Hồng Kông sẽ là "mồi lửa" trong quan hệ Mỹ - Trung?
Những gì đang diễn ra tại Hồng Kông dường như là hệ quả không thể tránh khỏi và đã được dự báo trước. Năm ngoái, Mỹ đã thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông, yêu cầu Bộ Ngoại giao hằng năm phải xem xét mức độ tự trị của đặc khu hành chính này. Thực tế là giờ đây Washington đã có cơ sở để bắt đầu thu hồi các đặc quyền thương mại đối với Hồng Kông.
Vị thế đặc biệt của Hồng Kông
Ngày 29/5/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo chính quyền bắt đầu quá trình loại bỏ chính sách ưu đãi Hồng Kông, do ngày 28/5/2020, Quốc hội Trung Quốc biểu quyết thông qua quyết định về xây dựng, kiện toàn chế độ pháp luật và cơ chế thực thi bảo vệ an ninh quốc gia tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông (Luật An ninh quốc gia đối với Hồng Kông), trong đó cấm những hành vi nổi loạn, ly khai và lật đổ. Trước đó, ngày 27/5/2020, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố Hồng Kông không còn duy trì mức độ tự chủ cao với Trung Quốc đại lục, vì vậy không còn đủ điều kiện để được đối xử theo luật Mỹ áp dụng cho đặc khu trước tháng 7/1997, thời điểm thành phố được Anh bàn giao cho Trung Quốc.
Trong nhiều năm qua, Hồng Kông đã hưởng lợi lớn từ quan hệ thương mại đặc biệt với Mỹ. Tổng giá trị giao dịch thương mại Mỹ - Hồng Kông đạt 67 tỷ USD năm 2018, bao gồm 17 tỷ USD hàng nhập khẩu vào Mỹ. Đặc khu này độc lập về hải quan với Trung Quốc đại lục, sở hữu một cảng biển tự do, có nghĩa là hàng hóa xuất nhập khẩu không bị đánh thuế, bất chấp cuộc chiến tranh thương Mỹ - Trung đã đẩy thuế quan đối với hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ bị tăng rất cao.
Với nền kinh tế tự do và chính sách thuế cạnh tranh, Hồng Kông là một trong những trung tâm tài chính quan trọng nhất thế giới, thu hút vô số công ty đa quốc gia và là cửa ngõ thu hút vốn của Trung Quốc, khi rất nhiều công ty Trung Quốc chọn niêm yết trên sàn chứng khoán Đặc khu. Đây cũng là một trung tâm thương mại quan trọng bậc nhất tại khu vực châu Á.
Tuy nhiên, tất cả sẽ đảo lộn nếu Mỹ thay đổi cách ứng xử với đặc khu này, khi mà Luật An ninh quốc gia đối với Hồng Kông có thể đẩy Hồng Kông vào thế đánh mất vị trí nền kinh tế tự do thứ hai thế giới, gây lo ngại cho các nhà đầu tư quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại đây. Kế hoạch áp luật an ninh với Hồng Kông được Bắc Kinh đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Đặc khu chao đảo sau các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng hồi năm ngoái, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cũng như tác động của Covid-19.
Không chỉ vậy, các cuộc biểu tình tại Hồng Kông đã tiếp nối trở lại, với hàng loạt cuộc đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình, không loại trừ khả năng có thể leo thang thành bạo động, khiến nền kinh tế Hồng Kông càng trở nên bất ổn. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Hồng Kông đã giảm 5,3% trong quý I, ngành du lịch cũng chịu tác động sâu sắc, trong khi thị trường bất động sản sụp đổ, khiến giá nhà trung bình năm 2019 giảm 29% và đang tiếp tục lao dốc.
Mồi lửa mới hay hệ quả tất yếu?
Những diễn biến mới tại Hồng Kông khiến giới phân tích tin rằng, Đặc khu sẽ là "mồi lửa" trong quan hệ Mỹ - Trung, theo sau các căng thẳng trên mặt trận thương mại, công nghệ và tiền tệ. Các nước EU cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về luật an ninh của Trung Quốc áp dụng cho Đặc khu, trong đó một số quốc gia cam kết có thể đón nhận người Hồng Kông di cư.
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra tại Hồng Kông dường như là một hệ quả không thể tránh khỏi và đã được dự báo trước. Năm ngoái, Mỹ đã thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông, yêu cầu Bộ Ngoại giao hằng năm phải xem xét mức độ tự trị của đặc khu này. Thực tế là giờ đây Washington đã có cơ sở để bắt đầu thu hồi các đặc quyền thương mại đối với Hồng Kông.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã được kích hoạt cách đây hai năm, Mỹ đã liên tiếp áp hàng rào thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, khiến một lượng lớn doanh nghiệp đại lục tìm đường xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ qua cửa ngõ Hồng Kông để tránh thuế. Tuy nhiên, với việc tước bỏ đặc quyền thương mại mới đây của Mỹ, khe cửa Hồng Kông sẽ bị chặn lại.
Tương tự, trên thị trường tài chính - tiền tệ, Mỹ gần đây cũng xem xét chính sách ngăn chặn dòng vốn của các nhà đầu tư Mỹ rót vào các công ty Trung Quốc, cũng như khả năng hủy niêm yết của các công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ nếu không đảm bảo tuân thủ các quy định đặt ra cho các công ty nước ngoài. Trước tình hình này, nhiều công ty Trung Quốc tính đến đường chuyển sàn giao dịch về Hồng Kông, trung tâm tài chính tốp đầu châu Á.
Tuy nhiên, với chính sách mới nhất của Mỹ áp dụng cho Hồng Kông cũng như Luật An ninh quốc gia đối với Hồng Kông của Đại lục, dòng vốn đầu tư quốc tế cũng sẽ tháo chạy khỏi Đặc khu, khiến các công ty Trung Quốc mất đi cửa ngõ quan trọng để thu hút dòng vốn nước ngoài. Cần biết rằng Hồng Kông không kiểm soát vốn chặt như Trung Quốc, mà cho phép tiền tệ luân chuyển tự do. Trên thị trường chứng khoán, khi Bắc Kinh đưa ra đề xuất về Luật An ninh quốc gia đối với Hồng Kông, chỉ số MSCI Hong Kong giảm 6,9%. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2008.
Điểm đáng lo ngại khác là nhiều công ty nước ngoài nói chung và Mỹ nói riêng cũng đang tìm cách rút khỏi Hồng Kông vì những lo ngại và rủi ro bất ổn trong giai đoạn kế tiếp, nhất là khi nhiều quốc gia trong khu vực ra sức mời chào và thu hút dòng vốn này. Các báo cáo gần đây cho thấy các công ty Mỹ đã rao bán hàng loạt bất động sản tại Hồng Kông, trước khi thị trường này có thể giảm sâu hơn nữa.
Có vẻ như Hồng Kông sẽ trở thành con bài chiến lược sắp tới trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung đã kéo dài suốt hai năm qua. Bằng cách loại bỏ chính sách ưu đãi Hồng Kông, sức ép lên Trung Quốc sẽ ngày càng chặt và cửa giao tiếp với quốc tế cũng bị chặn lại là không tránh khỏi.
Đáng lưu ý là giữa lúc Mỹ gặp khủng hoảng vì dịch bệnh và biểu tình, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, Bắc Kinh mới đây đã hủy bỏ thỏa thuận mua nông sản của Mỹ. Việc ngừng nhập khẩu này là dấu hiệu mới nhất cho thấy số phận bấp bênh của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1, mặc dù Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tháng trước khẳng định Bắc Kinh sẽ tuân thủ thỏa thuận được ký kết hồi tháng 1/2020.