Hội thi “Kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến vùng Đồng bằng sông Cửu Long"

PV.

Hội thi “Kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” sẽ chính thức diễn ra trong 02 ngày, từ 05 - 06/11/2015 tại TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, với sự tham gia của hơn 150 thí sinh là những nông dân sản xuất lúa tiêu biểu đến từ 13 tỉnh thành trong vùng (Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hội thi do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang tổ chức. Đây là sự kiện thứ 24 và là hội thi thứ 2 nằm trong chuỗi các sự kiện thuộc kế hoạch thông tin tuyên truyền khuyến nông năm 2015 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

Tính đến thời điểm hiện tại, các tỉnh tham gia Hội thi đã hoàn tất việc tuyển chọn thí sinh và đang tích cực tập luyện.

Mục đích của Hội thi nhằm tuyên truyền chủ chương chính sách của Nhà nước, những kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất lúa. Đây cũng là cơ hội để tuyển chọn nông dân tiêu biểu trong sản xuất lúa nhằm tuyên dương động viên, khuyến khích nông dân tích cực tìm hiểu áp dụng tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm tốt để phát triển sản xuất lúa đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và xuất khẩu. Đồng thời hội thi là sân chơi bổ ích, thiết thực để nông dân học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu về thị trường xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất, thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo của vùng.

Các thí sinh tham gia Hội thi lần này sẽ tranh tài với 3 phần thi: Phần thi thứ nhất: thi sân khấu hoá “Sản xuất lúa hiệu quả, bền vững”; Phần thi thứ hai: thi kiến thức tự luận “Kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến” và Phần thi thứ ba: “Trắc nghiệm kiến thức”.

Nội dung thi xoay quanh các các kiến thức về biện pháp kỹ thuật sản xuất lúa tiến tiến (3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, canh tác sinh thái: lúa - hoa, sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính), cơ giới hóa, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu; các chủ trương, chính sách về liên kết sản xuất theo cánh đồng mẫu; chính sách về tín dụng trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng thương hiệu xúc tiến thương mại ngành lúa gạo...

Kết thúc Hội thi “Kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến vùng ĐBSCL”, Ban Tổ chức sẽ trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 7 giải Khuyến khích và các giải phụ cho các đội tham gia Hội thi./.