Honda dự báo 2022 sản lượng xe mới phục hồi
Honda Motor đang “vật lộn” với tình trạng thiếu chip kéo dài hơn dự báo và cho biết tình trạng nguồn cung tắc nghẽn sẽ chỉ bắt đầu được giải tỏa vào đầu năm tới.
Honda vừa cắt giảm dự báo lợi nhuận ròng cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022 xuống còn 555 tỷ yên (4,9 tỷ USD), giảm 17% từ mức 670 tỷ yên dự báo trước đó, chủ yếu do gián đoạn nguồn cung. Hãng này cho biết sản lượng mất đi sẽ không thể bù lại trong năm tài chính này.
“Lần trước [vào tháng 8], chúng tôi cho rằng sản xuất sẽ phục hồi một phần trong nửa cuối năm tài chính này vì rắc rối nằm ở các yếu tố nhất thời như hỏa hoạn tại một nhà máy của hãng chip Renesas Electronics và bão mùa đông ở Texas hồi đầu năm”, Phó Chủ tịch điều hành Honda Seiji Kuraishi cho biết tại cuộc họp báo hôm thứ Sáu.
“Nhưng lần này, vấn đề thiếu nguồn cung linh kiện trầm trọng hơn do tình trạng phong tỏa kéo dài ở châu Á. Việc phục hồi sản xuất sẽ khó khăn trong năm tài chính này”, ông nói.
Ngoài tình trạng thiếu chip toàn cầu, các hạn chế áp đặt để kiểm soát dịch COVID-19 đang cản trở sản xuất linh kiện ở Đông Nam Á và tình hình đang tiếp tục gây nhiều khó khăn cho Honda.
Mặc dù đồng yên yếu đi và chi phí từ khuyến khích dành cho các đại lý ở Bắc Mỹ ít đi được kỳ vọng sẽ nâng lợi nhuận hoạt động của Honda, nhưng doanh số bán hàng chậm lại do sự cố chip sẽ gây ảnh hưởng nặng nề hơn tới lợi nhuận, theo Nikkei Asia.
Honda hiện dự báo sẽ bán được 4,2 triệu xe trong năm tài chính này, giảm 13% so với dự báo trước đó. Đây là lần điều chỉnh giảm thứ hai trong dự báo doanh số bán hàng của hãng trong năm tài chính này. Lần đầu, hãng dự báo doanh số ở mức 5 triệu xe. Lợi nhuận hoạt động của Honda hiện được dự báo là 660 tỷ yên (5,8 tỷ USD), bằng năm tài chính trước đó.
Trong quý từ tháng 7-9, sản lượng hàng tháng của Honda giảm mạnh, trong đó tháng 9 có mức giảm 30% so với cùng kỳ. Sản lượng tại các nhà máy ở Nhật Bản giảm 30% trong tháng 10 và 10% trong tháng này. Doanh số bán hàng thấp hơn năm ngoái ở tất cả các thị trường chính của hãng, trong đó có Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc.
Kuraishi cho biết sự thiếu hụt chip đã khiến công ty phải xem xét các biện pháp dự phòng để có các linh kiện thiết yếu, trong đó có hàng tồn kho, mua chip trực tiếp từ các nhà sản xuất và ký hợp đồng dài hạn với các nhà sản xuất chip. “Chúng tôi thậm chí đang nghĩ đến việc thử nghiệm các chất bán dẫn có bán sẵn trên thị trường,” ông cho biết.
Honda ghi nhận lợi nhuận ròng 389 tỷ yên (3,4 tỷ USD) trong nửa năm tài chính tính đến tháng 9, tăng 143% so với cùng kỳ năm trước, năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Lợi nhuận của Honda chủ yếu đến từ dịch vụ tài chính.
Được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích kinh tế, hoạt động cho vay và cho thuê sôi động đang giúp bù đắp cho lợi nhuận yếu của mảng kinh doanh ô tô, một thách thức dài hạn đối với Honda. Tỷ suất lợi nhuận hoạt động của mảng kinh doanh ô tô là 2,1% trong quý gần đây nhất, so với mức 5,1% cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 4, Honda tuyên bố sẽ chỉ bán các loại xe chạy bằng pin nhiên liệu, xe điện vào năm 2040, trở thành hãng ô tô Nhật Bản duy nhất tuyên bố loại bỏ hoàn toàn xe chạy bằng xăng, Nikkei Asia đưa tin. Tháng 9, Honda cho biết hãng sẽ thâm nhập các lĩnh vực mới, trong đó có mảng kinh doanh phóng vệ tinh nhỏ và chế tạo ô tô bay.
Honda sẽ tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển lên mức kỷ lục 5 nghìn tỷ yên (44 tỷ USD) trong 6 năm tới để tiến vào các lĩnh vực mới này.
Dự báo của Honda về sản xuất phục hồi chậm hoàn toàn trái ngược với dự báo của Toyota Motor. Toyota hôm thứ Năm cho biết họ sẽ tăng tốc trong những tháng tới để bù đắp cho sản lượng bị mất.
Toyota cũng nâng dự báo lợi nhuận ròng cho năm tài chính tính đến tháng 3/2022, kỳ vọng sẽ không phải cắt giảm sản lượng như đã làm mới đây do thiếu chip.
Tuy nhiên, hãng này nhấn mạnh trong thông báo thu nhập mới nhất rằng điều chỉnh dự báo tăng chủ yếu bắt nguồn từ việc đồng yên yếu đi và các điều kiện thị trường thuận lợi khác, và “về cơ bản đó thực ra là điều chỉnh giảm”. Hãng dự báo doanh số bán hàng sẽ thấp hơn trong năm tài chính này và gióng lên hồi chuông cảnh báo về giá nguyên liệu thô tăng vọt.
Toyota dự báo đạt lợi nhuận ròng 2,49 nghìn tỷ yên (21,8 tỷ USD) trong năm tài chính này, tăng so với mức lợi nhuận 2,3 nghìn tỷ yên mà hãng dự báo tháng 5. Doanh thu được dự báo sẽ ổn định ở mức 30 nghìn tỷ yên, trong khi lợi nhuận hoạt động tăng lên 2,8 nghìn tỷ yên, từ mức 2,5 nghìn tỷ yên dự báo trước đó.
Công ty đạt lợi nhuận ròng kỷ lục 1,52 nghìn tỷ yên cho giai đoạn từ tháng 4-9, tăng 142% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hoạt động là 1,74 nghìn tỷ yên, tăng 236%. Doanh số bán hàng tăng mạnh ở các mẫu xe có lợi nhuận cao như xe thể thao đa dụng tại các thị trường chính.