Hướng tới xuất siêu bền vững
Trong 9 tháng năm 2018, thặng dư thương mại (xuất siêu) của Việt Nam lần đầu tiên vượt ngưỡng 6 tỷ USD. Đây là mức thặng dư cao kỷ lục trong nhiều năm gần đây. Trong vòng 5 năm qua (2014-2018), có 3 năm tính đến tháng 9 Việt Nam xuất siêu, trong đó 2 năm 2016 xuất siêu hơn 3 tỷ USD và 2014 xuất siêu hơn 2,6 tỷ USD.
Nhìn vào kết quả này có thể thấy kim ngạch xuất siêu đạt được 9 tháng qua là con số vượt trội so với các năm còn lại. Tuy nhiên, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 sẽ cân bằng cán cân thương mại, nhưng liên tục trong vài năm gần đây lại xuất siêu. Vậy có điều gì không ổn khi chúng ta liên tục xuất siêu?
Xuất siêu là dấu hiệu đáng mừng để bảo đảm dự trữ ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi lẽ, xuất khẩu từ trước tới nay luôn là điểm sáng của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nước ta, và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gấp 2, có năm gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng chung.
Năm nay, dự kiến tăng trưởng kinh tế GDP đạt 6,7%, tức xuất khẩu phải tăng trên 20%. Từ đầu năm đến nay, xuất nhập khẩu đều tăng, đặc biệt xuất khẩu tăng mạnh, đã có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế để đạt con số 6,7%.
Thông thường, các nền kinh tế đang phát triển thường trong tình trạng nhập siêu với hoạt động xuất, nhập khẩu. Đây là đặc điểm có tính quy luật, không dễ đảo ngược. Việt Nam cũng không ngoại lệ, với phần lớn các năm kế hoạch đều nhập siêu. Song nền kinh tế nước ta đang chuyển sang xuất siêu là chiều hướng đáng mừng.
Thông thường, các nền kinh tế đang phát triển thường trong tình trạng nhập siêu với hoạt động xuất, nhập khẩu. Đây là đặc điểm có tính quy luật, không dễ đảo ngược. Việt Nam cũng không ngoại lệ, với phần lớn các năm kế hoạch đều nhập siêu. Song nền kinh tế nước ta đang chuyển sang xuất siêu là chiều hướng đáng mừng.
Thực tế, việc xuất siêu hay nhập siêu (nếu giá trị đó không quá lớn) nhiều khi chỉ là vấn đề thời điểm, không thể hiện hết năng lực cạnh tranh quốc gia. Tình hình có thể đảo chiều nếu thời gian tới xuất hiện một vài yếu tố bất ngờ, chẳng hạn doanh nghiệp trong nước nhận được thêm nhiều đơn hàng gia công phục vụ xuất khẩu, từ đó gia tăng nhu cầu nhập khẩu nguyên, phụ liệu đầu vào để thực hiện, làm gia tăng nhập siêu.
Hoặc ngược lại, nếu năng lực cung ứng xăng, dầu từ nguồn trong nước có diễn biến đột xuất, làm gián đoạn khả năng xuất hàng... Còn nếu tình hình diễn ra ổn định, đây sẽ là cơ hội để nền kinh tế duy trì vị thế xuất siêu trong giao thương quốc tế.
Vấn đề đặt ra chúng ta xuất siêu mạnh sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU - những thị trường đòi hỏi cao về chất lượng hàng hóa. Song nhìn đi nhìn lại, trong bức tranh xuất khẩu, khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn giữ vai trò chủ đạo. Trong khi đó, khu vực DN trong nước vẫn đang phải nhập siêu. Thực trạng này cho thấy kết quả xuất siêu Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua rất lạc quan, nhưng chưa thể xem là bền vững.
Việt Nam là nền kinh tế gia công, xuất khẩu vẫn đang phải phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên phụ liệu. Trong khi đó, nền công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh, xuất siêu vẫn chủ yếu dựa vào khu vực DN FDI. Theo đó, DN FDI xuất siêu Việt Nam mới xuất siêu. Như vậy xuất siêu thiếu sự bền vững.
Để xuất siêu bền vững, đồng thời đạt được mục tiêu cân bằng cán cân thương mại trong thời gian tới, cần thiết phải xây dựng bằng được ngành công nghiệp hỗ trợ. Chỉ có công nghiệp hỗ trợ mới có thể giúp Việt Nam giảm nhập khẩu và phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Một thông tin rất đáng chú ý gần đây, Samsung đã thành công trong phát triển được 29 nhà cung cấp cấp 1. Nhờ nỗ lực phát triển nhà cung cấp nội địa - bao gồm cả DN Việt và DN nước ngoài, tỷ lệ nội địa hóa của Samsung Việt Nam đã lên tới 57%.
Cũng nhờ Samsung, cả xuất khẩu và xuất siêu của Việt Nam đã có tăng trưởng tốt trong thời gian qua. Nhưng chỉ nỗ lực của Samsung là chưa đủ. Hiện không chỉ trong công nghiệp điện tử, công nghiệp dệt may, da giày… giá trị gia tăng để lại cho nền kinh tế không lớn, do Việt Nam phần lớn vẫn gia công, lắp ráp. Do vậy chỉ khi công nghiệp hỗ trợ phát triển, xuất siêu của Việt Nam mới thực sự bền vững.
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu cân bằng cán cân thương mại, xuất siêu bền vững, phải triệt để thực hiện cổ phần hóa DN nhà nước. Bởi lẽ khu vực DN này hiện đang trấn giữ ở các vị trí đặc biệt thuận lợi, tận dụng được nguồn tài nguyên to lớn nhưng chưa phát huy được hết tiềm năng. Để kéo dài tình trạng này chúng ta đang bỏ phí nguồn lực to lớn của quốc gia.