Đổi mới công tác khuyến nông trong giai đoạn hiện nay
Theo TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hoạt động khuyến nông hiện nay khác rất nhiều so với trước đây khi có sự cạnh tranh rất cao để đổi mới và phát triển. Thực tế này đặt ra đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác khuyến nông trong tình hình mới, gắn với chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thành công và hạn chế
Từ một nước thiếu lương thực triền miên phải nhập khẩu với số lượng hàng triệu tấn mỗi năm, giá trị xuất khẩu nông sản không đáng kể, sau thời kỳ Đổi mới, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển kỳ tích khi vươn lên đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trong nước và trở thành nước xuất khẩu nông sản có vị thế quan trọng trên thế giới về gạo, cà phê, điều, hồ tiêu, cao su, thủy sản...
Sự phát triển của nông nghiệp đóng vai trò tiên quyết để nước ta đạt được những thành tựu ngoạn mục trong kinh tế - xã hội nói chung và công cuộc xóa đói giảm nghèo theo mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc nói riêng. Bên cạnh đó, nông nghiệp cũng tạo điều kiện quan trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, là trụ đỡ vững chắc để đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách do tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới những năm gần đây.
Có thể khẳng định, thành công của ngành nông nghiệp trong tiến trình Đổi mới vừa qua có sự đóng góp rất tích cực và quan trọng của hệ thống Khuyến nông Việt Nam với vai trò là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ nông dân và thị trường, là hệ thống tư vấn, phổ biến kiến thức, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho nông dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoạt động khuyến nông đã góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống cho nông dân, ngư dân ở các vùng ven biển, đồng bằng, trung du, miền núi.
Theo TS. Phan Huy Thông, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách đối với công tác khuyến nông. Do vậy, hoạt động khuyến nông đã có những bước phát triển nhanh, hệ thống tổ chức khuyến nông phát triển mạnh từ Trung ương đến cơ sở. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Hệ thống khuyến nông các địa phương đã tích cực, chủ động trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, có những đóng góp vào thành công chung của sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Những thành tựu nổi bật của hoạt động khuyến nông có thể nhận thấy trên các mặt như: Hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông; Công tác đào tạo, huấn luyệnnâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ khuyến nông các cấp và nông dân; Các chương trình khuyến nông trồng trọt; Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về cải tạo giống, áp dụng các giống vật nuôi đạt năng suất, chất lượng cao; Ứng dụng các tiến bộ về giống và kỹ thuật lâm sinh để trồng rừng thâm canh, phát triển các loài cây rừng có năng suất cao, chất lượng phù hợp; Hoạt động khuyến ngư; Các chương trình khuyến nông về cơ giới hoá, bảo quản và chế biến nông lâm sản; Ứng dựng nông nghiệp công nghệ cao và hoạt động khuyến nông đô thị; Hoạt động hợp tác quốc tế về khuyến nông…
Chẳng hạn như năm 2014 được coi là một năm đổi mới hoạt động thông tin tuyên truyền của khuyến nông, tiêu biểu là các hoạt động gắn chặt với chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, bản tin và website của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng riêng chuyên mục về tái cơ cấu và xây dựng nông thôn mới. Với các chương trình phối hợp với 20 cơ quan báo đài Trung ương cũng được tăng thời lượng và tần suất nhằm hỗ trợ, tuyên truyền đắc lực cho chủ trương tái cơ cấu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai. Ngoài những hoạt động tuyên truyền truyền thống, năm 2014 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiến hành các hình thức tuyên truyền thông qua file điện tử, đĩa hình nhằm phục vụ đa lợi ích, giảm các tài liệu in ấn, tiết kiệm chi phí. Xây dựng tủ sách khuyến nông tại các xã nông thôn mới…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến nông vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: các chương trình, dự án khuyến nông nhìn chung còn phân tán, dàn trải, công tác triển khai còn chậm đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác khuyến nông. Hoạt động khuyến nông chưa thực sự bám sát các mục tiêu trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức khuyến nông còn chậm trong việc phối hợp với các ngành liên quan với các cơ quan trong ngành nông nghiệp như viện nghiên cứu, các trường đào tạo, các phòng nông nghiệp, phòng kinh tế,… ở cơ sở.
Ngoài ra, hoạt động khuyến nông mới tập trung hỗ trợ kinh tế hộ gia đình, các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số mà chưa chú trọng đến các đối tượng nông hộ sản xuất hàng hóa, chủ trang trại, thương lái, các hợp tác xã sản xuất dịch vụ, các doanh nghiệp trên địa bàn để giải quyết đầu ra nông sản cho nông dân, đồng thời khuyến nông chưa thực sự là cầu nối tổ chức liên kết 4 nhà…
Một số nhiệm vụ trọng tâm
Để đổi mới hoạt động khuyến nông, đòi hỏi các ngành các cấp và các đơn vị làm công tác khuyến nông nhận thức sâu sắc rằng khuyến nông là một mắt xích quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục chú trọng một số nhiệm vụ sau đây:
Một là, đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông từ Trung ương đến cơ sở phải được tăng cường kiến thức về khoa học công nghệ, kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn và kiến thức về quản lý kinh tế, nắm vững đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Hai là, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền tại các địa phương và nông dân chủ chốt tại các vùng sản hàng hóa trọng điểm phục vụ tái cơ cấu ngành về xây dựng nông thôn mới. Tăng cường hội thảo, diễn đàn mang tính thời sự gắn với nhu cầu thời sự từ thực tiễn cũng như chú trọng tuyên truyền hơn nữa đến các vùng lõm, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Tích cực phối hợp với các cơ quan báo đài để nhằm đổi mới hoạt động thông tin tuyên truyền của khuyến nông theo hướng chủ động, sáng tạo và hiệu quả.
Ba là, sớm triển khai các mô hình khuyến nông liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ mà trước hết là đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực (con giống, cây trồng, vật nuôi), cung ứng vật tư, chế biến bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nhất là sản phẩm có giá trị gia tăng, có lợi thế cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ, có chất lượng tốt và an toàn thục phẩm. Chú trọng tới các sản phẩm có thị trường tốt nhằm tạo ra sự chuyển biến, bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trên phạm vi rộng.
Bốn là, công tác khuyến nông cần tăng cường thông tin sát với thị trường, tổ chức huẩn luyện đào tạo xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm, giúp nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp.
Năm là, tích cực hỗ trợ khuyến nông tiếp cận được với các nguồn vốn, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước… Đẩy mạnh triển khai thí điểm một số dự án khuyến nông theo cơ chế hợp tác công tư (PPP) đối với sản phẩm chủ lực, xuất khẩu của ngành để làm cơ sở phát triển, mở rộng trong những năm tiếp theo…
Sáu là, cần khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế để học tập, trao đổi những kinh nghiệm tiên tiến và đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp theo hướng xã hội hóa công tác khuyến nông...
Ngoài ra, theo một số chuyên gia, để đổi mới khuyến nông, ngoài chức năng nhiệm vụ hiện có cần bổ sung nhiệm vụ của khuyến nông trong việc phối hợp tổ chức liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước), đồng thời, khuyến nông là lực lượng có điều kiện thuận lợi nhất làm cầu nối hỗ trợ gắn kết và điều chỉnh các mối quan hệ giữa các thành phần kinh tế (nông hộ gia đình, nông hộ sản xuất hàng hóa, thương lái, các hợp tác xã sản xuất và dịch vụ, các công ty xí nghiệp hoạt động trên địa bàn) tại các vùng sản xuất nông lâm ngư nghiệp tập trung.