Vì sao xuất khẩu sang các nước CPTPP chưa đạt kỳ vọng?
Sau hơn một năm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên trong khối đã ghi nhận với nhiều tín hiệu khả quan.
Tuy nhiên, trong năm qua, xuất khẩu những mặt hàng chủ chốt của Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Bên cạnh đó, nhiều hạn chế trong việc tận dụng các lợi thế từ CPTPP của các doanh nghiệp được bộc lộ rõ.
Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai Hiệp định CPTPP của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2019 sau hơn 1 năm thực hiện.
Theo đó, trong năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2%; kim ngạch nhập khẩu đạt 37,9 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2018. Như vậy, trong năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang các nước thành viên CPTPP là 1,6 tỷ USD. Trước đó, năm 2018, Việt Nam nhập siêu từ các quốc gia này là 0,9 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP tương đối đa dạng, từ hàng nông nghiệp, thủy sản, thủ công mỹ nghệ cho đến hàng dệt may, máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử…
Tuy nhiên, theo báo cáo của 25/26 bộ, ngành và 58/63 địa phương gửi về Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam chưa được như kỳ vọng. Trong đó, dệt may được đánh giá có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu nhờ hưởng ưu đãi thuế quan của CPTPP, song kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của ngành này chỉ đạt 39 tỷ USD, thấp hơn dự báo 21 tỷ USD. Trên thực tế, các mặt hàng xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP chưa có quan hệ FTA (như Canada, Mehico) có mức tăng cao đã thiếu vắng một số mặt hàng chủ chốt của Việt Nam như dệt may, nông thủy sản…
Lý giải về con số xuất khẩu của ngành dệt may sang các quốc gia thành viên CPTPP chưa được như kỳ vọng, Bộ Công Thương cho biết, do đặc thù của ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu lượng nguyên phụ liệu quá lớn. Trong khi đó, muốn xuất khẩu vào thị trường các nước thành viên CPTPP, doanh nghiệp phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Điều này khiến lĩnh vực dệt may gặp nhiều khó khăn khi hàng năm phải nhập gần 99% bông, 80% vải...
Bên cạnh đó, đánh giá về sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong các hoạt động xuất, nhập khẩu nội khối CPTPP, Bộ Công Thương cho rằng, đến nay, đa số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chưa đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định CPTPP.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam đánh giá, hiện các DNNVV đang trong quá trình làm quen với thị trường các nước thành viên CPTPP. Kết quả xuất siêu sang khối CPTPP của Việt Nam trong năm 2019 có sự đóng góp tích cực của các DNNVV trên nhiều lĩnh vực, như nông sản, thủy sản, may mặc…
Tuy nhiên, theo ông Nam, những đóng góp này là chưa tương xứng với tiềm năng của cộng đồng DNNVV. Nhiều mặt hàng có tính chất thủ công, làm bằng tay hay những sản phẩm nông sản, rau quả vẫn có thể xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP với số lượng và chất lượng tốt hơn, song các DNNVV lại chưa tận dụng được.
Chỉ rõ một số hạn chế, rào cản đối với các DNNVV trong việc xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP, ông Nam cho rằng, khả năng liên kết, chia sẻ thông tin còn kém của các doanh nghiệp dẫn tới việc không thể cung cấp một lượng hàng lớn khi thị trường có nhu cầu.
Bên cạnh đó, DNNVV hiểu biết chưa đầy đủ về thị trường các nước thành viên CPTPP, nhất là các thị trường như Canada, Mehico. Sự tinh thông của DNNVV về các thị trường này vẫn là rào cản chủ yếu. Ngoài ra, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP với nhiều điểm mới so với các FTA mà Việt Nam đã ký kết và tham gia khiến DNNVV sẽ phải mất thêm thời gian để tìm hiểu kỹ càng.
Theo ông Nam, nếu sớm khắc phục được những hạn chế trên, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.