Họp báo Chính phủ tháng 7: Giải đáp nhiều vấn đề “nóng”
(Tài chính) Chiều 31/7/2014, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên – Người phát ngôn của Chính phủ đã chủ trì buổi Họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7/2014. Đáng chú ý, nhiều câu hỏi xung quanh các vấn đề “nóng” đã được đại diện lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp thỏa đáng tại phiên họp này.
Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã khái quát tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 7 và 7 tháng năm 2014.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, Chính phủ thống nhất nhận định tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục xu hương ổn định, lạm phát được kiểm soát. Công nghiệp trong tháng 7/2014 phát triển khá; xuất nhập khẩu duy trì tăng trưởng, giữ được xuất siêu 1,26 tỷ USD, thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng về xuất khẩu. Thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả tốt, vượt xa so với cùng kỳ…
Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá nếu duy trì tăng trưởng với đà này thì chưa vượt qua được sự trì trệ của nền kinh tế. Nếu không có đột phá nào mới sẽ rất khó khăn để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 5,8%.
Biểu hiện là tổng cầu chưa có chuyển biến đáng kể, CPI tăng thấp. Hiện nay có tình trạng, một số lĩnh vực cạn vốn, nhất vốn đối ứng ODA, một số dự án đang chờ vốn đối ứng, trong khi nguồn tiền đang đọng lại trong kho bạc chưa giải ngân. Chuyện này không chỉ thấy trong tháng 7 mà thấy từ những tháng trước nhưng chưa có động thái quyết liệt, nên lần này Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt.
Cũng theo Người phát ngôn Chính phủ, mặc dù kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức, song Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ không điều chỉnh mà bằng các biện pháp và quyết tâm phấn đấu để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm”.
Kho bạc Nhà nước tồn ngân khoảng 15 - 16%
Trả lời câu hỏi của báo giới về khoản tồn ngân của Kho bạc Nhà nước khoảng 90.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, qua số liệu của 6 tháng cũng như 7 tháng/2014, Kho bạc Nhà nước đang có sự tồn ngân cao hơn mức bình thường khoảng 15 - 16%.
Lý giải về nguyên nhân của khoản tồn ngân nói trên, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, nguyên nhân chính là đà dự toán thu khá, đạt 63,3% so với dự toán nhưng dự toán chi đạt 59%, trong đó chi đầu tư cũng đạt khoảng 57%.
Qua thực hiện công tác giám sát, quản lý giải ngân, chúng tôi cho rằng vẫn còn một số nguyên nhân: do công tác giải phóng mặt bằng chậm; thủ tục hành chính của chúng ta trong lĩnh vực xây dựng, dự án, đấu thầu vẫn còn kéo dài so với thời gian quy định cũng như so với yêu cầu cải cách; do các sự kiện ngày 12 -14/5 (công nhân một số địa phương biểu tình phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam– BT) ảnh hưởng tới 14 - 15 dự án.
“Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, địa phương để khắc phục, đẩy nhanh giải ngân, đạt được dự toán năm, đưa tồn ngân về mức chấp nhận được”, Thứ trưởng nói.
Cũng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã trả lời thỏa đáng câu hỏi của phóng viên liên quan tới mức thuế quảng áp mức trần quảng cáo 15% cho các chi phí khuyến mãi.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, để sửa nội dung này là thẩm quyền của Quốc hội vì trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, mức khống chế 15% không chỉ áp với quảng cáo, mà còn bao gồm cả thiết bị, khánh tiết, khuyến mại, hội nghị, hỗ trợ chi phí khác...
Để minh bạch chính sách, đảm bảo đúng với tình hình thực tế hiện nay và trong các quy định, trong hội nhập đàm phán của chúng ta, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ một nghị quyết, trong đó có nội dung là giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Quốc hội quy định chỉ khống chế 15% đối với chi quảng cáo, thay vì một loạt các khoản chi khác.
“Nóng” về vụ việc VNCB
Không chỉ gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây, mà tại buổi họp báo Chính phủ lần này, vụ việc Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) đã “nóng” ngay từ đầu với các câu hỏi của phóng viên liên quan tới thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can đối với ông Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh và ông Phan Thành Mai, nguyên thành viên HĐQT, Tổng giám đốc.
Trả lời các câu hỏi của phóng viên về hiện tượng khách hàng rút tiền tại VNCB và tính thanh khoản của ngân hàng này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến khẳng định: “Chúng tôi đảm bảo rằng, với các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước thì các hoạt động của VNCB vẫn được duy trì một cách an toàn và khắc phục các tồn tại, đảm bảo người gửi tiền vẫn được đảm bảo quyền lợi của mình”.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được thực hiện theo đề án do Thủ tướng phê duyệt và hiện đã có kết quả tương đối tích cực.
Về vụ việc tại VNCB, sau khi có một số nhân sự bị khởi tố và bắt giam, Ngân hàng Nhà nước đã và đang tiếp tục giám sát để ngân hàng này không bị ảnh hưởng bất lợi bởi sự kiện này; những dấu hiệu vi phạm pháp luật, qua quá trình giám sát thanh tra thì NHNN đã có phát hiện và có biện pháp xử lý.
Vừa qua cơ quan pháp luật đã vào cuộc, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các địa phương thông tin để người gửi tiền yên tâm. Hai là dự phòng các biện pháp, trong đó có hỗ trợ thanh khoản với ngân hàng này.
“Trong 2 ngày qua, đã có người gửi tiền tại Ngân hàng Xây dựng đến rút tiền, tuy nhiên theo số liệu chúng tôi nắm được, chỉ sang ngày thứ hai, tức là ngày hôm nay, thì hầu như không còn”, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến nói.
Vị đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo người gửi tiền tin tưởng vào các biện pháp của Chính phủ, của NHNN, không nên vội vàng rút tiền sớm, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính người gửi tiền.
Các biện pháp của NHNN sẽ bảo đảm hoạt động của ngân hàng luôn được duy trì an toàn, khắc phục tất cả những tồn tại, hạn chế và tiếp tục phát triển, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền/.