Ngân hàng và FinTech: Gỡ nút thắt kết nối
Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ cho phép thử nghiệm khung pháp lý mới, giúp các công ty FinTech (Financial Technology - công nghệ trong tài chính) có được "sân chơi nhỏ” trước khi áp dụng ở quy mô lớn.
Đây là chia sẻ từ bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY). Cũng theo Báo cáo Toàn cảnh về FinTech khu vực ASEAN 2018 của EY, trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia có số lượng các chương trình vườn ươm doanh nghiệp (Business Incubator), chương trình tăng tốc khởi nghiệp (Accelerator) và các chương trình tương tự nhiều thứ hai, sau Singapore. Đây là tín hiệu đáng nghi nhận cho sự phát triển về FinTech tại Việt Nam.
Phóng viên: Trong báo cáo mới nhất về FinTech khu vực ASEAN2018, EY nhận định, hoạt động của các công ty FinTech tại Việt Nam còn khá hạn chế, bà có thể lý giải về nhận xét này?
Bà Nguyễn Thùy Dương: Hiện nay Việt Nam có 78 công ty FinTech, còn khá thấp so với cộng đồng FinTech khu vực ASEAN hay trên thế giới, nhưng là tín hiệu đáng mừng. Ngoài lĩnh vực thanh toán, các FinTech Việt nam đã bước sang các lĩnh vực khác, như xếp hạng tín dụng, so sánh giá tài chính... Nhiều FinTech Việt Nam đã khá mạnh dạn tiếp cận ngành ngân hàng, đã có những FinTech kinh doanh ở nước ngoài.
Đang gia tăng xu hướng hợp tác giữa ngân hàng và các công ty FinTech trong khu vực ASEAN. Bà đánh giá thế nào về thị trường Việt Nam?
Theo khảo sát Toàn cảnh ngân hàng năm 2018 của EY, tiềm năng phát triển FinTech ở Việt Nam là rất lớn. Ngày càng có nhiều ngân hàng hợp tác với FinTech để phát triển sản phẩm, thay vì tự thực hiện các giải pháp trong nội bộ, bởi vì sự hợp tác này cho ngân hàng ba cái lợi.
Thứ nhất, các công ty FinTech phát triển nhanh do hầu hết là nhân lực trẻ, nhiều sáng tạo. Do vậy, về mặt khách hàng hay sản phẩm, FinTech có thể tiếp cận rất nhanh với người dùng, nhất là người dùng trẻ.
Thứ hai, nghiệp vụ ngân hàng khá phức tạp với rất nhiều quy trình nội bộ cần phải được phê duyệt. Khi kết hợp với các công ty FinTech, lượng vốn ngân hàng phải đầu tư để thiết lập đội ngũ trong nội bộ sẽ nhỏ hơn, nhưng mặt khác vẫn tiếp cận được các xu hướng mới nhất.
Thứ ba, hiện nay các công ty FinTech đang phát triển mạnh, ngoài các công ty FinTech trong nước còn các công ty FinTech ngoài nước. Cho nên so với việc đầu tư vào công nghệ của một số hãng lớn, ngân hàng có nhiều lựa chọn hơn, thay vì bị bó hẹp trong "sân chơi" của chính ngân hàng hoặc các hãng công nghệ lớn.
Nhưng cơ hội mở ra lại luôn đi kèm thách thức?
Hợp tác giữa những công ty FinTech Việt Nam và các ngân hàng đang đối diện với ba thách thức.
Thứ nhất là hành lang pháp lý. Hiện nay, đối với Luật Các tổ chức tín dụng cũng như hành lang pháp lý chưa có quy định cụ thể về sự hợp tác giữa ngân hàng và công ty FinTech, nhưng cũng tồn tại rất nhiều việc không được làm, mà quy định về "biết khách hàng là ai" (KYC) để phát triển ngân hàng số hướng đến phát triển chương trình tài chính toàn diện theo đúng đề án của Chính phủ vào năm 2020, là ví dụ.
Thứ hai, quy mô và nguồn lực của các công ty FinTech Việt Nam còn yếu, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn. Hoạt động của các FinTech hầu như tập trung vào một vài cá nhân. Những yếu tố này khiến nhiều ngân hàng chưa mặn mà hợp tác với FinTech.
Thứ ba, quy định trong ngân hàng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hợp tác giữa FinTech và ngân hàng. Khi ngân hàng kết hợp với công ty FinTech để cho ra sản phẩm mới, thường phải trải qua quy trình rà soát nội bộ, với thời gian phê duyệt khá dài, từ 6 tháng đến một năm, gây mệt mỏi cho các bên. Theo quan sát của EY, đã có một số ngân hàng vượt qua được trở ngại, cố gắng tạo ra những thử nghiệm cho các công ty FinTech bằng việc cho phép thử nghiệm trước với một vài chi nhánh trong hệ thống và chỉ mở rộng khi quá trình thử nghiệm cho kết quả tốt.
Một tin tốt là Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu nới lỏng các quy định liên quan đến hợp tác giữa ngân hàng và FinTech.
Cảm ơn bà!