Giải pháp tăng cường dịch vụ công trực tuyến ngành Tài chính
Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngành Tài chính đã đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, qua đó góp phần đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí thực hiện, hạn chế đi lại, tiếp xúc cho người dân, doanh nghiệp.
Bài viết khái quát về những kết quả đạt được trong triển khai dịch vụ công trực tuyến của ngành Tài chính thời gian qua, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới để góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các chi phí xã hội cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Kết quả nổi bật trong dịch vụ công trực tuyến
Ngày 12/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 274/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia với mục tiêu tổng thể đề ra nhằm "nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) ngày càng tốt hơn, hướng tới số hóa hồ sơ, giấy tờ giấy, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin; cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc".
Tại Đề án này, Chính phủ cũng đề ra các mục tiêu cụ thể đó là: Thực hiện tích hợp để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; trong đó, đến năm 2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu với người dân, DN của các bộ, ngành, địa phương; một số đơn vị cung cấp dịch vụ công và tăng dần mỗi năm 20% cho tới khi tích hợp toàn bộ (100%) các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương...; Phấn đấu cung cấp, tích hợp 1 triệu tài khoản trong năm 2020 và đặt tối thiểu 8 triệu tài khoản trong năm 2023.
Theo số liệu công bố trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho thấy, tính đến ngày 08/5/2020, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có trên 35 triệu lượt truy cập; trên 134 nghìn tài khoản đăng ký; trên 7 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 55 nghìn hồ sơ được thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp nhận, hỗ trợ trên 10 nghìn cuộc gọi của người dân, DN. Thống kê cho thấy, đến nay, sau 6 tháng triển khai, từ 8 nhóm dịch vụ ban đầu, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tăng lên 389 dịch vụ công trực tuyến, gồm 160 cho công dân, 229 cho DN.
Ước tính, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm. Đáng chú ý, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, để hỗ trợ cho người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch này, từ ngày 12/5/2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia cung cấp thêm 06 dịch vụ công gồm: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; Kê khai gia hạn nộp thuế DN; Kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid.
Dịch vụ công trực tuyến ngành Tài chính bao gồm các dịch vụ công sau: Tài chính chung (Quản lý giá; Quản lý, giám sát bảo hiểm; Chế độ kế toán và kiểm toán; Quản lý công sản; Tổ chức cán bộ), lĩnh vực thuế, lĩnh vực Chứng khoán, lĩnh vực Hải quan, lĩnh vực dự trữ nhà nước, lĩnh vực kho bạc nhà nước. Hiện nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành tích hợp, chia sẻ kết nối một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong lĩnh vực tài chính, hải quan, thuế, kho bạc như: Dịch vụ công trực tuyến cấp mã số cho đơn vị có quan hệ với ngân sách; Hủy tờ khai hải quan; Khai bổ sung hồ sơ hải quan; Nộp thuế cho DN; Nộp thuế cho cá nhân; Nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; Khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước... Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã hoàn thành cung cấp bộ câu hỏi - trả lời trong giải quyết thủ tục hành chính để tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm giải đáp cho người dân, DN về những vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính và những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật.
Trong quý I/2020, thống kê số lượng hồ sơ dịch vụ công trực tuyến ngành Tài chính cho thấy, toàn Ngành tiếp nhận giải quyết 2.419.095 hồ sơ và đã giải quyết đúng hạn 2.419.095 hồ sơ, tỷ lệ đúng hạn đạt 100%. Trong quý II/2020, toàn ngành Tài chính tiếp nhận 6.468.372 hồ sơ và đã giải quyết đúng hạn 6.466.206 hồ sơ, tỷ lệ đúng hạn đạt 99,97%. Đối với một số lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng DN và người dân như: thuế, hải quan, kho bạc nhà nước và chứng khoán, đạt được một số kết quả cụ thê sau:
- Đối với lĩnh vực thuế: Tính đến ngày 7/5/2020, riêng ngành Thuế đã tích hợp 93 thủ tục hành chính thuế trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 100% kế hoạch và hoàn thành trước thời hạn 6 tháng so với yêu cầu của Bộ Tài chính. 93 thủ tục hành chính thuế đã được Tổng cục Thuế tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để người nộp thuế có thể tra cứu, thực hiện liên quan đến: hóa đơn; khai thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môn bài…); phí, lệ phí; quyết toán thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân)…
- Đối với lĩnh vực hải quan: Tính đến hết quý I/2020, ngành Hải quan đã cung cấp 171/192 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm 89% tổng số thủ tục hành chính của ngành Hải quan. Trong đó, có 162 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 84,4%). Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, kể từ ngày 1/3/2017 đến đầu tháng 3/2020, có gần 230.000 hồ sơ của người dân, DN gửi đến liên quan đến 2 dịch vụ công trực tuyến kể trên được cơ quan hải quan tiếp nhận, giải quyết. Trong đó, có 95.201 hồ sơ “hủy tờ khai hải quan” và 134.507 hồ sơ “khai bổ sung tờ khai hải quan…
- Đối với lĩnh vực kho bạc nhà nước: Theo số liệu từ Kho bạc Nhà nước, tính đến hết ngày 30/4/2020, đã có 73.595 trên tổng số 92.456 đơn vị sử dụng ngân sách đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 79,60%. Riêng tháng 4/2020, có 7.837 đơn vị đăng ký sử dụng mới, tăng gấp 3 lần so với các tháng trước thời điểm dịch Covid-19. Trong năm 2019, 100% các thủ tục hành chính Kho bạc Nhà nước được thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có giao dịch với Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, Kho bạc Nhà nước quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia dịch vụ công mức 4. Đến nay, đã có gần 100% các đơn vị giao dịch tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đã tham gia dịch vụ công trực tuyến với Kho bạc Nhà nước. Dự kiến đến 31/12/2020, sẽ triển khai dịch vụ công trực tuyến tại tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có giao dịch với Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP.
