Hội thảo xây dựng Luật Hải quan sửa đổi

Theo Hải quan Việt Nam

Ngày 12/4/2013, Tổng cục Hải quan đã khai mạc hội thảo quốc tế về xây dựng Luật Hải quan sửa đổi tại Ninh Bình.

Hội thảo xây dựng Luật Hải quan sửa đổi
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Chủ trì hội thảo là Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc. Tham dự hội thảo có ông Dương Ngọc Ngưu - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, ông Trần Hữu Bình - Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình cùng đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.

Đặc biệt, tham dự hội thảo còn có ông Mizui Osamu - Trưởng nhóm Dự án VNACCS/VCIS và các chuyên gia của Hải quan Nhật Bản.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, 10 năm thực hiện Luật Hải quan đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh kinh tế, lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Luật cũng thể hiện một số hạn chế, bất cập, chưa bắt kịp với sự phát triển của thực tiễn, đặc biệt là chưa tạo hành lang pháp lý thực hiện thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT).

Trước yêu cầu thực tiễn đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng Luật Hải quan sửa đổi. Đảng, Chính phủ và Quốc hội đặt ra 3 mục tiêu quan trọng cho dự thảo Luật Hải quan sửa đổi, đó là: Đảm bảo yêu cầu hội nhập toàn diện của nền kinh tế Việt Nam; Tạo khuôn khổ pháp lý để cải cách thủ tục hành chính và thực hiện TTHQĐT; Tạo khuôn khổ pháp luật để đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Bộ Tài chính được sự cho phép của Chính phủ đã thành lập ban soạn thảo liên bộ và tổ công tác liên ngành, nghiên cứu, sửa đổi Luật Hải quan. Dự thảo của Bộ Tài chính vào đầu tháng 3/2013 đã gửi xin ý kiến Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI, các bộ, ngành và các hiệp hội doanh nghiệp. Dự thảo cũng được Tổng cục Hải quan trao đổi với các nước trong khuôn khổ hợp tác quốc tế. Hải quan Việt Nam đang có trợ giúp lớn của Chính phủ và Hải quan Nhật Bản, đặc biệt là qua Dự án thông quan điện tử và một cửa quốc gia VNACCS/VCIS. Hải quan Nhật Bản cũng đã đóng góp một số kinh nghiệm của mình vào dự thảo.

Thứ trưởng Tuấn mong muốn hội thảo lần này là dịp để Hải quan Việt Nam tranh thủ kinh nghiệm của Nhật Bản, từ đó tìm ra hướng phù hợp để áp dụng vào nước mình, đáp ứng ba mục tiêu nói trên và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, ông Mizui Osamu – Hải quan Nhật Bản, Trưởng nhóm Dự án VNACCS  cho biết, sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Hải quan sửa đổi của Việt Nam, ông nhận thấy có những điểm khác biệt, nhưng cũng có nhiều điểm chung với Luật của Nhật Bản và các nước tiên tiến trên thế giới. Ông cũng rất ấn tượng vì dự thảo đã đưa vào những vấn đề mới mẻ như quản lý rủi ro. Ông Mizui Osamu khẳng định các chuyên gia của Hải quan Nhật Bản sẽ chia sẻ cởi mở kinh nghiệm của mình, hy vọng Luật Hải quan sửa đổi lần này sẽ tạo đà cho sự phát triển kinh tế, đầu tư thương mại của Việt Nam trong 20 năm tới.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận 03 nhóm vấn đề cơ bản.

Thứ nhất, nhóm vấn đề nội luật hoá các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập, bao gồm các vấn đề: Địa điểm làm thủ tục hải quan; Xác định xuất xứ hàng hóa (Điều 26); Xác định mã số, trị giá hải quan, xác nhận xuất xứ đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trước khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu; Giải phóng hàng.

Thứ hai, nhóm vấn đề về cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hoá quản lý hải quan,  tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, gồm các vấn đề: Áp dụng đầy đủ nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan; Đại lý làm thủ tục hải quan (Điều 20);Hồ sơ hải quan, thời hạn cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan; Phân loại hàng hóa (Điều 25); Khai hải quan, thời hạn nộp hồ sơ hải quan; Kiểm tra hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan (Điều 30 đến 33); Tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo cơ chế một cửa; Chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp; Chuẩn hóa thủ tục hải quan đối với loại hình hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tin hải quan.

Thứ ba là nhóm vấn đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan; tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh kinh tế nhằm phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, gian lận thương mại. Nhóm vấn đề này tập trung ở các nội dung chính: Bổ sung trách nhiệm của cơ quan hải quan trong hoạt động hợp tác quốc tế về hải quan; Về địa bàn hoạt động hải quan; kiện toàn hệ thống tổ chức hải quan; Giám sát hải quan; Kiểm tra sau thông quan; Tăng cường hoạt động của cơ quan hải quan trong thanh tra, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Quy định rõ quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong lĩnh vực Hải quan.

Hội thảo tiếp tục diễn ra vào ngày 13/4/2013.