Hợp tác quốc tế trong nông nghiệp: Dấu ấn lớn năm 2014
(Taichinh) - “Năm qua, Việt Nam đã ký kết được nhiều dự án lớn, trị giá hàng trăm triệu USD, tạo nguồn vốn hỗ trợ cho ngành Nông nghiệp phát triển, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu toàn Ngành cán đích gần 31 tỷ USD”, ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ với Tài chính và Đầu tư trước thềm Xuân Ất Mùi 2015.
Năm 2014, tốc độ tăng GDP ngành Nông nghiệp đạt 3,3%, góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng GDP chung của cả nước. Kết quả này có sự góp sức không nhỏ của hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông có thể chia sẻ vài nét nổi bật của hoạt động hợp tác quốc tế trong năm qua?
Trong năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tập trung hoàn thiện Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của ngành và Đề án tăng cường thu hút FDI trong nông nghiệp. Nhiều hoạt động hợp tác quốc tế đã được triển khai thực hiện nhằm kêu gọi nguồn vốn đầu tư ODA, FDI và từ các tổ chức phi chính phủ, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư cho ngành Nông nghiệp.
Bên cạnh đó là triển khai kế hoạch hành động về hội nhập quốc tế giai đoạn 2011-2015; đẩy mạnh cơ chế phối hợp trong giải quyết các vấn đề tranh chấp thương mại giữa các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT với các bộ, ngành, hiệp hội, các địa phương; mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam, nhất là thị trường Mỹ, Nhật, EU, Nga. Đặc biệt, tăng cường hợp tác với các nhà tài trợ thúc đẩy việc chuẩn bị các dự án vay vốn, các dự án hỗ trợ kỹ thuật về hợp tác khoa học kỹ thuật, đào tạo, thương mại...; mở rộng hợp tác quốc tế với các đối tác châu Phi và châu Mỹ La tinh; đàm phán với các nước láng giềng về hợp tác trong lĩnh vực khai thác, đánh bắt thủy sản, kiểm soát tàu thuyền, tìm kiếm, cứu hộ tàu cá và ngư dân trên biển; tiếp tục chỉ đạo thực thi các cam kết quốc tế, xây dựng các điều ước hợp tác quốc tế với các nước phát triển, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Tình hình kinh tế thế giới khó khăn, nhất là sự tăng trưởng yếu của kinh tế khu vực châu Âu đã ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động thu hút nguồn vốn hỗ trợ nước ngoài cho phát triển nông nghiệp, thưa ông?
Mặc dù các nhà tài trợ có xu hướng cắt giảm tài trợ do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nhất là sau khi Việt Nam gia nhập nhóm nước có mức thu nhập bình quân, song nhờ sự chủ động, tích cực, đa dạng hóa các đề xuất nên Bộ NN&PTNT vẫn duy trì việc thu hút lượng vốn tài trợ bình quân từ các nhà tài trợ đa phương, song phương và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài từ khoảng 400-500 triệu USD/năm. Cụ thể, trong năm 2014, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt và ký kết được hơn 30 dự án gồm ODA vốn vay và không hoàn lại với tổng giá trị trên 400 triệu USD, trong đó có một số dự án lớn như: Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung (khoản vay bổ sung giai đoạn 2) với số vốn 92,5 triệu USD, Dự án Phát triển nông nghiệp có tưới (WB7) khoảng 200 triệu USD…
Về lĩnh vực hợp tác phi chính phủ nước ngoài, Bộ NN&PTNT cũng đã phê duyệt 22 dự án và hợp tác nghiên cứu nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng kinh phí hơn 7 triệu USD. So với năm 2013, tổng giá trị các dự án phi chính phủ nước ngoài năm 2014 tăng 1,5 lần.
Dự báo kinh tế thế giới và thị trường hàng hóa có thể tiếp tục chịu tác động từ các cuộc khủng hoảng chính trị, tranh chấp chủ quyền tại nhiều khu vực trên thế giới, ngành Nông nghiệp đã có giải pháp gì để vượt qua khó khăn này?
Năm 2015, Bộ NN&PTNT tiếp tục chủ động và tích cực hội nhập quốc tế nhằm thu hút nguồn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện kế hoạch hành động về hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2011-2015; tổ chức thực hiện Đề án thu hút và quản lý sử dụng nguồn vốn FDI vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp đến năm 2020; Chiến lược Hội nhập kinh tế quốc tế của ngành Nông nghiệp và nông thôn đến năm 2020 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch thu hút ODA đến năm 2020....
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã tích cực điều phối các đơn vị liên quan xây dựng các biểu cắt giảm thuế hàng nông, lâm, thủy sản phù hợp với lộ trình đã cam kết. Cụ thể, trong năm 2014, đã phối hợp Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan trong Bộ Xây dựng biểu cắt giảm thuế ưu đãi đặc biệt của Việt Nam giai đoạn 2015-2018 cho các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.
Song song với đó, Bộ NN&PTNT còn tập trung xây dựng nghiên cứu quy định và pháp luật, hàng rào thuế và phi thuế, cam kết quốc tế của Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu theo nhóm ngành hàng. Từng bước nghiên cứu các cam kết quốc tế hiện có của Việt Nam và quy định hiện hành, giúp bổ sung thông tin để xây dựng năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, triển khai thực hiện đầy đủ cam kết của Việt Nam trong WTO và các FTA khu vực. Đánh giá tác động của việc thực hiện các cam kết tới khu vực nông nghiệp, nông thôn để hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tìm kiếm và mở rộng thị trường, đồng thời có phương án chủ động trong bối cảnh hội nhập sâu...
Để thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng như hợp tác thương mại với các nước trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT có đề xuất, kiến nghị gì, thưa ông?
Thứ nhất, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ đúng tầm tương xứng với sự đóng góp của Ngành để Bộ thực hiện có hiệu quả hơn các hoạt động hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, hỗ trợ mở rộng các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc, Châu Đại Dương… thông qua việc cho phép Bộ cử đại diện nông nghiệp làm việc tại các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài.
Thứ ba, tăng cường hợp tác Nam - Nam theo hướng hỗ trợ huy động nguồn lực từ các nhà tài trợ song phương, đối tác có tiềm năng để thúc đẩy việc thực hiện các thỏa thuận quốc tế với các nước châu Phi, Cu Ba, Lào, Capuchia, Myanmar…
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký kết tổng số 43 điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế, đồng thời, đã tham gia đàm phán 6 Hiệp định thương mại tự do. Trong đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với Liên minh Hải quan; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu dự kiến sẽ hoàn thành đàm phán và ký kết đầu năm 2015.