- Đối với lĩnh vực chứng khoán: Tính đến giữa tháng 5/2020, ngành Chứng khoán đã cung cấp 8 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 gồm: Đăng ký chào bán, phát hành cổ phiếu, trái phiếu; Đăng ký công ty đại chúng; Đăng ký chào mua công khai; Đề nghị cấp giấy phép thành lập, thay đổi hoạt động công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện công ty chứng khoán; Đề nghị cấp, đổi chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán; Đề nghị cấp phép thành lập và đăng ký, thay đổi hoạt động công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; Đăng ký chào bán cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán ra công chúng; và Đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến.
Tăng cường các giải pháp triển khai dịch vụ công trực tuyến ngành Tài chính
Theo Quyết định số 683/QĐ-BTC ngày 28/4/2020 ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Tài chính tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2020, đến năm 2020, Bộ Tài chính tích hợp, cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công mức 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ triển khai thực hiện tích hợp 194 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, cơ quan Bộ Tài chính sẽ tích hợp 24 dịch vụ công trực tuyến liên quan tới lĩnh vực kế toán, kiểm toán và lĩnh vực quản lý giá; Kho bạc Nhà nước sẽ tích hợp 6 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Tổng cục Hải quan tích hợp 60 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tích hợp 11 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; Tổng cục Thuế tích hợp 2 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 91 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng khuyến khích các đơn vị thuộc, trực thuộc thực hiện tích hợp, cung cấp thêm trên Cổng Dịch vụ công quốc gia các dịch vụ công trực tuyến ngoài danh sách đã được phê duyệt.
Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, các đơn vị phải tập trung triển khai các giải pháp tại Quyết định số 683/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, trong đó chú trọng một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục tích cực triển khai dịch vụ công trực tuyến, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để triển khai hiệu quả, đồng bộ. Các đơn vị trong Ngành cần thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công bố, cập nhật thủ tục hành chính lên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Hai là, tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho DN. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, trong đó phải tập trung tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính mức độ 3, 4 để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp… Chủ động rà soát xây dựng lộ trình chi tiết triển khai, khẩn trương tích hợp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia đảm bảo hoàn thành theo nguyên tắc đảm bảo đến hết quý III/2020 đạt tối thiểu 70% (riêng Tổng cục Hải quan tối thiểu 40%) và quý IV/2020 hoàn thành tích hợp 100% số dịch vụ công trực tuyến theo phụ lục đính kèm Quyết định số 683/QĐ-BTC.
Ba là, tiếp tục chuẩn hóa thông tin, dữ liệu thủ tục hành chính và cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, mã hồ sơ trên hệ thống một cửa điện tử bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong tiếp cận, thực hiện, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính.
Bốn là, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công Bộ Tài chính góp phần thực hiện thành công giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Năm là, chú trọng việc tuyên truyền về những kết quả tích cực trong triển khai dịch vụ công trực tuyến của ngành Tài chính và nỗ lực cải cách thủ tục hành chính. Qua đó, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, hành vi, tạo sự đồng thuận của người dân, DN trong việc thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, qua đó, tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong quá trình cải cách thủ tục hành chính của toàn ngành Tài chính.
Tài liệu tham khảo
1. Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/03/2019 phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia;
2. Bộ Tài chính (2020), Quyết định số 683/QĐ-BTC ngày 28/04/2020 ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Tài chính tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2020;
3. Long Vân (2020), Dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 3.036 tỷ đồng/năm, Tạp chí điện tử Tài chính;
4. Đặng Tất Thắng (2020), Tiện ích lớn, hiệu quả cao từ dịch vụ công trực tuyến Kho bạc, Tạp chí Tài chính Kỳ 2 – Tháng 5/2020;
5. Ngọc Ánh (2020), 93 thủ tục đã tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, ngành Thuế về đích trước 6 tháng, Tạp chí điện tử Tài chính;
6. Ngọc Linh (2020), Hải quan phấn đấu kết nối 60 dịch vụ công trực tuyến, Thời báo Tài chính Việt Nam.