Huy động nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ
Đến năm 2017, trong 23 di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận có 7 di sản thuộc vùng Bắc Trung Bộ. Có thể khẳng định, đây là vùng đất giàu tài nguyên du lịch.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra với chính quyền các địa phương trong vùng là làm thế nào để có thể huy động được tối đa các nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch, biến tiềm năng về du lịch thành động lực phát triển kinh tế. Bài viết đánh giá thực trạng huy động nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2011-2017, đề xuất giải pháp tăng cường thu hút vốn từ các kênh khác nhau phát triển du lịch vùng trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Bắc Trung Bộ là vùng đất có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Về tài nguyên du lịch vùng có tài nguyên biển, rừng tự nhiên, các dãy núi trùng điệp, hệ thống hang động, suối, thác, sông hồ và đa dạng hệ sinh học với nhiều loại động, thực vật quý hiếm, có tài nguyên được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Không chỉ vậy, Bắc Trung Bộ còn là vùng giàu tài nguyên du lịch nhân văn. Đây được coi là vùng đất địa linh nhân kiệt, là cái nôi của phong trào cách mạng Việt Nam. Nơi đây còn được biết đến là trung tâm văn hoá nghệ thuật với hệ thống di tích lịch sử, di tích khảo cổ, công trình kiến trúc, phong tục tập quán, lễ hội và thơ ca, hò, vè... Đặc biệt Vùng đất này có nhiều tài nguyên du lịch nhân văn đã được công nhận là di sản thế giới như Thành nhà Hồ, cố đô Huế, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh... Đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng để thu hút khách du lịch và nguồn lực đầu tư phát triển.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển du lịch vùng đến năm 2030 là 165.025 tỷ đồng (tương đương khoảng 8,05 tỷ USD). Mục tiêu này cũng đặt ra không ít thách thức đối với vùng Bắc Trung Bộ, bởi đây là vùng còn nhiều khó khăn về nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nguồn lực phát triển du lịch nói riêng.
Công tác thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch của các địa phương trong vùng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu thực tiễn, chưa tương xứng với những tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch của vùng. Đặc biệt, còn thiếu các giải pháp chính sách mang tính liên kết vùng để thu hút vốn đầu tư phát triển các loại hình du lịch đặc thù, các hình thức liên kết trong du lịch... trong bối cảnh vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho phát triển du lịch của vùng còn hạn chế.
Để giải quyết được vấn đề vốn cho đầu tư phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ trong bối cảnh toàn cầu hóa du lịch và địa phương hóa du lịch như hiện nay thì một trong những giải pháp quan trọng cần phải đẩy mạnh đó là xã hội hóa huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước.
Thu hút vốn đầu tư là các hoạt động của chủ thể ở các địa phương, vùng lãnh thổ (Chính phủ, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và dân cư địa phương hay vùng lãnh thổ), nhằm xúc tiến, kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện các dự án đầu tư (thực hiện hoạt động đầu tư vốn) hình thành vốn sản xuất trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Để có chính sách thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế bền vững, cần phân loại nguồn vốn đầu tư và đánh giá đúng tầm quan trọng của từng nguồn vốn. Ở góc độ chung nhất trong phạm vi một quốc gia, nguồn vốn đầu tư được chia thành 2 nguồn (Vốn đầu tư trong nước và nguồn vốn đầu tư nước ngoài).
Nguồn vốn đầu tư trong nước gồm có: Nguồn vốn nhà nước và nguồn vốn từ khu vực tư nhân. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài hình thành từ tiết kiệm của các chủ thể kinh tế nước ngoài và được huy động thông qua các hình thức: Viện trợ phát triển chính thức và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thực trạng huy động vốn đầu tư phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ
Kênh huy động vốn từ nguồn ngân sách nhà nước
NSNN là nguồn vốn đầu tư quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi vùng. Nguồn vốn này thường được sử dụng cho các dự án kết cấu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hỗ trợ cho các dự án của DN đầu tư vào lĩnh vực cần sự tham gia của Nhà nước, chi cho các công tác lập và thực hiện các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng, lãnh thổ.
Đối với chi NSNN cho phát triển du lịch tại các địa phương vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2011-2017 có một số kết quả nổi bật như: Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thời gian qua đã tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch cho các Khu du lịch quốc gia trên địa bàn Vùng (cụ thể như đường giao thông kết nối di tích Thành Nhà Hồ; hệ thống đường giao thông và tu bổ di tích Khu du lịch quốc gia Nam Đàn; hệ thống đường ven biển Đô thị du lịch Cửa Lò; đường kết nối Khu du lịch quốc gia Thiên Cầm; đường vào khu du lịch Lăng Cô…). Tính đến tháng 12/2016 đã có trên 800 nghìn tỷ đồng được đầu từ trong toàn vùng Bắc Trung Bộ, các hạng mục đầu tư tập trung vào đường giao thông kết nối với các khu du lịch quốc gia, đường giao thông ven biển, đường cấp điện cho các khu du lịch… Xét theo địa phương, tỉnh Hà Tĩnh là địa phương có tổng nguồn chi từ NSNN cho phát triển du lịch lớn nhất, với 148,8 tỷ đồng, tiếp theo là Thanh Hóa với 138,4 tỷ đồng. Địa phương có số chi từ NSNN cho phát triển du lịch thấp nhất trong vùng là Quảng Bình, với 117,9 tỷ đồng.
Kênh huy động vốn từ khu vực tư nhân
Nguồn vốn từ khu vực tư nhân bao gồm phần tiết kiệm của dân cư, phần tích lũy của các DN dân doanh, các hợp tác xã. Theo đánh giá sơ bộ, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước vẫn sở hữu một lượng vốn tiềm năng rất lớn mà chưa được huy động triệt để. Đối với nguồn đầu tư tư nhân cho phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2011-2016 cho thấy, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 9,75%/năm với tổng mức vốn đầu tư đạt 15.794 tỷ đồng. Xét theo các địa phương trong vùng cho thấy, tỉnh Nghệ An có tổng mức vốn đầu tư tư nhân cho du lịch cao nhất với 5.527 tỷ đồng, tỉnh Thừa Thiên - Huế đứng thứ 2 trong Vùng, khi đầu tư vào du lịch đạt 5.125 tỷ đồng ; tổng mức vốn đầu tư thấp nhất là tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị với tổng mức vốn đầu tư đạt trên 1 nghìn tỷ đồng.
Số liệu Bảng 1 cho thấy, nguồn đầu tư tư nhân có vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch Vùng, các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ đã có nhiều giải pháp, nhằm đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư tư nhân trong nước cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, so với nguồn lực rất lớn trong dân cư thì mức thu hút vốn đầu tư để phát triển du lịch trong Vùng hiện nay còn hạn chế. Các địa phương trong khu vực còn thiếu những chính sách thu hút mang tính liên kết vùng nên còn thiếu vắng các đầu tư vào các dự án liên kết, khai thác các khu, điểm du lịch liên vùng.
Kênh huy động vốn từ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài
So với nguồn vốn trong nước, nguồn vốn nước ngoài có ưu thế là bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, từ đó thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; là cầu nối quan trọng giữa kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới, thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) nâng cao khả năng cạnh tranh, đổi mới phương thức quản trị DN cũng như phương thức kinh doanh.
Trong gian đoạn 2010-2016, vùng Bắc Trung Bộ có 27 dự án đầu tư cho du lịch, trong đó tỉnh Thừa Thiên Huế có 17 dự án, Hà Tĩnh có 7 dự án, Quảng Bình có 2 dự án và Quảng Trị có 1 dự án, Thanh Hóa và Nghệ An không thu hút được dự án đầu tư nước ngoài. Về tổng mức vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt cao nhất là 271,03 triệu USD, chiếm 92% tổng số vốn đầu tư nước ngoài trong Vùng; Hà Tĩnh thu hút một số lượng dự án đầu tư vào khu du lịch biển tại các điểm du lịch Kỳ Anh, Cẩm Xuyên... các dự án này chủ yếu là của các nhà đầu tư từ Đài Loan, Trung Quốc và Hồng Kông, chủ yếu phục vụ cho chuyên gia, công nhân xây dựng Khu gang thép Formosa tại Khu công nghiệp Vũng Áng.
Từ thực tiễn trên cho thấy, Vùng Bắc Trung Bộ thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển du lịch vẫn còn hạn chế cả về số lượng và quy mô đầu tư; tỷ lệ các tỉnh thu hút hút vốn đầu tư còn thấp, không đồng đều, thậm chí nhiều tỉnh chưa thu hút được vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Quy mô các dự án đầu tư nhỏ, khai thác tiềm năng hạn chế, hầu hết các dự án tập trung vào khai thác tiềm năng di sản tại TP. Huế.
Giải pháp đẩy mạnh huy động vốn đầu tư phát triển du lịch Bắc Trung bộ
Để phát huy tiềm năng phát triển du lịch Bắc Trung Bộ, thời gian tới, để khai thác có hiệu quả thế mạnh tài nguyên du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, các địa phương trong vùng từng bước liên kết tạo điểm đến chung trên cơ sở hình thành chuỗi các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn để thu hút du khách, tiến tới mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và tổ chức quảng bá cho điểm đến chung. Để đạt được các mục tiêu này, cần tập trung các giải pháp tăng cường huy động vốn đầu tư phát triển du lịch đối với vùng này như sau:
Giải pháp chung
Thứ nhất, các địa phương cần phối hợp cùng nhau định vị du lịch Bắc Trung Bộ nhằm tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch. Tạo lập hình ảnh định vị cho Vùng là công việc khá khó khăn không chỉ đối với các địa phương trong cả nước mà ngay cả đối với hình ảnh định vị của quốc gia trong sự nhận thức của bạn bè thế giới. Các phương án định vị được đề cập tới thường là liên quan đến vấn đề văn hóa và rất ít chú trọng đến hình ảnh về kinh tế. Tuy nhiên, cho đến nay, trên cả phương diện quốc gia, Việt Nam chưa xây dựng được hình ảnh định vị chính thức. Do đó, thời gian tới các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ cần có kế hoạch định vị du lịch của từng địa phương cũng như của Vùng, coi đây là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch cũng như thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Thứ hai, các địa phương trong Vùng cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vốn đầu tư ngoài NSNN để phát triển du lịch Vùng. Với thông điệp là tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và thân thiện với nhà đầu tư phát triển du lịch, các tỉnh Bắc Trung Bộ cần tạo ra sự cân bằng lợi ích giữa địa phương và nhà đầu tư.
Các chính sách “giá” mà chính quyền địa phương có thể thực hiện nhằm hỗ trợ cho nhà đầu tư vào Vùng, bao gồm: Ban hành chính sách về hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật như đường giao thông, điện… có tính chất liên vùng; Thống nhất ưu đãi về chính sách thuế, phí, lãi suất cho các dự án du lịch trong khu vực; Có chương trình hợp tác về đào tạo, chia sẻ, nguồn nhân lực du lịch…
Thứ ba, các địa phương trong Vùng cần tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch. Để thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch có hiệu quả thì bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, cần nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư. Bên cạnh việc chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư cho từng địa phương thì cần tăng cường xúc tiến đầu tư liên tỉnh, xúc tiến đầu tư cho cả khu vực, nhằm tăng cường sức mạnh thu hút đầu tư.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là ưu tiên hàng đầu đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư du lịch trong Vùng. Để cải thiện môi trường đầu tư, nhằm thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch trong thời gian tới, các địa phương cần triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động du lịch của địa phương, vùng. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực, mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành, nghề và hình thức đào tạo; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ quản trị viên tại các DN du lịch, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên lễ tân, buồng, bàn... đáp ứng nhu cầu lao động cho các DN du lịch.
Giải pháp cho từng kênh huy động vốn
Một là, đối với nguồn vốn NSNN. Hàng năm, các địa phương đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính dựa trên kế hoạch ngân sách của cả nước có kế hoạch ưu tiên nguồn vốn NSNN cho đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng trọng điểm phát triển du lịch Vùng.
Đối với nguồn vốn từ ngân sách địa phương cần phân bổ cho phát triển hạ tầng các khu du lịch địa phương và khu du lịch có tiềm năng trên địa bàn. Khi xây dựng kế hoạch về chi NSNN cho phát triển du lịch các địa phương trong khu vực cần có thông tin, trao đổi thống nhất để tăng hiệu quả đầu tư, tránh chồng chéo, kém hiệu quả.
Hai là, đối với nguồn vốn xã hội hóa từ DN, cá nhân đầu tư cho du lịch. Trong thời gian tới, các địa phương trong Vùng cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong công tác đầu tư phát triển du lịch; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia góp vốn đầu tư dưới các hình thức khác nhau, đặc biệt có cơ chế thích hợp để thu hút nguồn vốn trong dân để đầu tư phát triển du lịch.
Ba là, cần có nhiều giải pháp thức đầu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ. Tiếp tục hoàn thiện chính sách ở những địa phương đã thu hút được các dự án trong thời gian qua như Thừa Thiên – Huế. Đặc biệt, đối với các địa phương chưa thu hút được dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài như Thanh Hóa, Nghệ An cần có chính sách đột phá để khai thông thế vướng mắc, tồn tại để thu hút vốn đầu tư cho phát triển du lịch của Vùng. Bên cạnh thu hút FDI, các địa phương trong vùng cũng cần quan tâm đến các nguồn vốn nước ngoài khác như ODA. Cần ưu tiên các nguồn vốn vay, nguồn vốn ODA của các nước thông qua các hiệp định.
Thông qua các kênh đối ngoại, ngoại giao khác nhau, các hiệp định thương mại để thu hút nguồn vốn ODA vào đầu tư cơ sở hạ tầng các khu vực trọng điểm, những nơi có yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn mà ngân sách, vốn của các nhà đầu tư trong nước không có khả năng tham gia. Thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức thương mại quốc tế, bà con Việt Kiều để tìm hiểu năng lực của các nhà đầu tư, tiếp xúc cung cấp thông tin, khuyến khích họ đầu tư...
Tài liệu tham khảo:
- Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, (2010-2016), Báo cáo tình hình phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa;
- Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An, (2010-2016), Báo cáo tình hình phát triển du lịch của tỉnh Nghệ An;
- Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, (2010-2016), Báo cáo tình hình phát triển du lịch của tỉnh Hà Tĩnh;
- Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình, (2010-2016), Báo cáo tình hình phát triển du lịch của tỉnh Quảng Bình;
- Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, (2010-2016), Báo cáo tình hình phát triển du lịch của tỉnh Quảng Trị.