Kỷ niệm 107 năm ngày sinh đồng chí Lê Duẩn (7/4/1907 – 7/4/2014):
Học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
(Tài chính) Kỷ niệm ngày sinh đồng chí Lê Duẩn (7/4/1907 – 7/4/2014 ), chúng ta tưởng nhớ tới một chiến sĩ tiền bối thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng - một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà chiến lược kiệt xuất có nhiều đóng góp quan trọng vào việc giải quyết thành công những vấn đề chiến lược liên quan đến vận mệnh nước nhà.
Sinh ra trong một gia đình lao động có truyền thống yêu nước ở Triệu Phong, Quảng Trị, đồng chí Lê Duẩn đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào yêu nước từ năm 1926, rồi gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên năm 1928 và năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác Hồ sáng lập.
Từ năm 1946 - 1954, đồng chí là Bí thư Xứ ủy, rồi Bí thư Trung ương cục miền Nam, đã lãnh đạo, tổ chức cuộc kháng chiến ở Nam bộ, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, đồng chí được Trung ương phân công ở lại lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam.
Trong điều kiện địch khủng bố ác liệt, đồng chí đã lăn lộn khắp các địa bàn Nam bộ, từ bưng biền đến các đô thị nắm tình hình, củng cố tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng. Đồng chí đã khởi thảo bản Đề cương cách mạng miền Nam (8/1956), góp phần chuẩn bị ra đời Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương (7/1959), tạo bước ngoặt cho cách mạng miền Nam.
Từ năm 1960 – 1986 với cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc hoạch định đường lối, phương pháp cách mạng, nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Như một kiến trúc sư chiến lược của Đảng, đồng chí đã góp phần đưa miền Bắc từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ, làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn của cả nước, đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ, đồng thời chỉ đạo, tổ chức cuộc chiến đấu ở tiền.
Trong chỉ đạo công cuộc kháng chiến cứu nước, đồng chí đã thể hiện tư tưởng dám đánh và quyết thắng; đánh địch bằng sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của dân tộc gắn với sức mạnh 3 dòng thác của thời đại. Đánh địch trên 3 mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao, trên 3 vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị; bằng 3 mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận.
Theo đồng chí, chiến tranh du kích ở Việt Nam là một hình thức khởi nghĩa của quần chúng, một hình thức tiến công chiến lược của chiến tranh nhân dân. Đồng chí cho rằng: “Trong thời đại ngày nay, chiến tranh có nhiều loại, nhiều quy mô và sử dụng nhiều vũ khí khác nhau; nhưng nói về sức mạnh, thì đáng chú ý nhất là chiến tranh nhân dân và chiến tranh nguyên tử”. Nhiều nhà chiến lược quân sự trên thế giới coi chiến tranh nhân dân Việt Nam là một phát minh mới của thời đại, là câu chuyện thần kỳ của thế kỷ 20.
Trong công tác xây dựng Đảng đồng chí xem đây là vấn đề cốt tử của một đảng cầm quyền. Cần phải xây dựng cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, có phương thức thích hợp lãnh đạo nhà nước, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, tạo động lực cho sự phát triển đất nước. Đồng chí cho rằng muốn xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phải có phong trào quần chúng.
Sau ngày giải phóng, có lần, trong cuộc hội nghị với cán bộ miền Nam, đồng chí bày tỏ sự mong muốn cán bộ phải độc lập, sáng tạo và thẳng thắn hơn nữa. Trong lúc nói chuyện, đồng chí có đặt câu hỏi: “Hiện bây giờ, cấu tạo cấp ủy, cán bộ có phải vì nhiệm vụ cách mạng hay là vì thương lượng với nhau? Tại sao có sai mà không ai dám cãi cả!”.
Đồng chí cũng là người phát động quá trình đổi mới tư duy kinh tế từ Hội nghị Trung ương 6, khóa IV.
Với niềm tự hào và lòng biết ơn đối với đồng chí Lê Duẩn cùng những nhà lãnh đạo, những vị tướng tài ba của thời đại Hồ Chí Minh, những anh hùng, liệt sĩ, các tầng lớp nhân dân - những người đã góp máu xương, công sức cho hòa bình, thống nhất, chúng ta sẽ chung sức, chung lòng bảo vệ và dựng xây quê hương, đất nước ngày càng văn minh, hiện đại theo nguyện ước của Bác Hồ kính yêu.