Hướng dẫn viên du lịch cần làm gì để nhận hỗ trợ từ gói 26 nghìn tỷ đồng?
Hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ lần đầu trước ngày 1/5/2021 còn hạn sử dụng sẽ được nhận mức hỗ trợ 3.710.000 đồng/người.
Thủ tục nhận hỗ trợ của hướng dẫn viên du lịch
Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội vừa công bố quyết định quy định việc thực hiện gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 68 về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo đó, hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ một lần với mức 3.710.000 đồng/người.
Để được hưởng hỗ trợ, hướng dẫn viên du lịch phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: Có thẻ hướng dẫn viên du lịch được cấp lần đầu trước ngày 1/5/2021, còn hạn sử dụng.
Thứ hai, có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Hướng dẫn viên du lịch có nhu cầu hỗ trợ gửi hồ sơ đề nghị đến Sở Du lịch/ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/ Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh) nơi cấp thẻ cho hướng dẫn viên du lịch. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.
Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, lập danh sách đề nghị hỗ trợ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ của cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo thực hiện hỗ trợ.
Trường hợp không phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có văn bản nêu rõ lý do.
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm giấy tờ gì?
Hồ sơ đề nghị nhận trợ cấp đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa bao gồm:
Thứ nhất, Giấy đề nghị hỗ trợ theo mẫu số 10 đính kèm Quyết định.
Thứ hai bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ sau đây: 1 bản hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch có hiệu lực trong khoảng thời gian từ 1/1/2020 đến thời điểm nộp hồ sơ; Thẻ hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.
Đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm du lịch chỉ cần Giấy đề nghị hỗ trợ theo mẫu số 11 kèm theo Quyết định này.
Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, lao động trong một số ngành dịch vụ như lưu trú và ăn uống, nghệ thuật, vui chơi giải trí bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19. Một phần ba doanh nghiệp tham gia khảo sát nhanh cho biết phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động; các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ lưu trú có tỷ lệ lao động bị cắt giảm cao nhất.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam (VITA) cho biết: Tính đến cuối năm 2019, cả nước có trên 1,3 triệu lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động của các nước. Tuy nhiên, do lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và phải nghỉ việc quá lâu, không nhận được sự hỗ trợ, trong khi chi phí sinh hoạt hàng ngày vẫn phải chi, khiến nhiều nhân sự vững tay nghề có xu hướng chuyển hẳn sang một ngành mới.