Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ VI: Tăng cường cơ chế hợp tác tài chính nội khối
(Tài chính) Hội nghị thượng đỉnh lần thứ VI của nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), gồm 5 nước: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã diễn ra tại Brazil trong hai ngày 15 và 16/7/2014. Tăng cường cơ chế hợp tác tài chính giúp gia tăng tiềm lực và sức mạnh của BRICS đối với kinh tế toàn cầu là một trong những nội dung quan trọng nhất được bàn thảo tại Hội nghị lần này.
BRICS là nhóm đại diện cho thị trường đang tăng trưởng lớn nhất chiếm 44% dân số thế giới, GDP tăng gấp 4 lần trong 10 năm, chiếm 25% GDP toàn cầu, tổng kim ngạch thương mại tăng gấp hai lần trong 5 năm gần đây, đạt mức hơn 300 tỷ USD.
Tại Hội nghị lần thứ VI, các nhà lãnh đạo của BRICS đã ký kết thỏa thuận thành lập “Ngân hàng Phát triển mới” (NDB) có tổng số vốn hoạt động lên đến 50 tỷ USD, với tỷ lệ góp vốn chia đều cho mỗi thành viên (10 tỷ USD/nước).
Một quỹ dự trữ chung của BRICS cũng được thành lập với quy mô vốn ban đầu là 100 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc đóng góp nhiều nhất (41 tỷ USD); Nam Phi đóng góp ít nhất (5 tỷ USD), còn Brazil, Ấn Độ, Nga mỗi nước đóng góp 18 tỷ USD.
Dự án thành lập NDB và một quỹ tiền tệ đủ mạnh để cạnh tranh với WB và IMF đã được đưa ra từ Hội nghị thượng đỉnh tháng 3/2013. Việc thành lập NDB là minh chứng cho sự gia tăng ảnh hưởng của BRICS đối với kinh tế thế giới. Trụ sở của NDB đặt ở Thượng Hải (Trung Quốc) và có thành lập các chi nhánh ở một số nước thành viên. Chủ tịch đầu tiên của NDB là người Ấn Độ.
Ban đầu, mỗi nước chỉ góp 10 tỷ USD tiền mặt trong vòng 7 năm, sau đó, tổng số vốn của NDB sẽ đạt khoảng 100 tỷ USD. NDB sẽ bắt đầu cung cấp tín dụng kể từ năm 2016 và các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc có thể tham gia góp vốn vào NDB nhưng BRICS vẫn luôn bảo đảm giữ trên 55% vốn. Dựa vào các nguyên tắc trong lĩnh vực ngân hàng, NDB thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước trong khối và hỗ trợ cho các nỗ lực của những thể chế tài chính khu vực và đa phương đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu.
Charles Movit, Giám đốc chi nhánh châu Âu của hãng nghiên cứu và tư vấn IHS nhận xét: “NDB là sự hình thành bước đầu một thế giới tài chính đa cực phản ánh một không gian địa chính trị đa cực”.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, việc thành lập NDB sẽ cho phép các nước thành viên BRICS có nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và công cụ tín dụng để hỗ trợ lẫn nhau chống lại các cuộc khủng hoảng kinh tế. Đây là một bước tiến quan trọng về thể chế liên kết tài chính, nhờ đó mà gia tăng tiềm lực và sức mạnh của nhóm BRICS.
Quỹ dự trữ nhằm bảo vệ các nền kinh tế BRICS trước biến động của thị trường. Mục tiêu của quỹ là giúp các nước thành viên cân đối lại cán cân thanh toán quốc tế, giữ vững giá trị đồng nội tệ, tăng cường và thúc đẩy niềm tin của thị trường và các nhà đầu tư.
Quỹ dự trữ cũng giúp hóa giải nguy cơ rút vốn khỏi các thị trường mới nổi của các nhà đầu tư quốc tế trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ, EU, Nhật Bản khôi phục dần đà tăng trưởng, đồng tiền của các nước đang phát triển có thể bị mất giá…
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, trong dài hạn, các quốc gia thành viên có kế hoạch thành lập ban thư ký BRICS hướng tới việc nâng vai trò của tổ chức này lên tầm cao mới.
Theo giới phân tích dự đoán, cơ chế tham vấn sẽ giúp các nước BRICS có lập trường chung và cùng nhau giải quyết tình huống khủng hoảng toàn cầu bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, nhằm bảo vệ vững chắc nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, quyền con người và quyền tự do, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
Theo giới chuyên gia tài chính, quỹ BRICS chỉ có thể hoạt động sau khi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Thủ tục này có thể sẽ cần nhiều thời gian. Thậm chí, có thể xảy ra tình huống các ngân hàng trung ương của 5 nước thành viên không sẵn sàng bỏ tiền góp quỹ do quan ngại rủi ro ở thời điểm nhạy cảm, giới đầu tư đang rút vốn khỏi các quốc gia đang phát triển.
Mặt khác, với số vốn 100 tỷ USD, chỉ chiếm 2,2% trong tổng số 4,3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối của khối BRICS không đủ lớn để biến các mục tiêu của quỹ thành hiện thực. Các nhà phân tích cũng cho rằng, phải có ít nhất hai đồng nội tệ (nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng rúp của Nga) có trọng lượng hơn trong thanh toán quốc tế thì quỹ dự trữ chung của BRICS mới phát huy tác dụng.
Mark Weisbrot, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tại Washington, nhận định: “Nhóm BRICS đã thể hiện khá rõ ràng sự phản đối của họ trước các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU chống lại Nga”.
Oliver Stuenkel, giáo sư quan hệ quốc tế tại Quỹ Getulio Vargas của Brazil, nhận xét: “Việc BRICS tổ chức hội nghị thượng đỉnh cho thấy phương Tây không có khả năng chi phối quyết định kinh tế của các quốc gia mới nổi và đang phát triển. BRICS đã từ chối tham gia các nỗ lực cô lập Nga”. Giáo sư Stuenkel cũng cho rằng, việc loại bỏ Nga khỏi nhóm các nước phát triển và đang nổi G20 là điều không thể làm được vì Nga nhận được sự ủng hộ của BRICS.
Như vậy, sự ra đời của NDB và quỹ dự trữ chung của BRICS đã ghi nhận bước tiến quan trọng mang tính đột phá trên thị trường tài chính toàn cầu. Tuy còn những ý kiến khác nhau về sự vận hành của cơ chế này, hiệu quả thực sự của nó vẫn còn đang ở phía trước, nhưng với việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác sâu rộng, bao gồm cả cơ chế tham vấn chính trị trong nhóm, đã giúp BRICS ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò thực tế của mình trong nền kinh tế - chính trị toàn cầu, hướng tới một thế giới đa cực, cân bằng và dân chủ hơn.
Nguyễn Nhâm - Theo Thông tin Tài chính số 16 kỳ 2 tháng 8/2014