Hợp tác tài chính quốc tế ứng phó với các tác động và thách thức của đại dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó, năm 2021 ngành Tài chính tiếp tục tích cực tham gia các diễn đàn hợp tác tài chính đa phương để giải quyết những tác động và thách thức do đại dịch COVID-19. Các hoạt động hợp tác trọng tâm và nổi bật bao gồm đối thoại chính sách tài khóa, cải cách thuế quốc tế, huy động nguồn lực tài chính từ bên ngoài cho phòng chống dịch, phục hồi kinh tế-xã hội.
Đẩy mạnh hợp tác tài chính quốc tế trên các diễn đàn đa phương
Đại dịch COVID-19 đã đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng nhất kể từ Đại suy thoái 1929-1933 và cho thấy nhiều rủi ro dẫn tới các cuộc khủng hoảng về năng lượng, nhiên liệu, tài chính, tiền tệ.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang kiên trì “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam đã xác định chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch từ “zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Hỗ trợ thực hiện chiến lược này, hợp tác tài chính khu vực và quốc tế năm 2021 tập trung vào các hoạt động tăng cường đối thoại chính sách tài khóa, nghiên cứu và tham gia các sáng kiến hợp tác quốc tế về thuế, huy động nguồn lực tài chính quốc tế phục vụ cho công tác phòng chống dịch, phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Đối thoại chính sách tài khóa với các nước ASEAN, ASEAN+3 và APEC
Các nước thành viên ASEAN đặc biệt quan tâm đến vấn đề ứng phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 7 vào cuối tháng 3/2021, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ASEAN và lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực bao gồm: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Cơ quan nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã có phiên họp đặc biệt để thảo luận về tác động của đại dịch COVID-19 tới kinh tế khu vực ASEAN, cơ hội, thách thức và triển vọng phục hồi kinh tế khu vực.
Theo đó, các Bộ trưởng và Thống đốc có đồng quan điểm về mục tiêu quan trọng của khu vực là phải đảm bảo sự phục hồi toàn diện và bền vững, duy trì sự ổn định tài chính, triển khai vắc xin.
Các Bộ trưởng và Thống đốc đánh giá cao việc triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF) với vai trò là một giải pháp ứng phó toàn khu vực nhằm kiểm soát tác động của đại dịch COVID-19, từ đó giúp thực hiện mục tiêu cuối cùng của ASEAN là phát triến bền vững trong dài hạn.
Phiên đối thoại chính sách giữa các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương các nước ASEAN, các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3 lần thứ 24 (3/5/2021) đã cho thấy bức tranh chung về giải pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 của các nước khu vực ASEAN+3 trong thời gian qua.
Các nước đều khẳng định tầm quan trọng của các biện pháp quyết liệt trong phòng ngừa dịch bệnh, đẩy mạnh phổ cập tiêm phòng vắc xin cùng với các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ khu vực doanh nghiệp và khu vực tài chính sẽ giúp cho các nước trong khu vực vượt qua khó khăn, phục hồi tăng trưởng trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Trong bối cảnh sự phục hồi tăng trưởng không đồng đều giữa các nước do tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, bao gồm cả việc lây lan các biến chủng mới của COVID-19 và mức độ tiêm chủng khác nhau ở mỗi nước, các Bộ trưởng và Thống đốc ASEAN+3 cũng yêu cầu các nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai các sáng kiến hợp tác hiện tại (bao gồm Đa phương hoá Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), Phát triển thị trường trái phiếu khu vực (ABMI) và tăng cường vai trò giám sát kinh tế vĩ mô của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2021, phản ứng chính sách ứng phó với COVID-19 là nội dung đặc biệt được ưu tiên thảo luận. Mặc dù, triển vọng kinh tế năm 2021 có nhiều sự cải thiện so với năm 2020, tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực và thách thức đến các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Trong khi các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ đạt được trạng thái hồi phục trước đại dịch, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (ngoại trừ Trung Quốc) được dự báo vẫn sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực.
Các Bộ trưởng Tài chính APEC đồng thuận với một số nhóm giải pháp chính nhằm đối phó với đại dịch và hỗ trợ phục hồi kinh tế gồm:
(i) Tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, bao phủ vắc xin thông qua việc chia sẻ nguồn cung cấp vắc xin giữa các nền kinh tế đang phát triển đối với các nền kinh tế kém phát triển hơn;
(ii) Duy trì và điều chỉnh các chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp với hoàn cảnh của từng nền kinh tế, có tính đến diễn biến của đại dịch, các giai đoạn của quá trình phục hồi và không gian tài khóa;
(iii) Về chính sách tài khóa cần thực hiện các hỗ trợ có mục tiêu cho những lĩnh vực, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, thu hẹp dần các hỗ trợ trực tiếp và chuyển sang đầu tư vào các mục tiêu cơ cấu dài hạn, song song với đó cần đảm bảo tính bền vững của nợ công;
(iv) Thực hiện các chính sách tiền tệ nhằm điều chỉnh lạm phát duy trì trong giới hạn mục tiêu.
Đối thoại chinh sach tai khoa với cac tổ chức quốc tế
Bộ Tài chính Việt Nam thường xuyên trao đổi, đối thoại với các tổ chức tài chính quốc tế về tình hình thực các chính sách tài khóa của Việt Nam để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Đồng thời, Bộ Tài chính luôn tham vấn ý kiến của các tổ chức tài chính quốc tế, kinh nghiệm của các nước trong quá trình xây dựng, ban hành và triển khai các chính sách tài khóa, bao gồm kinh nghiệm về kiể m soát cam kết chi đa niên hiệu quả đối với các dự án đầu tư công, kinh nghiệm về dự báo và quản lý ngân quỹ và phương hướng điều hành chính sách tài khóa nói chung.
Tại Hội nghị Báo cáo đánh giá chi tiêu công Việt Nam vào ngày 18/11/2021, WB đưa ra đề xuất giải pháp quản lý thu chi ngân sách chủ động cho Việt Nam nhằm cải thiện thu ngân sách và triển khai chương trình phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Các biện pháp thu chi ngân sách được WB đề xuất đó là Việt Nam cần cải thiện lập dự toán thu ngân sách và giữ tồn ngân ở mức cao; đẩy mạnh quản lý tuân thủ, mở rộng cơ sở thuế, khôi phục và ổn định số thu; cải thiện chất lượng chi ngân sách song song với chi ngân sách nhiều hơn.
Về cân đối ngân sách, do Việt Nam có dư địa tài khóa và nợ đang ở mức bền vững trong trung hạn nên trong ngắn hạn Việt Nam vẫn có thể tiếp tục chính sách tài khóa nới lỏng. Trong dài hạn, Việt Nam cần cân nhắc xây dựng các cơ chế bình ổn tự động thông qua thu thuế và chi NSNN để nâng cao khả năng đưa ra phản ứng nghịch chu kỳ kịp thời của hệ thống.
Trong khuôn khổ Hội nghị toàn thể Mạng lưới quản lý chi tiêu công châu Á (PEMNA) mà Việt Nam là thành viên diễn ra trực tuyến ngày 8/9/2021, chuyên gia quốc tế đã nhấn mạnh vai trò của kiểm soát cam kết chi trong việc ngăn chặn các khoản chi không đúng thẩm quyền, giới hạn nghĩa vụ tài chính của đơn vị chi tiêu ngân sách nhà nước trong phạm vi được giao, tránh phát sinh nợ đọng và giúp cho cơ quan kho bạc thực hiện công tác dự báo luồng tiền và quản lý ngân quỹ hiệu quả.
Các yếu tố bất định gia tăng trong bối cảnh đại dịch COVID- 19 dẫn tới dự báo luồng tiền dựa trên số liệu lịch sử không hiệu quả và phương pháp dự báo từ trên xuống có sai lệch. Vì vậy, một số khuyến nghị được gợi ý cho các nước thành viên PEMNA như tăng cường thông tin đầu vào từ các cơ quan liên quan, giao nhiệm vụ dự báo, tập trung vào dự báo thường xuyên và ngắn hạn hơn.
Về cải cách tài khóa của Việt Nam, Đoàn Điều khoản IV IMF đánh giá cao các phản ứng chính sách tài khóa phù hợp của Việt Nam trong thời gian qua thông qua hỗ trợ kịp thời cho lĩnh vực y tế, đảm bảo an sinh xã hội và các biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp.
Trong những năm qua, Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ củng cố tài khóa, vì vậy tạo dư địa tài khóa để Việt Nam có thể tăng chi nhiều hơn cho y tế, cho an sinh xã hội và hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch. IMF cũng khuyến nghị, trong trung hạn, Việt Nam cần cải cách toàn diện các loại thuế trực thu và thuế gián thu, hợp lý hóa chi tiêu thuế, mở rộng cơ sở thuế giá trị gia tăng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và nghiên cứu hoàn thiện chính sách thuế đối với đất đai, bất động sản cho phù hợp điều kiện, kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân, tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nợ nước ngoài.
Hợp tác cải cách thuế quốc tế
Với việc trở thành thành viên thứ 100 của Diễn đàn hợp tác thực hiện các giải pháp về Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS), Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thành viên.
Để quá trình cải cách thuế trong nước phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và thích ứng với bối cảnh thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế thế giới, Bộ Tài chính chủ động theo dõi quá trình thảo luận của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) về các đề xuất và giải pháp nhằm giải quyết các thách thức quản lý thuế phát sinh từ số hóa nền kinh tế.
Đến nay, G20 đã đạt được đồng thuận về mức thuế tối thiểu toàn cầu và chương trình triển khai chi tiết trong Khung khổ bao trùm về BEPS. Việc tiếp tục chủ động theo dõi các thảo luận tại các diễn đàn này cũng như nghiên cứu đánh giá, phân tích của chuyên gia quốc tế về đề xuất và kế hoạch thực hiện cải cách thuế quốc tế, đặc biệt là khuyến nghị chính sách dành cho các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ là cơ sở để Việt Nam chủ động ứng phó với những thay đổi về chính sách thuế quốc tế.
Huy động các nguồn lực bên ngoài để ứng phó với đại dịch, phục hồi kinh tế
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các tổ chức tài chính quốc tế đã có nhiều sáng kiến nhằm giúp các nước ứng phó và phục hồi kinh tế sau đại dịch như gói tài trợ tiếp cận vắc xin của ADB trị giá 9 tỷ USD, gói hỗ trợ khẩn cấp của WB trị giá 12 tỷ USD nhằm hỗ trợ ứng phó với các tác động về y tế và kinh tế của đại dịch, gói hỗ trợ của IMF trị giá 650 tỷ USD thông qua phân bổ quyền rút vốn đặc biệt (SDR).
Trong giai đoạn 2020- 2021, dựa trên nền tảng tài khóa bền vững được củng cố trong các năm qua, Việt Nam chưa đề xuất sử dụng nguồn vốn vay từ các sáng kiến này. Để xây dựng các phương án huy động vốn nhằm phòng chống và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động nắm bắt thông tin về các sáng kiến của các tổ chức tài chính quốc tế để từ đó kịp thời tham mưu cho Chính phủ, đặc biệt là phương án huy động các nguồn lực quốc tế.
Định hướng hợp tác tài chính trong thời gian tới
Nhìn chung, hoạt động hợp tác tài chính quốc tế trên các diễn đàn đa phương trong năm 2021 đã giúp Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách tài khóa linh hoạt để đưa ra giải pháp hữu hiệu, kịp thời bổ sung nguồn lực cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ phục hồi kinh tế và hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân.
Năm 2022, dự báo tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng còn chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch khi tiếp tục xuất hiện các biến chủng mới.
Vì vậy, tăng cường hợp tác tài chính quốc tế trên các diễn đàn khu vực và đa phương sẽ góp phần giúp Việt Nam trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế nhằm thích ứng linh hoạt với những thay đổi nhanh chóng dưới tác động của đại dịch, giúp duy trì sự an toàn và ổn định của hệ thống tài chính, kịp thời điều chỉnh chính sách tài khóa một cách linh hoạt, thích ứng với bối cảnh mới.
Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục duy trì tham vấn thường xuyên với các tổ chức tài chính quốc tế nhằm cập nhật kịp thời tình hình kinh tế vĩ mô, tài chính - ngân sách trong nước với các tổ chức này cũng như tham vấn ý kiến của các tổ chức tài chính quốc tế để các chính sách tài chính - ngân sách được ban hành một cách phù hợp, hiệu quả.
* Nguyễn Việt Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính).
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 - Tháng 01/2022.