Việt Nam - Trung Quốc:
Hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về lĩnh vực tài chính
Tiếp tục chương trình làm việc tại Trung Quốc, vào ngày 27/11, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cùng đoàn công tác của Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với Chủ tịch Uỷ ban Giám sát và quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc (SASAC) Tiêu Á Khánh, và Chủ tịch Uỷ ban Giám quản chứng khoán Trung Quốc Lưu Sỹ Dư.
Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ về những chủ trương và quá trình tổ chức triển khai tiến trình cải cách, sắp xếp đổi mới và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết, việc xây dựng hệ thống thể chế tài chính doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua được Chính phủ Việt Nam hoàn thiện theo hướng tập trung tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch SASAC Tiêu Á Khánh cho rằng, công tác cải cách doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam và Trung Quốc đều có nhiều điểm tương đồng. Uỷ ban Giám sát và quản lý vốn nhà nước Trung Quốc (SASAC) được thành lập vào năm 2003, đại diện cho phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước với chức năng được phân cấp từ trung ương đến địa phương.
Theo ông Tiêu Á Khánh, trong 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đặt mục tiêu cải cách doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh thoái vốn, các doanh nghiệp hoạt động tuân thủ các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ nỗ lực hiện đại hoá doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo tính cạnh tranh của doanh nghiệp có vốn nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động công bằng, hiệu quả đồng thời đảm bảo quyền lợi của cán bộ doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hoá.
Tại buổi hội đàm, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến cải cách doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác thông qua trao đổi các đoàn công tác, hội thảo học tập kinh nghiệm.
* Cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Tài chính cũng đã có buổi làm việc với Uỷ ban Giám quản chứng khoán Trung Quốc.
Tại buổi làm việc về tình hình phát triển của thị trường tài chính Việt Nam trong thời gian qua, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện nay, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam tương đương khoảng 80% GDP, cùng với thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Đặc biệt, sự kiện khai trương thị trường chứng khoán phái sinh vào tháng 8/2017 đã đánh một dấu mốc quan trọng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đưa Việt Nam thành quốc gia thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á có thị trường chứng khoán phái sinh tập trung. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực chứng khoán nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Uỷ ban Giám quản chứng khoán Trung Quốc Lưu Sỹ Dư đánh giá cao sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Lưu Sỹ Dư cho rằng thị trường hai nước có nhiều điểm tương đồng và còn khá non trẻ so với thị trường chứng khoán của các nước phát triển khác.
Thông tin về tình hình thị trường chứng khoán Trung Quốc ông Lưu Sỹ Dư cho biết, sau 28 năm phát triển, vốn hoá thị trường chứng khoán Trung Quốc đã đạt 90% GDP và đang được quản lý theo hướng tăng cường giám sát các công ty chứng khoán, đảm bảo công khai, minh bạch thông tin của các công ty niêm yết.
Chính phủ Trung Quốc quan tâm đến sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán, tăng cường quản lý các sở giao dịch, tái cấu trúc các hệ thống công ty chứng khoán, quản lý chào bán ra công chúng và quản trị doanh nghiệp của các công ty niêm yết.
Ông Lưu Sỹ Dư khẳng định, Uỷ ban Giám quản chứng khoán Trung Quốc và các Sở Giao dịch chứng khoán sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về các nội dung liên quan đến sản phẩm mới, chứng khoán phái sinh, hệ thống quản lý, giao dịch, quản trị công ty của Trung Quốc với Uỷ ban Chứng khoán và Bộ Tài chính Việt Nam trong thời gian tới.