Đổi mới đào tạo kế toán, kiểm toán để đáp ứng yêu cầu của hội nhập
Hằng năm, Việt Nam có tới hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học chuyên ngành kế toán, kiểm toán. Tuy nhiên, nhiều sinh viên tốt nghiệp vẫn chưa thể đáp ứng ngay yêu cầu của các DN, thậm chí phải đào tạo lại. Nguyên nhân của thực trạng này là do công tác đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán vẫn còn những hạn chế.
Chất lượng đào tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp
Số liệu thống kê của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho biết, Việt Nam mới có khoảng 1.000 hội viên ACCA, trong khi đó, con số này trên toàn cầu là 170.000 hội viên. Điều đó cho thấy nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.
Còn theo Báo cáo đánh giá sự tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc (ROSC) - lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Ngân hàng Thế giới, hằng năm, Việt Nam có từ 50.000 đến 60.000 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học chuyên ngành kế toán, kiểm toán tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên, thực tế, lực lượng này vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường lao động.
Kết quả khảo sát của VACPA với các sinh viên tốt nghiệp các trường đại học lớn chuyên ngành kế toán, kiểm toán cho thấy: có tới 2/3 sinh viên tốt nghiệp phải qua đào tạo, hướng dẫn lại. Gần 100% sinh viên được khảo sát tự nhận thấy không thể đáp ứng ngay những yêu cầu của các DN nước ngoài tại Việt Nam. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do sinh viên còn yếu kém về ngoại ngữ.
Tại Hội thảo “Kế toán Việt Nam - Tương lai và triển vọng” do Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam tổ chức mới đây, PGS,TS. Mai Ngọc Anh - Trưởng Khoa Kế toán, Học viện Tài chính - cũng đã chỉ ra một số hạn chế khiến lực lượng kế toán, kiểm toán viên của Việt Nam chưa thể đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng.
Đó là: kiến thức và tư duy của các kế toán viên, kiểm toán viên chủ yếu mang tính nghiệp vụ và tuân thủ; tính chủ động, sáng tạo, độc lập về chuyên môn còn hạn chế; tác phong làm việc chưa chuyên nghiệp; không ít kế toán viên, kiểm toán viên vẫn chưa sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động của khu vực và thế giới.
Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân chính của thực trạng trên bắt nguồn từ những bất cập trong công tác đào tạo kế toán, kiểm toán tại các trường đại học, cao đẳng. Theo TS. Phạm Thị Tuyết Minh - Học viện Ngân hàng, sự phối hợp giữa DN với các cơ sở đào tạo về kế toán, kiểm toán còn lỏng lẻo, thậm chí mang tính hình thức; thời gian sinh viên thực tập ngắn, dẫn đến việc thụ động trong tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo vẫn còn nặng về lý thuyết, chỉ chú trọng đào tạo theo tiêu chuẩn của Việt Nam, chưa tính đến vấn đề hội nhập. Do đó, sinh viên ra trường khó hòa nhập ngay với công việc thực tế, nhiều DN phải đào tạo lại từ đầu, đặc biệt là trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại để xử lý thông tin.
Cần có sự đổi mới từ nội dung đến phương pháp đào tạo
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán, tại Hội thảo “Kế toán Việt Nam - Tương lai và triển vọng”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu: Trong tương lai, hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực này phải có sự đổi mới căn bản từ chương trình, nội dung và phương pháp.
Các tổ chức nghề nghiệp cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc đào tạo đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên có chứng chỉ nghề nghiệp thông qua các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao và phát triển năng lực theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, hướng tới xây dựng ngành kế toán, kiểm toán Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đáp ứng những yêu cầu mới trong thời kỳ hội nhập.
ThS. Đặng Thị Mai Trang - Trưởng đại diện Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) tại Việt Nam - cũng cho rằng: Để phát triển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán, yêu cầu đầu tiên là đổi mới chương trình giảng dạy cho phù hợp với phương pháp đào tạo mới và tiêu chuẩn quốc tế.
Điều này đồng nghĩa với việc các tổ chức đào tạo trong nước phải có sự hợp tác với các trường đại học, DN, tổ chức chuyên nghiệp nước ngoài và có sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các nhà quản lý. Ngoài việc cập nhật kiến thức mới, các kỹ năng chuyên môn cũng cần được đưa vào chương trình đào tạo.
Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực sẽ tạo cơ hội thuận lợi nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với ngành kế toán, kiểm toán. Bởi vậy, PGS, TS. Mai Ngọc Anh cho rằng, việc làm này cần được thực hiện với những giải pháp đồng bộ.
Theo đó, Khung năng lực quốc gia về kế toán và kiểm toán cần được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm định hướng cho hoạt động của các cơ sở đào tạo cũng như sự phát triển của ngành kế toán, kiểm toán. Mặt khác, mạng lưới các cơ sở đào tạo kế toán, kiểm toán cần được quy hoạch lại thông qua việc phân tầng, xác định rõ phân khúc thị trường nguồn nhân lực cho phù hợp.
Cũng theo PGS, TS. Mai Ngọc Anh, các cơ sở đào tạo về kế toán, kiểm toán cần đổi mới quan điểm giảng dạy theo hướng chú trọng tư duy tổng hợp và các kỹ năng như: xử lý công việc, tổng hợp, phân tích và quản trị dữ liệu, đặc biệt cần tăng cường đào tạo ngoại ngữ.
Cùng với đó, các trường đại học, cao đẳng, hội nghề nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nhau và với các đơn vị sử dụng lao động để thiết kế nội dung, chương trình giảng dạy phù hợp, tạo tiền đề cho việc đổi mới công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế.