Huy động nguồn lực phù hợp cho phục hồi, phát triển rừng khu vực miền Trung và miền Bắc
Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ phê duyệt chủ trương không tiếp tục huy động nguồn vốn vay của Chính phủ Đức cho Dự án Phục hồi và Quản lý rừng bền vững khu vực miền Trung và miền Bắc Việt Nam (Dự án KfW9); đồng thời giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND 5 tỉnh liên quan phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi với phía Đức về khả năng huy động nguồn vốn viện trợ không hoàn lại.
Bộ Tài chính vừa nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ngãi liên quan đến Dự án KfW9. Theo đó, cử tri phản ánh, với dự án này, tỉnh Quảng Ngãi được phê duyệt sử dụng vốn vay và viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Đức.
Tuy nhiên, theo thông báo của Bộ Tài chính (tại Công văn số 1611/BTC-QLN ngày 21/2/2023), do Chính phủ Đức không đồng ý gia hạn thêm thời hạn hoàn thành việc ký kết Thỏa thuận vay (đã hết hạn ngày 31/12/2022) nên không thể huy động nguồn vốn ODA của Chính phủ Đức để thực hiện Dự án này.
Do đó, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ vốn ngân sách trung ương hoặc vốn ODA khác để tiếp tục thực hiện hoàn thành Dự án.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Tài chính cho biết, Dự án KfW9 do Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh: Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi thực hiện. Theo đó, Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh là cơ quan chủ quản của mỗi dự án thành phần với quyết định đầu tư riêng biệt.
Theo thiết kế của phía Đức, 5 dự án thành phần do Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh thực hiện dự kiến được tài trợ chung trong một Thỏa thuận vay và viện trợ của Chính phủ Đức thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW). Trong đó, cơ cấu nguồn vốn của Dự án tại tỉnh Quảng Ngãi như sau: vốn vay Chính phủ Đức là 1,25 triệu EUR, vốn viện trợ không hoàn lại 2,1 triệu EUR, vốn đối ứng 0,9 triệu EUR. Thời hạn cam kết vốn và hoàn thành ký kết Thỏa thuận vay và viện trợ cho Dự án do phía Đức đưa ra là đến hết ngày 31/12/2022.
Tính đến ngày 5/12/2022, mới chỉ có 3/5 dự án thành phần đã hoàn thành thủ tục đầu tư trong nước (đã có Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi), bao gồm dự án của tỉnh Ninh Thuận, Bình Định và Quảng Ngãi. 2/5 dự án thành phần (của Bộ NN&PTNT và tỉnh Phú Yên) vẫn chưa kịp hoàn thành thủ tục đầu tư.
Do vậy, tại Công hàm số 358/2022 ngày 27/12/2022, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội đã thông báo chính thức việc không thể gia hạn thời gian ký kết Thỏa thuận vay và viện trợ cho Dự án sau ngày 31/12/2022 với các lý do: các điều kiện và yêu cầu pháp lý về gia hạn thời hạn ký kết của phía Đức rất phức tạp; việc gia hạn thời hạn ký kết không chỉ do Chính phủ Đức quyết định mà còn cần phải trình Ủy ban ngân sách của Quốc hội Đức.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Tài chính đã có Công văn số 5990/BTC-QLN ngày 12/6/2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (tại thời điểm này, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Quảng Ngãi chưa có ý kiến).
Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phê duyệt chủ trương không tiếp tục huy động nguồn vốn vay của Chính phủ Đức cho Dự án; giao Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh: Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT và các cơ quan liên quan trao đổi với phía Đức về khả năng huy động nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Đức cho Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang xem xét, quyết định theo quy định hiện hành.
Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang đề nghị Bộ NN&PTNT hoàn thiện việc góp ý kiến đối với các kiến nghị nêu trên của Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang xem xét, quyết định.
Trường hợp các kiến nghị nêu trên của Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phê duyệt, Bộ Tài chính đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi có ý kiến với UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để huy động nguồn lực phù hợp cho Dự án.