Hướng tới kỳ vọng giảm lãi suất

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Trong bối cảnh lãi suất huy động nhích lên gần đây, việc giảm lãi suất điều hành sẽ giúp ổn định mặt bằng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong khi thị trường kỳ vọng lãi suất huy động và cho vay sẽ đi xuống trong thời gian tới, hầu hết các chuyên gia và các công ty chứng khoán lại đánh giá mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường sẽ khó có thể giảm ngay.

Tín hiệu tích cực

Dự báo mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết lãi suất về cơ bản sẽ diễn biến ổn định, được hỗ trợ bởi các yếu tố tích cực như thanh khoản hệ thống được đảm bảo, có dư thừa, tín dụng tăng phù hợp với chỉ tiêu định hướng.

“NHNN điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành sẽ giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất của các TCTD”, ông Hà chia sẻ.

Ngay trong ngày NHNN giảm lãi suất điều hành (16/9) đã có những tác động tích cực tại một số thị trường như: thị trường chứng khoán ghi nhận sự tăng giá của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp (DN), tăng mạnh nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng; thị trường bất động sản có cơ hội để tăng cung; thị trường trái phiếu DN cũng bớt căng thẳng hơn.

Tuy nhiên, dù mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường 1 (giữa ngân hàng và cư dân, DN) không có sự xáo trộn, song mặt bằng lãi suất huy động vẫn có xu hướng tăng.

Điển hình, SeABank vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn với mức lãi suất hấp dẫn. Khách hàng tham gia với mệnh giá tối thiểu từ 10 triệu đồng, kỳ hạn gửi đa dạng từ 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng cho đến 13 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất tương ứng lên tới 7,8%/năm.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, cho biết trong ngắn hạn, giảm lãi suất điều hành không tác động nhiều đến tình hình kinh doanh của các ngân hàng. Nguyên nhân là các ngân hàng chủ yếu kinh doanh trên thị trường 1; còn trên thị trường 2 (cho vay giữa các ngân hàng), lãi suất cũng đang ổn định và đã giảm về mức hợp lý trước khi có quyết giảm lãi suất điều hành.

Phân tích thêm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính, cho rằng tại Việt Nam, hai thị trường 1 và thị trường 2 chưa liên thông chặt chẽ với nhau, nên lãi suất điều hành chưa liên quan nhiều tới lãi suất thị trường.

Bên cạnh đó, các lãi suất được NHNN quyết định giảm là: lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn… lại không phải là những lãi suất được sử dụng thường xuyên, mà dành cho những ngân hàng “bí bách” về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ NHNN khi không vay được qua kênh liên ngân hàng. Do vậy, với bối cảnh thanh khoản ngân hàng hiện nay khá ổn, tác động từ việc NHNN giảm lãi suất điều hành là không đáng kể tới thị trường tiền tệ.

Mặt bằng lãi suất cho vay giảm sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Mặt bằng lãi suất cho vay giảm sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh
 

Cần thời gian

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đều đang đứng ở mức cao khá lâu, nên mức giảm chỉ 0,25 điểm phần trăm lãi suất điều hành của NHNN là không nhiều, chưa đủ để các ngân hàng có thể thêm điều kiện giảm lãi suất.

Công ty chứng khoán SSI phân tích các lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sẽ dao động trong khoảng từ lãi suất tín phiếu đến lãi suất mua kỳ hạn giấy tờ có giá (lãi suất OMO) từ 2,75%/năm đến 4,5%/năm. Trong điều kiện lý tưởng, giá vốn rẻ hơn trên thị trường liên ngân hàng (và môi trường thanh khoản được kỳ vọng sẽ được giữ dồi dào) sẽ tạo cơ sở để các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường 1.

Tuy vậy, vốn liên ngân hàng chỉ đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn, không dùng để cấp tín dụng và bị hạn chế bởi tỷ lệ 20% so với vốn huy động trên thị trường chứng khoán và dân cư, nên tính liên thông từ thị trường 2 xuống thị trường 1 cần một thời gian dài.

Dù tác động đến thị trường 1 là hạn chế, nhưng SSI đánh giá đây là động thái tiếp theo sau một loạt các hành động trước đó, như BIDV, VietinBank, Vietcombank tiên phong giảm lãi suất cho vay với các nhóm ngành ưu tiên tới hai lần kể từ đầu năm đến nay. Với tỷ trọng trên 70% thị phần huy động và cho vay, nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần lớn mới đóng vai trò quyết định trong xu hướng lãi suất chung của thị trường 1.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng để lãi suất điều hành giảm tác động hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần lộ trình và độ trễ nhất định, khả năng phải đến cuối năm hoặc qua năm sau.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định mức điều chỉnh vẫn còn khiêm tốn. Thời gian tới, NHNN nên cân nhắc giảm thêm lãi suất điều hành sẽ tác động tích cực đến thị trường và tăng trưởng tín dụng khả quan hơn. Dẫu sao, đây cũng là tín hiệu tích cực đối với thị trường ngân hàng và cả nền kinh tế.