Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
Thực hiện chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, những năm qua, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đạt một tầm cao mới. Tiến trình hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng nâng tầm thế và lực cho Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập cho người dân; tạo sức ép và điều kiện để tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế; nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm… Tuy nhiên, tiến trình hội nhập cũng mang lại nhiều thách thức đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Chủ động đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện
Trong hơn 30 năm đổi mới, các chủ trương cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) được đề cập tại nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Đảng và Nhà nước, cụ thể tại Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế (trong đó xác định HNKTQT là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế) và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về thực hiện có hiệu quả tiến trình HNKTQT, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và ban hành các chương trình, hành động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của từng bộ, ngành, địa phương và được triển khai rộng rãi với nhiều hình thức phong phú; Tăng cường thực thi hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã ký kết, góp phần đưa kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, công tác HNKTQT của Việt Nam đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Chủ nghĩa bảo hộ ngày càng nổi lên rõ nét hơn. Mất cân đối thương mại toàn cầu vẫn chưa được cải thiện, làm gia tăng xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược và cọ sát kinh tế, đặc biệt giữa các nền kinh tế chủ chốt… Mặc dù, tình hình kinh tế thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng Việt Nam vẫn kiên trì chủ trương HNKTQT toàn diện với trọng tâm là HNKTQT, coi HNKTQT và tự do hóa thương mại là xu thế tất yếu khách quan. Một số thành tựu của tiến trình HNKTQT toàn diện của Việt Nam gồm:
Một là, HNKTQT đã góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Nền kinh tế Việt Nam từng bước được cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế được tăng cường, nguồn nhân lực để cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ngày càng phát triển. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, minh bạch, bình đẳng hơn, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên.
Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực cũng như trên thế giới và có triển vọng tốt nhờ kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, tạo môi trường, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Quy mô kinh tế Việt Nam năm 2019 dự báo đạt 5,5 triệu tỷ đồng, tương đương 240,5 tỷ USD, gấp trên 1,3 lần so với năm 2015, hiện đứng thứ 44 trên thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 theo sức mua tương đương.
Hai là, HNKTQT tác động mạnh đến tăng trưởng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH. GDP bình quân đầu người tăng từ 2.109 USD (năm 2015) lên 2.587 USD (năm 2018), khoảng 7.650 USD theo sức mua tương đương. Đặc biệt, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trong năm 2007, tăng trưởng GDP đạt 8,46% (mức cao nhất trong vòng 11 năm trước đó). Tuy nhiên, 4 năm sau đó, do ảnh hưởng từ những biến động của kinh tế thế giới, nên tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2011 - 2013 giảm xuống còn 5,6%. Đáng chú ý những năm tiếp theo, kinh tế khởi sắc hơn. Cụ thể, năm 2014 đạt 5,98%, năm 2015 đạt 6,68%; 2016 đạt 6,1%, năm 2017 GDP đạt 6,81%, năm 2018 đạt 7%, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 240 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.540 USD, mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua (2008-2018).
Ba là, HNKTQT thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK), mở rộng thị trường đa dạng các loại hàng hóa tham gia XNK. Việt Nam đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đạt gần 480 tỷ USD, gấp gần 2 lần GDP. Từ chỗ thường xuyên nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng XNK, thậm chí là xuất siêu. Việt Nam hiện đã có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Là thành viên của WTO, Việt Nam đã được 71 đối tác công nhận là nền kinh tế thị trường, nhiều sản phẩm dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Mỹ...
Bốn là, HNKTQT sâu rộng hơn góp phần đưa Việt Nam trở thành một “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới các liên kết kinh tế với các nền kinh tế hàng đầu thế giới (gồm 12 FTA đã ký và đang thực thi; 2 Hiệp định đã ký kết, 4 FTA đang đàm phán bảo đảm cho kết nối thương mại tư do, ưu đãi cao với 60 nền kinh tế, chiếm 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam); đồng thời, tạo động lực mới và cả “sức ép” mới để thúc đẩy mạnh mẽ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Môi trường pháp lý, chính sách kinh tế, cơ chế quản lý trong nước được cải cách theo hướng ngày càng phù hợp với các cam kết tiêu chuẩn cao trong các FTA và ngày càng minh bạch hơn, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước ngày càng thông thoáng hơn, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế cao của khu vực và thế giới.
Năm là, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Hội nghị Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển đánh giá, Việt Nam nằm trong 12 quốc gia thành công nhất về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hiện nay, có gần 26.000 doanh nghiệp (DN) FDI đang hoạt động ở Việt Nam, với số vốn cam kết đầu tư trên 330 tỷ USD đến từ gần 130 quốc gia và đối tác. Vốn FDI vào Việt Nam chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Các đối tác đã cam kết viện trợ hơn 3 tỷ USD cho Việt Nam trong giai đoạn 2018-2020. Việt Nam từng bước trở thành một trong những công xưởng của thế giới về cung ứng hàng điện tử, dệt may, da giầy, điện thoại di động...
