Hội nghị COP28: Cơ hội để Việt Nam khẳng định những nỗ lực trong ứng phó biến đổi khí hậu


Tiếp nối thành công từ Hội nghị COP26, COP27, từ ngày 30/11 đến ngày 12/12 2023, Hội nghị COP28 sẽ được tổ chức tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE). Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam thể hiện cho các nước thấy những cố gắng của mình trong thời gian qua về thích ứng với BĐKH, đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực, tăng cường...

Quả cầu in logo COP28 tại UAE được trưng bày trong Tuần lễ Phát triển bền vững ở thủ đô Abu Dhabi hồi tháng 1/2023. Ảnh: Reuters
Quả cầu in logo COP28 tại UAE được trưng bày trong Tuần lễ Phát triển bền vững ở thủ đô Abu Dhabi hồi tháng 1/2023. Ảnh: Reuters

Tại Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) diễn ra tại TP. Glasgow, (Vương quốc Anh) vào năm 2021, Việt Nam đã tuyên bố đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Tuyên bố này đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính (KNK) góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu, đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đây là tiền đề để Việt Nam tái khẳng định nỗ lực và quyết tâm của mình để chung tay cùng thế giới trong cuộc chiến chống BĐKH tại Hội nghị COP 28 diễn ra tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE) vào tháng 12/2023.

Thành công bước đầu trong hiện thực hóa cam kết tại COP 26

Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ và đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030; Kế hoạch hành động của các ngành thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26…

Để hoàn thiện khung pháp lý về giảm phát thải KNK, bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với BĐKH, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Nghị định 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn; Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK (trong đó, 1.912 cơ sở có mức phát thải KNK hàng năm từ 3.000 tấn CO2 trở lên phải có trách nhiệm thực hiện kiểm kê KNK); trình Thủ tướng xem xét ban hành danh mục phân loại xanh quốc gia làm cơ sở phân loại dự án ưu tiên cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Đặc biệt, trong năm 2022, dấu ấn quan trọng nhất của Việt Nam trong hành trình chống BĐKH, thực hiện cam kết giảm phát thải KNK là việc đàm phán và thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) (bao gồm: Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Đan Mạch và Na Uy).

Thông qua Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố JETP, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan. Ngoài ra, Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam; thúc đẩy hợp tác với các nước, các tổ chức, định chế tài chính quốc tế và khu vực tư nhân để vận động hỗ trợ thực hiện cam kết tại COP26, các chương trình hợp tác song phương và đa phương, hỗ trợ khối doanh nghiệp phát triển công nghệ ít phát thải.

Tại Hội nghị COP27 diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11/2022, Việt Nam một lần nữa tái khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và thể hiện rõ nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống BĐKH. Tại đây, Việt Nam đã nộp Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật lần thứ 2, trong đó phản ánh các hành động cụ thể cần thực hiện từ nay tới năm 2030 phù hợp với lộ trình đạt phát thải ròng bằng “0” và cam kết giảm 30% phát thải khí mê-tan. NDC cập nhật lần 2 của Việt Nam đã tăng nỗ lực đáng kể so với NDC nộp năm 2020. Đồng thời, Việt Nam khẳng định, chuyển đổi năng lượng là yếu tố then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển đổi năng lượng, đảm bảo giá thành hợp lý cho tất cả mọi người có thể tiếp cận.

Nhiều kỳ vọng vào Hội nghị COP28

Tiếp nối thành công từ Hội nghị COP26, COP27, từ ngày 30/11/2023 đến ngày 12/12/2023, Hội nghị COP28 sẽ được tổ chức tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và đây sẽ là cơ hội để Việt Nam thể hiện cho các nước thấy những cố gắng của mình trong thời gian qua về  thích ứng với BĐKH, đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế nhằm triển khai thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” trong thời gian tới.

COP28 diễn ra vào thời điểm then chốt cho hành động của toàn cầu về chống BĐKH. Nhiệt độ tăng cao kỷ lục và tác động nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng, lũ lụt, bão và hạn hán trên toàn thế giới đang khiến việc giải quyết các vấn đề khí hậu ngày càng trở nên cấp bách.

Để đẩy lùi tình trạng trên, Chính phủ các nước cần phải đặt công tác thích ứng với BĐKH lên hàng đầu và là trọng tâm của chương trình nghị sự về khí hậu tại COP28. Theo đó, tại COP28, các nước sẽ tập trung đàm phán với 5 nhóm nội dung: Giảm phát thải KNK; thích ứng với BĐKH; thảo luận để đưa ra định nghĩa về tài chính khí hậu; trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; đánh giá nỗ lực toàn cầu…

Tại COP28 sẽ có các hoạt động theo các chủ đề như: Ngày sức khỏe, phục hồi và hòa bình; Ngày thiên nhiên, sử dụng đất và đại dương; Ngày hệ thống thực phẩm và nước; Ngày chuyển đổi năng lượng công bằng, công nghiệp, thương mại; Ngày về thanh niên, giáo dục và kỹ năng (8/12/2023)…

Là thành viên tích cực của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Việt Nam dự kiến sẽ tham gia Hội nghị COP28 với thành phần đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, một số doanh nghiệp lớn nhằm đảm bảo tham dự các phiên họp quan trọng của COP28.

Thông qua COP28, Việt Nam sẽ một lần nữa cho thế giới thấy sự quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành và người dân trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và đồng hành cùng thế giới chống BĐKH, góp phần phát triển xanh và bền vững đất nước.

Theo dangcongsan.vn