Hướng đi nào cho thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập?


Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đặc biệt khi Việt Nam tham gia ký kết, thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, thị trường bán lẻ Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối diện không ít khó khăn, thách thức. Do đó, thị trường bán lẻ Việt Nam cần chủ động để phát huy lợi thế, đáp ứng yêu cầu hội nhập trong bối cảnh mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 Việc tham gia ký kết các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA không chỉ mang lại nhiều cơ hội đối với nền kinh tế nói chung mà còn đối với thị trường bán lẻ nói riêng.

Cụ thể, nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam được giảm mức thuế nhập khẩu xuống mức 0% ngay khi các FTA có hiệu lực; một số mặt hàng khác tuy không giảm thuế ngay, nhưng thời hạn của lộ trình giảm thuế về mức 0% ngắn hơn so với các FTA truyền thống. Bán lẻ là một trong những lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, các FTA thế hệ mới đưa ra các cam kết đối xử công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong việc thành lập, mua lại, mở rộng, điều hành, triển khai, vận hành, kinh doanh, hoặc các hình thức liên quan đến chuyển nhượng dự án khác trong lãnh thổ.

Các FTA thế hệ mới còn thúc đẩy việc thu hút luồng vốn đầu tư chất lượng cao vào lĩnh vực bán lẻ. Đối với FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), tính đến năm 2019, các nước châu Âu đã đầu tư vào Việt Nam gần 50 tỷ USD với tổng số 3.300 dự án. Đối với CPTPP, Nhật Bản là một đối tác quan trọng, đứng đầu về vốn FDI tại Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, tham gia vào các FTA thế hệ mới, đồng nghĩa với việc dỡ bỏ mạnh mẽ hơn các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu, cũng như mở cửa rộng hơn cho dòng đầu tư từ các nước thành viên FTA vào Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với sự hiện diện của các tập đoàn bán lẻ, hàng hóa của các quốc gia đối tác mang tính cạnh tranh cao và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Người tiêu dùng trong nước sẽ có thêm sự lựa chọn hơn và được phục vụ tốt hơn cả về mặt chất lượng, giá cả và các dịch vụ đi kèm (giới thiệu, tư vấn sản phẩm, bảo hành).

Cùng với các cơ hội, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngành Bán lẻ Việt Nam cũng đang đối diện với nhiều rủi ro và thách thức lớn, cụ thể  như: Sự xuất hiện của các tập đoàn, công ty bán lẻ nước ngoài làm gia tăng sức ép cạnh tranh đối với nhà bán lẻ nội địa; Hàng hóa nội địa bị lấn át bởi hàng hóa nhập khẩu; các tiêu cực trong hoạt động đầu tư và kinh doanh của các DN nước ngoài...

Trước những cơ hội và thách thức do các FTA thế hệ mới mang lại như đã nêu ở trên, thị trường bán lẻ Việt Nam cần giải quyết những vấn đề sau để tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức.

Thứ nhất, xét về tiềm lực tài chính, vốn luôn là yếu tố quan trọng đối với DN nói chung và DN phân phối bán lẻ nói riêng. Hiện nay, đại đa số các DN phân phối bán lẻ đang hoạt động trong tình trạng không đủ vốn cần thiết, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của các DN. Cùng với đó, việc tiếp cận vốn của các DN bán lẻ Việt Nam gặp nhiều khó khăn, trong khi huy động vốn trong dân vào kinh doan chưa được cải thiện. Do vậy, giải quyết được vấn đề tiếp cận nguồn vốn và nâng cao trách nhiệm giải trình với vốn huy động của DN là cần thiết để DN bán lẻ kinh doanh hiệu quả.

Thứ hai, nâng cao trình độ lao động, trang thiết bị và công nghệ trong lĩnh vực bán lẻ cần được nâng cao. Lao động Việt Nam nói chung và lao động trong các DN phân phối bán lẻ nói riêng chủ yếu là lao động thủ công, tác phong lao động công nghiệp kém, văn minh thương mại và văn hóa kinh doanh thấp. Chỉ có 4 -5 % nhân lực trong các DN phân phối bán lẻ được đào tạo chuyên ngành. Trong khi đó, lao động trong các tập đoàn phân phối nước ngoài được đào tạo cơ bản, có trình độ cao. Sự chênh lệch về trình độ lao động của các DN phân phối bán lẻ Việt Nam với lao động các tập đoàn phân phối nước ngoài cần phải được thu hẹp.

Thứ ba, trình độ quản lý và tổ chức kinh doanh của các DN phân phối bán lẻ trong nước với các tập đoàn phân phối nước ngoài cũng còn một khoảng cách không nhỏ. Các tập đoàn phân phối lớn của nước ngoài có lợi thế hơn hẳn về kinh nghiệm kinh doanh cũng như trình độ quản lý ở mức cao của thế giới. Điều này thể hiện khá rõ ở kết quả triển khai các hoạt động kinh doanh của các tập đoàn phân phối nước ngoài ở Việt Nam trong thời gian qua. Vì vậy, các nhà quản trị DN bán lẻ Việt Nam cần nâng cao năng lực quản lý tổ chức sản xuất kinh doanh...