Hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech tại Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra


Sự ra đời và phát triển của các công ty Fintech cũng làm thay đổi và thúc đẩy các kênh phân phối sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống, mở rộng giao dịch trực tuyến thông qua Internet Banking, Mobile banking, mạng xã hội, ngân hàng không giấy…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực tế này đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải đổi mới để có thể duy trì, cạnh tranh và phát triển trong kỷ nguyên số, trong đó, chung tay hợp tác giữa ngân hàng và các công ty Fintech là tất yếu và không thể đảo ngược trong bối cảnh hiện nay.

Xu hướng hợp tác giữa ngân hàng và Fintech

Fintech (công nghệ tài chính) có thể được hiểu là việc sử dụng các công nghệ để làm thay đổi các sản phẩm dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Với sự linh hoạt trong hoạt động và giải pháp công nghệ có tính đột phá, các công ty Fintech đã thổi một luồng gió mới vào hoạt động của hệ thống tài chính - ngân hàng khi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ hướng tới việc nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng. Fintech với những lợi thế về tốc độ, đơn giản, hiệu quả, tôn trọng quyền riêng tư và tiềm năng đã cho phép chia sẻ với khách hàng nhiều hơn, trao cho họ quyền kiểm soát và quyết định trong các giao dịch tài chính và các hoạt động đầu tư.

Các công ty Fintech cũng cung cấp các dịch vụ tài chính bổ sung cho nhóm khách hàng có yêu cầu đặc thù và nhóm khách hàng chưa từng sử dụng dịch vụ ngân hàng. Đây là sự bổ trợ hữu hiệu cho cả ngân hàng và công ty Fintech để cung ứng dịch vụ đa dạng đến các đối tượng khách hàng khác nhau. Không chỉ thế, các ứng dụng của công ty Fintech còn tác động rất lớn đến hầu hết hoạt động cũng như gây ảnh hưởng tới cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm, chiến lược phát triển của ngân hàng.

Sự ra đời và phát triển của các công ty Fintech cũng làm thay đổi và thúc đẩy các kênh phân phối sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống, mở rộng giao dịch trực tuyến thông qua Internet Banking, Mobile banking, mạng xã hội, ngân hàng không giấy… Điều này phần nào lý giải tại sao thị phần của các ngân hàng có xu hướng giảm và chuyển dần sang cho các công ty Fintech. Theo báo cáo phân tích của Công ty tư vấn quản lý McKinsey, đến năm 2025, Fintech có thể ảnh hưởng đến xu hướng giảm từ 10-40% lợi nhuận của khu vực ngân hàng.

Có thể nhận thấy, với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, Fintech đã tạo ra bước đột phá sáng tạo, giúp mọi người dễ dàng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng một cách thuận tiện nhất với chi phí thấp nhất. Đồng thời, Fintech cũng thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ ngân hàng hiện đại và phổ cập các chương trình tài chính toàn diện đến mọi đối tượng trong xã hội. Do vậy, việc hợp tác giữa hệ thống ngân hàng và các công ty Fintech sẽ mang lại hiệu quả tích cực.

Khảo sát của Mc Kinsey tại Việt Nam cho thấy, 50% số người được hỏi cho biết sẵn sàng sử dụng các công nghệ tài chính mới, đặc biệt là thanh toán số. Ngoài ra, phần lớn những người được hỏi cũng đánh giá trong vòng 10 đến 15 năm tới mô hình ngân hàng truyền thống sẽ bị thay thế bởi mô hình hợp tác giữa các ngân hàng và các công ty Fintech.

Hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech  tại Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra - Ảnh 1

Thực tế cho thấy, sự hợp tác giữa ngân hàng và các công ty Fintech là yêu cầu tất yếu, nhằm bù trừ những khiếm khuyết cho nhau. Các ngân hàng hiện đang phải đối diện với rất nhiều thách thức do công ty Fintech mang lại, trên hầu hết các nghiệp vụ kinh doanh truyền thống của mình như cho vay, thanh toán, chuyển tiền, tài chính cá nhân, bảo hiểm… Dù có thể đầu tư nguồn lực tài cho phát triển công nghệ, song vấn đề vòng đời sản phẩm ngắn, cộng với độ trễ trong việc ứng dụng sẽ khiến cho khoản đầu tư của các ngân hàng có thể không mang lại hiệu quả.

Về phía các công ty Fintech, thách thức đặt ra là phải đối mặt với nguy cơ thất bại do không thể cung cấp các sản phẩm phù hợp với thị trường, mô hình kinh doanh không bền vững, chi phí mở rộng thị trường cao, ít khả năng tìm được đối tác là ngân hàng phù hợp và khó khăn trong việc giành giật thị phần với sản phẩm mới khác biệt so với những sản phẩm đã được các ngân hàng cung ứng lâu năm.

Như vậy, những thách thức mà cả 2 bên đối mặt vừa thúc đẩy cạnh tranh để cùng phát triển, vừa gợi ý cho mô hình hợp tác trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính giữa khu vực Fintech và ngân hàng. Hiện tại các ngân hàng đang có khuynh hướng chuyển từ phương thức cạnh tranh sang hợp tác với vai trò là đối tác.

Hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech  tại Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra - Ảnh 2

Về cơ bản mối quan hệ đối tác ở đây được tiến hành theo phương thức cùng thắng, trong đó, các ngân hàng có thể ứng dụng, cập nhật ngay các công nghệ hiện đại, không cần bỏ ra quá nhiều chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu và có thể đáp ứng được yêu cầu cao hơn của khách hàng cả về chất lượng, giá cả và độ tin cậy. Còn với các công ty Fintech, có thể khai thác được mạng lưới khách hàng, dữ liệu và nguồn vốn của ngân hàng để cung cấp sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thực tế tại Việt Nam và một số vấn đề đặt ra

Theo Ngân hàng Nhà nước, so với các nước trên thế giới và khu vực, lĩnh vực công nghệ tài chính tại Việt Nam vẫn còn khá non trẻ. Tại Việt Nam, hiện mới có khoảng trên 80 công ty Fintech với lĩnh vực hoạt động còn hạn chế. Mặc dù, các công ty này có các giải pháp rất sáng tạo và linh hoạt nhưng còn gặp khó khăn, thách thức trong triển khai mô hình kinh doanh như: Khó khăn về huy động vốn, khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ, sự dè dặt các ngân hàng trong việc hợp tác với các công ty Fintech...

Hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech  tại Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra - Ảnh 3

Thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025", tháng 3/2017, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban Chỉ đạo lĩnh vực Fintech để hỗ trợ triển khai hoàn thiện hệ sinh thái cũng như khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho các công ty Fintech ở Việt Nam phát triển. Hiện nay, xu hướng hợp tác ngày càng trở nên sôi động. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VP Bank) hiện đang hợp tác với công ty Fintech Timo trong cung cấp dịch vụ ngân hàng số, hợp tác với công ty Moca trong cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số; Ngân hàng TMCP Quân đội hợp tác với một công ty Fintech tạo ra công nghệ cho phép người dùng thực hiện giao dịch ngay trong ứng dụng Messenger của Facebook…

Nhằm thúc đẩy sự hợp tác bền vững và hiệu quả giữa hệ thống ngân hàng và công ty Fintech, thời gian tới, cần chú trọng một số vấn đề sau:

Về phía cơ quan quản lý

Thứ nhất, cần tập trung xây dựng bảo đảm sự phát triển lành mạnh, hài hòa của hệ thống ngân hàng, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho các công ty Fintech phát triển, phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, nghiên cứu, áp dụng cách thức quản lý theo khuôn khổ pháp lý thử nghiệm, phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế, tiến tới ban hành khuôn khổ pháp lý và quản lý chính thức trong thời gian tới. Trước mắt, cần công nhận và đẩy mạnh áp dụng các chứng từ điện tử, dữ liệu điện tử, chữ ký điện tử...

Hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech  tại Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra - Ảnh 4

Thứ hai, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về doanh nghiệp, về khách hàng, về các trường thông tin cần phải khai báo, tạo nền tảng số hóa, phục vụ cho phát triển mô hình kinh tế chia sẻ; Hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc chia sẻ thông tin giữa các bộ ngành, giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với nhau…

Thứ ba, dành nguồn lực ưu tiên cho phát triển hạ tầng về thông tin mạng và bảo đảm về anh ninh, an toàn cho mọi giao dịch của nền kinh tế trong môi trường mạng. Sự phát triển quá nhanh của công nghệ tài chính cũng mang lại những thách thức không nhỏ đối với các cơ quan quản lý về vấn đề an toàn bảo mật, an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao, cơ chế hợp tác trong chia sẻ thông tin giữa các nước ...

Về phía các ngân hàng và công ty Fintech

Một là, tiếp tục bắt tay hợp tác để cung ứng một hoặc một số dịch vụ tiện ích, làm phong phú thêm các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ khách hàng, cũng như giải được bài toán đầu tư quá lớn và rủi ro vào công nghệ của hệ thống ngân hàng. Ngân hàng và doanh nghiệp Fintech nên thay đổi tư duy, cởi mở và hướng tới sự hợp tác cùng có lợi, tạo sức mạnh tổng hợp cho thị trường dịch vụ ngân hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế.  

Hai là, từ phía ngân hàng, cần quy định về các loại dữ liệu cung cấp cho Fintech. Khi đưa sản phẩm vào ứng dụng, ngân hàng cũng cần giám sát các dữ liệu có được sử dụng đúng mục đích, đồng thời phải có chính sách bảo mật thông tin khách hàng. Với các doanh nghiệp Fintech, cần quan tâm đến khía cạnh bảo mật ngay từ khi đưa ra ý tưởng, thực hiện song song giữa sáng tạo và tăng cường bảo mật cho giao dịch của khách hàng.

Ba là, tăng cường hợp tác và đầu tư từ nước ngoài để nhận chuyển giao và cập nhật công nghệ mới, nhất là những công nghệ tạo ra sản phẩm bậc cao như tư vấn tự động, nhận diện kỹ thuật số… từ xu thế phát triển của Fintech toàn cầu.

Tài liệu tham khảo:

  1. Phạm Xuân Hòe, Nguyễn Thu Trang (2018), Lợi thế của Fitech – cầu nối hợp tác với lĩnh vực ngân hàng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Tham luận Hội thảo Tăng cường năng lực của ngành Tài chính trong tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0;
  2. Nghiêm Thanh Sơn (2018), Ngân hàng - Fintech: Sự bổ trợ hoàn hảo,
    Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2018;
  3. Đặng Công Thức (2017), Bàn về xu hướng Fintech trong lĩnh vực ngân hàng và những chuyển động ban đầu ở Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước;
  4. Nguyễn Hữu Quý (2018), Xu hướng hợp tác giữa các ngân hàng và công ty công nghệ tài chính ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2018.