Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc: Nhiều chuyển biến tích cực
Sáng 8/11 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị giao thương và Lễ ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Bộ Công thương giao cho Cục Xúc tiến thương mại và Vụ Thị trường châu Á - châu Phi phối hợp với Vụ Thương mại Đối ngoại (Bộ Thương mại Trung Quốc) tổ chức chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai nước có cơ hội kết nối và hợp tác kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.
60 đại diện của các doanh nghiệp Trung Quốc cùng với các doanh nghiệp Việt Nam ký kết hàng chục thỏa thuận hợp tác trong đó chủ yếu là doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Các chuyên gia tại Hội nghị cho rằng đây là điều vô cùng đặc biệt, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch thương mại, tăng cường khả năng xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam, cũng như thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương Bùi Huy Sơn nhấn mạnh, nhiều năm gần đây, Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam. Có thể nhìn thấy bước chuyển căn bản và hết sức tích cực trong quan hệ thương mại giữa hai nước. Cơ cấu thương mại song phương đang chuyển dịch một cách tích cực để bảo đảm phát triển lâu dài, bền vững.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt - Trung năm 2016 đạt 71,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2015; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 21,97 tỷ USD, tăng 28,4%, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là 49,93 tỷ USD, tăng 0,9%; nhập siêu 27,9 tỷ USD, giảm 13,67% so với 2015.
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2016, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Trung Quốc trên thế giới.
Nói về quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc, nhiều người hay đề cập tới vấn đề nhập siêu, nhưng các chuyên gia nhìn nhận những năm gần đây tỉ trọng nhập siêu của nước ta từ Trung Quốc đã giảm rất mạnh. Điều này có được là do tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc ngày cành nhanh chóng.
Như trong 9 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 22 tỷ USD, tăng 62,2% và gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu. Quan trọng hơn, cơ cấu mặt hàng của chúng ta cũng phong phú hơn rất nhiều. Bên cạnh hàng nông sản, các mặt hàng công nghiệp chế biến và công nghiệp nhẹ đã thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc. Cơ cấu này không chỉ góp phần thay đổi kim ngạch, mà còn là tiền đề để cân bằng quan hệ thương mại một cách bền vững hơn.
Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đối ngoại, Bộ Thương mại Trung Quốc Chi Lục Tốn cho rằng, tiềm năng, cơ hội và không gian hợp tác về kinh tế, thương mại giữa hai nước sẽ không ngừng mở ra trong thời gian tới vì một số điều kiện thuận lợi như quan hệ song phương tiếp tục được củng cố, phát triển và ngày càng tốt đẹp.
Tháo gỡ vướng mắc
Trưởng phòng điều hành Công ty cổ phần tiếp vận TLC Bùi Trung Hậu cho biết, công ty đã kết nối với doanh nghiệp Trung Quốc từ 2015. Tiềm năng thương mại song phương ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn vì doanh nghiệp liên kết khá tốt, các chủ trương phát triển hàng hoá giữa hai nước cũng thông thoáng hơn.
Vướng mắc hiện nay là diện tích cửa khẩu và bãi sang tải hàng hóa còn nhỏ, làm kéo dài thời gian và dịch vụ cửa khẩu cũng đang quá tải so với nhu cầu, gây ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa, kéo dài thời gian.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Tân An Nguyễn Đức Thanh nhận định, thị trường Trung Quốc ngày càng yêu cầu cao và khắt khe hơn về an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong nông nghiệp, thuỷ sản. Các chính sách về thuế, phí cũng hay thay đổi nên các doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm bắt rõ thông tin, tránh những rủi ro không đáng có.
Ông cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm đối tác tốt, biết làm thương mại giỏi và đặt chữ tín lên hàng đầu. Chính những đối tác tốt sẽ góp phần giúp phát triển hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc nhiều hơn.
Trên thực tế, xuất khẩu chính ngạch của nước ta có tỉ lệ khá cao. Bộ Công thương cũng đang làm việc với các đối tác Trung Quốc, để tạo điều kiện xuất khẩu chính ngạch với quy mô lớn. Thời gian tới, với sự phát triển năng lực sản xuất của các doanh nghiệp và đặc biệt là cơ cấu, cơ chế hợp tác giữa hai Chính phủ, xuất khẩu chính ngạch sẽ là kênh chủ đạo sang thị trường Trung Quốc, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bùi Huy Sơn nhấn mạnh.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương Tô Ngọc Sơn đánh giá, những chuyến viếng thăm chính thức liên tục của lãnh đạo cấp cao hai nước trong thời gian qua cùng các tuyên bố, thông cáo chung cũng như các văn kiện hợp tác được ký kết là minh chứng cụ thể và rõ ràng trong việc tăng cường hợp tác đầu tư, kinh doanh đến từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Trong vòng chưa đầy 2 thập niên, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập quốc tế tích cực nhất trên thế giới. Đây là môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc chủ động, sáng tạo, sớm biến những ý tưởng, cơ hội hợp tác thành các chương trình, dự án hợp đồng cụ thể, Phó Vụ trưởng Tô Ngọc Sơn nói.