HSBC: Lạm phát sẽ quay lại nếu nới lỏng tiền tệ
Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu HSBC, con đường tiến đến sự tăng trưởng ổn định trong năm nay vẫn còn nhiều gập ghềnh. Báo cáo triển vọng thị trường tháng 2 của HSBC cảnh báo, nếu nới lỏng chính sách tiền tệ sớm, lạm phát sẽ quay trở lại nền kinh tế Việt Nam.
Đánh giá cao sự ưu tiên và cam kết của chính phủ về một mô hình phát triển bền vững hơn, các chuyên gia cho biết, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại 1,7 tỷ USD nhờ vào xuất khẩu mặt hàng dệt may và sản xuất đang dần phục hồi.
Cho rằng, lạm phát là chỉ số kinh tế quan trọng để đo lường mức độ cam kết của Chính phủ đối với công cuộc cải cách, báo cáo của HSBC cho biết: “việc tiếp tục chống lại áp lực bơm nguồn tín dụng rẻ vào các lĩnh vực kinh tế kém hiệu quả sẽ giúp lạm phát ổn định”.
Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay vẫn đang ở trạng thái âm (-) 0,16%, phản ảnh vấn đề nợ xấu đáng kể vẫn đang tiếp tục làm suy giảm nhu cầu trong nước.
Báo cáo nhấn mạnh, thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay là việc lạm phát quay lại nếu Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ các lĩnh vực yếu kém.
Cụ thể: Lạm phát tháng 2 cho thấy giá cả đã được kiềm chế, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 7,1% trong tháng 1. Ngược lại, lạm phát cơ bản tháng 2 tương tự như tháng 1 vẫn ở mức cao 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng, lạm phát cơ bản có điều chỉnh yếu tố mùa vụ so với tháng trước đã giảm 0,5% từ mức 0,9% của tháng 1. Lạm phát thực phẩm tháng 2 tăng nhẹ từ mức 1,3% của tháng 1 lên mức 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả là lạm phát thực phẩm tháng 2 có điều chỉnh mùa vụ so sánh theo tháng tăng 0,2% từ mức 0,6% trong tháng 1. Điều này chứng tỏ rằng một hành vi tiêu dùng thận trọng hơn đã làm giảm giá thực phẩm sau khi điều chỉnh yếu tố mùa vụ dịp Tết Nguyên đán.
Đề án tái cấu trúc nền kinh tế còn thiếu chi tiết thực thi
Đánh giá cao việc phê duyệt Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2013 – 2020 của Chính phủ, nhưng, các chuyên gia của HSBC cho rằng, Đề án còn thiếu các điểm chi tiết về mặt thực thi.
Đặc biệt, trong phần liên quan đến việc tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước, các kế hoạch đề ra đều hướng tới những cải cách mang tính mục tiêu hơn là tính thực thi. Ví dụ, Chính phủ nhắm tới việc:
(i) Xác định và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước chuyên tập trung đến ngành công nghiệp quân đội, các ngành công nghiệp độc quyền, cung cấp những sản phẩm và dịch vụ chính yếu và công nghệ tiên tiến;
(ii) Tăng cường cổ phần hoá và đa dạng hoá các doanh nghiệp nhà nước nơi sở hữu Nhà nước 100% vốn là không cần thiết;
(iii) Yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước tái cơ cấu hoạt động đầu tư và kinh doanh để tập trung vào những mảng kinh doanh cơ bản, loại bỏ những mảng kinh doanh không trọng tâm và những công ty liên doanh mà ở đó Nhà nước không cần phải là cổ đông ưu thế.
Chính vì vậy, “khi xem xét tiến bộ của Việt Nam, bằng chứng về các thành tích đã đạt được và những cam kết được đề ra quan trọng hơn là những lời hứa”, báo cáo nhấn mạnh.