Hướng đi nào cho thị trường tài chính Việt Nam?

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 7/2020

Kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục giữ đà tăng trưởng khá với GDP đạt 6,8%. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại; Căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung; Tác động của đại dịch Covid-19… kinh tế Việt Nam năm 2020 có xu hướng tăng trưởng chậm lại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhiều khó khăn, thách thức chưa thể khắc phục do những tác động xấu từ dịch Covid-19, một số ngành, sản phẩm tăng trưởng thấp hoặc giảm, thiếu tính cạnh tranh, nguồn lao động chưa đảm bảo, giá cả nguyên nhiên liệu, tỷ giá hối đoái, giá vàng biến động khó lường, không thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu… Những khó khăn này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tài chính Việt Nam và hướng đi nào cho thị trường tài chính là vấn đề đặt ra.

Từ bối cảnh thực tiễn

Trong bối cảnh hệ thống thương mại toàn cầu bất ổn cùng với đại dịch Covid–19 còn diễn biến phức tạp, GDP của Việt Nam quý II/2020 có tăng trưởng nhưng chỉ đạt mức tăng thấp (+0,36%) so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng GDP quý II thấp nhất nếu tính trong giai đoạn 2014–2020.

Nguyên nhân GDP tăng thấp bắt nguồn từ những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 buộc Chính phủ phải chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp giãn cách xã hội. Mức tăng trưởng thấp ghi nhận ở hầu hết các lĩnh vực, cụ thể: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,72%; công nghiệp và xây dựng tăng 1,38%; dịch vụ giảm 1,76%; tiêu dùng tăng 0,04% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 2,30%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,45%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 9,67%.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có hơn 62 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 697,1 nghìn tỷ đồng; tổng số lao động đăng ký là 507,2 nghìn lao động, giảm 7,3% về số DN, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 11,2 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số đó, có 40,8% số DN đánh giá gặp khó khăn và 31,9% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN trong quý II/2020, có 50,4% số DN cho rằng, do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 33,5% số DN cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 28,2% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 27,4% số DN cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 23,7% số DN cho rằng, không tuyển được lao động theo yêu cầu; 19,8% số DN cho rằng, thiết bị công nghệ lạc hậu; chỉ có 6,5% DN cho rằng, không có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay; 2,1% DN cho rằng, thiếu năng lượng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để hỗ trợ khó khăn cho DN, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới, điển hình như: Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid - 19; Nghị quyết số 68/NQ-CP về cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025… cùng nhiều chính sách hỗ trợ người dân, DN khác.

Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong những tháng đầu năm đã có sự phối hợp với nhau hiệu quả, lượng cung tiền rất chủ động, đảm bảo lạm phát ở mức thấp (CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019). Tuy nhiên, kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn.

Cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường tài chính cũng có những diễn biến thiếu khởi sắc. Tăng trưởng tín dụng đang thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 29/5/2020, tín dụng tăng 1,96% so với cuối năm 2019. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng tín dụng năm nay thấp hơn nhiều (5 tháng đầu năm 2019 tăng 5,74%), và còn cách rất xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 14%.

Hướng đi nào cho thị trường tài chính Việt Nam? - Ảnh 1

Nguyên nhân là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều DN lâm vào tình cảnh khó khăn nên vẫn chưa có nhu cầu vay vốn mới, dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh so với thời điểm trước khi dịch bùng phát. Mặc dù, Việt Nam đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh nhưng diễn biến trên thế giới vẫn rất phức tạp. Bên cạnh đó, độ mở nền kinh tế của Việt Nam lớn nên khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, DN trong nước cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát chất lượng tín dụng, các tổ chức tín dụng đã áp dụng rất nhiều biện pháp kiểm soát nợ xấu. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống được kiểm soát dưới 2%. Tuy nhiên, nợ xấu đang có chiều hướng tăng do tác động của đại dịch Covid-19.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid - 19. Cụ thể, trong tháng 3, TTCK Việt Nam liên tiếp chứng kiến các phiên giảm điểm mạnh (các phiên giao dịch ngày 09/3, 11/3 và 12/3/2020 với mức giảm tương ứng 6,28%, 3,12% và 5,19%). Mặc dù vậy, thanh khoản thị trường liên tiếp duy trì ở mức cao, trung bình khoảng 6.000 tỷ đồng/phiên.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt việc thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày kể từ ngày 01/4/2020 đã giúp cho Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh. Các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ đã giúp cho TTCK Việt Nam từ đầu tháng 4 đến nay có những phiên tăng điểm tích cực.

Trong khi đó, tính đến quý II/2020, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,7 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 1.418 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 8,5 tỷ USD, giảm 17,7% về số dự án và tăng 13,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 526 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,7 tỷ USD, tăng 26,8%; có 4.125 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 3,5 tỷ USD, giảm 56,8%.

Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 866 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,6 tỷ USD và 3.259 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,9 tỷ USD. Nguồn vốn FDI thực hiện 6 tháng đầu năm 2010, ước tính đạt 8,65 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,1 tỷ USD, chiếm 70,8% tổng vốn FDI thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 15,5%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 634,3 triệu USD, chiếm 7,3%.

Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 11% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2020 ước tính tăng 6%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 13%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%. Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ với đặc thù cần có sự gặp mặt trực tiếp để tư vấn cho khách hàng.

Do lĩnh vực bảo hiểm không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu nên các điểm kinh doanh, giao dịch bảo hiểm với khách hàng phải đóng cửa và tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội. Trước tình hình đó, các DN bảo hiểm nhân thọ đã tăng cường hoạt động giao dịch, tư vấn bằng hình thức trực tuyến, chủ động gia hạn thời gian đóng phí bảo hiểm từ 60 ngày đến 90 ngày nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Đến những thách thức đặt ra và triển vọng với thị trường tài chính Việt Nam

Thực tế cho thấy, các tổ chức tín dụng vẫn giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống tài chính; Khả năng cung ứng vốn từ khu vực ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế; Tỷ trọng tín dụng trên GDP hiện còn ở mức cao (khoảng 1,34%).

Thực tế này có thể tạo ra những rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản hệ thống trong dài hạn. Nguồn vốn từ thị trường cổ phiếu đi vào khu vực kinh tế thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) chưa lớn. Quy mô thị trường trái phiếu DN Việt Nam so với GDP còn khá thấp (7% GDP) – tỷ trọng này chỉ mới bằng 1/3 mức bình quân các quốc gia khu vực châu Á (21% GDP); Thị trường trái phiếu DN chưa đáp ứng các chuẩn mực về minh bạch do chưa có tổ chức định mức xếp hạng; Cơ sở hạ tầng thị trường tài chính Việt Nam còn nhiều hạn chế như sản phẩm tài chính còn sơ khai, thiếu đa dạng; cơ sở nhà đầu tư tổ chức còn nhỏ; chất lượng cung cấp thông tin và minh bạch trên thị trường còn khoảng cách so với quốc tế; khung pháp lý về hoạt động của thị trường chưa hoàn thiện…

Mặt khác đại dịch Covid - 19, gắn với các bất ổn khác trên quy mô toàn cầu đang tác động mạnh tới nền kinh tế nước ta, mà cụ thể là chiến tranh thương mại, các biến cố chính trị, quân sự tại Trung Đông… vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và mới ở giai đoạn đầu với sự tác động còn rất lớn.

Kinh tế toàn cầu được dự báo còn khá ảm đạm trong những năm tiếp theo, kinh tế Việt Nam dù tiềm năng khá tốt nhưng thị trường tài chính Việt Nam vẫn phải đối diện với các tình huống phức tạp. Theo đó, để phát triển bền vững thị trường tài chính Việt Nam cần xác định hướng đi đúng, phù hợp với xu thế trên cơ sở:

Một là, khơi dậy nội lực trong nước, lấy nội lực làm cung - cầu chủ đạo, quan trọng nhất trong việc xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với các biến động quốc tế.

Hai là, có chính sách đồng bộ, ổn định có nội hàm khuyến khích DN phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất bằng công nghệ tiên tiến trên thế giới tại Việt Nam.

Ba là, ngành Ngân hàng tiếp tục thiết kế chính sách tiền tệ linh hoạt, có đường dẫn là giải pháp cấp thiết; Xác định đúng đối tượng tài trợ, đồng thời dùng các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với một số đối tượng của nền kinh tế; Thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch chính thức trên TTCK.

Bốn là, thực hiện nghiêm túc việc cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, yêu cầu quy mô TTCK phải tăng cả về chất và lượng để trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; Đẩy nhanh tiến độ cải cách thủ tục hành chính phù hợp với Cách mạng công nghiệp 4.0 (như việc cho phép TTCK chấp nhận áp dụng chữ ký số, hồ sơ điện tử, ví điện tử để giao dịch thanh toán tức thời và giá chứng khoán theo thời gian thực).

Năm là, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư công, đồng thời đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, thoái vốn của DN nhà nước, tạo môi trường tái cơ cấu mạnh mẽ cấu trúc nội tại của thị trường tài chính…

 

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2016), Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020;

2. Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (2018), “Báo cáo tóm tắt thị trường tài chính năm 2018” Hội thảo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018 ngày 20/12/2018;

3. Tổng cục thống kê, niên giám thống kê 2019 - 2020 (http://www.gso.gov.vn);

4. Báo điện tử của Chính phủ ngày 02/06/2020;

5. Tạp chí Tài chính điện tử (tapchitaichinh.vn).