Một số vấn đề đặt ra
Bên cạnh những kết quả đạt được, tiến trình HNKTQT của Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn. Cụ thể như:
- Chính sách, pháp luật về HNKTQT còn thiếu và chưa đồng bộ. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về HNKTQT chưa nghiêm và quyết liệt. Trình độ năng lực điều hành, quản lý kinh tế của DN trong nước còn yếu kém. Hạn chế đó tác động tiêu cực tới việc làm tăng nguồn lực cho phát triển KT-XH đất nước.
- Chiến lược HNKTQT chưa toàn diện, dẫn đến chưa tận dụng được hết lợi ích của HNKTQT trong thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH đất nước. Trong một số trường hợp, HNKTQT còn bị động, chưa phù hợp với thực trạng phát triển đất nước, chưa phát huy được đầy đủ các hiệu quả và lợi ích của hội nhập mang lại.
- Trong nền kinh tế còn tồn tại một số hạn chế nội tại như: Cân đối vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc; Môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh chậm được cải thiện; Thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc; Tình hình sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn; Số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động lớn; Năng lực tài chính, quản trị của phần lớn DN trong nước còn hạn chế…
- Một bộ phận đầu mối về HNKTQT tại một số bộ, ban, ngành và địa phương còn chưa chú trọng đến khâu phối hợp và tham vấn với các chương trình hành động về HNKTQT. Chính vì vậy, việc triển khai công tác HNKTQT chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Giải pháp thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế
Mặc dù, tiến trình HNKTQT đã đạt được những kết quả tích cực, song trong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường như hiện nay, Việt Nam cần chủ động triển khai HNKTQT lên mức toàn diện, sâu rộng, đổi mới sáng tạo và hiệu quả hơn. Trước mắt, cần chú trọng vào một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và chỉ có thể thành công khi có sự tham gia hưởng ứng của các DN và người dân. Do vậy, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành cần quyết liệt vào cuộc, để tiếp tục đẩy mạnh HNKTQT trên tinh thần Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch công tác hội nhập của Chính phủ.
Thứ hai, cùng với đẩy mạnh các hoạt động thương mại, đầu tư, Việt Nam cần nâng cao năng lực phòng chống, giải quyết, xử lý các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về thương mại, đầu tư quốc tế, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ luật sư, cán bộ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và DN.
Thứ ba, nhận diện các động thái, xu hướng phát triển lớn của thế giới, từ đó có điều chỉnh đúng đắn, kịp thời trong chiến lược phát triển, tận dụng triệt để những cơ hội mới mở ra. Tại phiên họp thứ nhất năm 2019 (tháng 6/2019), Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã đề nghị: Các bộ, ngành, địa phương cần coi trọng, tăng cường nghiên cứu, đánh giá, dự báo các vấn đề mới của HNKTQT tác động tới Việt Nam…
Thứ tư, cần nắm bắt cơ hội và nhận diện rõ những thách thức của các FTA để có hội nhập phù hợp song không để bị lệ thuộc và bị cuốn theo các trào lưu ngắn hạn, các xu hướng loại trừ và hình thành những liên kết khép kín trong làn sóng FTA.
Thứ năm, thiết lập một nền kinh tế thị trường đầy đủ, minh bạch và hiện đại vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu của hội nhập. Để có được điều này cần có những chính sách củng cố quyền sở hữu nhằm thúc đẩy đầu tư dài hạn; thực hiện hiệu quả cải cách hành chính công nhằm tăng tính minh bạch, giảm quan liêu và hạ chi phí giao dịch vốn có ảnh hưởng không nhỏ đến các DN nhỏ và vừa.
Thứ sáu, tạo điều kiện thuận lợi, phát huy hơn nữa vai trò của địa phương, của DN trong công tác HNKTQT. Dư địa phát triển lớn nhất nằm ngay trong sự nỗ lực không ngừng, sức sáng tạo của mỗi DN, mỗi người dân. Địa phương, DN là chủ thể trung tâm của hội nhập, phải được thụ hưởng thành quả của hội nhập. DN, người dân phải chủ động hơn, thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về hội nhập, không để tình trạng vi phạm quy định pháp luật tiếp diễn, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế;
2. Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030;
3. Quyết định số 596/QĐ-TTg ngày 23/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế;
4. Quyết định số 27/QĐ-BCĐHNQT ngày 26/4/2014 của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế;
5. Quyết định số 04/QĐ-BCĐLNKT ngày 09/1/2015 của Ban Chỉ đạo liên ngành kinh tế ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế;
6. Vũ Văn Hiền (2018), Đổi mới tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế, Hội đồng Lý luận Trung ương;
7. Thanh Giang (2019), Hội nghị tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững, Báo Nhân dân diện tử;
8. Lê Hoài Trung (2019), Đối ngoại đa phương góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước;
9. Hoàng Xuân Hòa (2019), Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sau 5 năm nhìn lại, Văn phòng Chính phủ.