Huy động, sử dụng các nguồn vốn đầu tưphát triển hạ tầng giao thông đường bộ
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đang được cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai mạnh mẽ. Việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn gắn với hoàn thiện cơ chế chính sách, các quy hoạch liên quan là các giải pháp quan trọng nhằm phát triển hạ tầng giao thông đường bộ trong thời gian tới.
Tình hình đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ
Sau hơn 10 năm kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của đất nước đã có những chuyển biến hết sức rõ nét. Mạng lưới đường bộ cao tốc đã hình thành với trên 2.000 km đi vào vận hành, nhiều chương trình, dự án quy mô lớn được đưa vào khai thác, vận hành, phát huy hiệu quả như các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên; các đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, Nội Bài – Lào Cai; Hà Nội – Hải Phòng… Việc đưa vào khai thác đoạn còn lại của dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt đánh dấu mốc hoàn thành toàn bộ 11 dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc lên 2.021 km. Đồng thời, hiện nay khoảng 1.716 km đường cao tốc đang được triển khai thi công xây dựng.
Các tuyến đường quốc lộ, đường ven biển, liên vùng đã được đầu tư, nâng cấp mở rộng đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển của nền kinh tế, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng; tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng; kết nối hiệu quả với các hành lang kinh tế của khu vực và thế giới.
Những thành tựu trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời gian qua đạt được là nhờ nguồn lực đầu tư được tập trung. Nhằm thực hiện mục tiêu chính trị về phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đã được Đảng, Nhà nước đề ra, với vai trò là thành viên Chính phủ, Bộ Tài chính quyết liệt triển khai các giải pháp thu ngân sách nhà nước để đáp ứng đủ nhu cầu vốn theo yêu cầu, trong đó nguồn tăng thu ngân sách trung ương luôn dành ưu tiên đã đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Trong giai đoạn 2021-2025, ngân sách trung ương đã ưu tiên dành nguồn lực lớn nhất cho lĩnh vực giao thông (khoảng 732.206 tỷ đồng, chiếm 43,7% tổng vốn ngân sách trung ương của cả nước), trong đó ưu tiên đặc biệt cho các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông, các dự án giao thông liên vùng, đường ven biển. Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cân đối bố trí thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông, các dự án giao thông liên vùng là 530.368,9 tỷ đồng, chiếm 57,3% tổng số vốn bố trí cho ngành giao thông vận tải của cả nước.
Ngoài nguồn lực từ ngân sách nhà nước, Chính phủ luôn có chủ trương thu hút các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam trên tinh thần “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”. Theo Báo cáo số 25/BC-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về tổng kết tình hình thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng. Thông qua đó, huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng đầu tư vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia (trong đó tập trung chủ yếu hạ tầng giao thông đường bộ).
Cùng với thu hút các nguồn lực, Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Về cơ chế, chính sách, một trong những chính sách nổi bật có thể kể đến như Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Theo đó, Nghị quyết cho phép thí điểm một số chính sách đặc thù như tỷ lệ vốn nhà nước tham gia các dự án PPP, phân cấp cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường bộ, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và một số chính sách khác nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về thể chế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông đường bộ.
Về chỉ đạo điều hành, ngày 23/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải. Theo đó, các Thành viên Ban Chỉ đạo (trong đó có lãnh đạo Bộ Tài chính) có nhiệm vụ tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai các Dự án theo chức năng, nhiệm vụ được giao; nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp, biện pháp thực hiện; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền và đề xuất các giải pháp để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đồng thời, Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ đã ban hành hàng loạt Chỉ thị, Công điện, thành lập hàng loạt các Tổ công tác nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai.
Để đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công các dự án giao thông đường bộ, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trên, Bộ Tài chính tích cực triển khai hàng loạt giải pháp. Ngay từ đầu kế hoạch năm, Bộ Tài chính đã có công văn đôn đốc phẩn bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước gửi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; định kỳ công khai chi tiết giải ngân các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý, các dự án sạt lở bờ sông biển sử dụng dự phòng ngân sách trung ương. Đồng thời, Bộ Tài chính đã yêu cầu hệ thống Kho bạc Nhà nước chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị sẵn sàng tiếp nhận giải ngân vốn được thuận tiện, nhanh chóng.
Dù đạt được nhiều kết quả rất tích cực nhưng việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc thực hiện mục tiêu cơ bản của Nghị quyết số 13-NQ/TW chưa đạt yêu cầu đề ra, chưa tạo được bước đột phá trong huy động nguồn lực đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sach để hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững; hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chưa đồng bộ, thiếu kết nối nội vùng, liên vùng và giữa các lĩnh vực hạ tầng; công tác đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và duy tu, sửa chữa các công trình kết cấu hạ tầng còn khó khăn, bất cập.
Qua đánh giá về một số tồn tại, hạn chế trong việc phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói riêng, Trung ương đã chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu như sau: Do nhận thức, năng lực, tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu còn hạn chế; Một số chính sách, pháp luật thiếu đồng bộ, chưa sát với thực tiễn và xu thế phát triển; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, hiệu quả; nguồn lực quốc gia còn hạn chế, chưa thu hút có hiệu quả nguồn lực ngoài nhà nước; Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa mang tính tổng thể và đồng bộ; công tác quản lý đầu tư, thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa hiệu quả.
Huy động, sử dụng các nguồn vốn cho hạ tầng giao thông đến năm 2030

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số” là một trong ba đột phá chiến lược, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường bộ có 29.795 km quốc lộ, 9.014 km đường cao tốc (đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc). Mục tiêu và ưu tiên đầu tư về kết cấu hạ tầng đường bộ là hình thành hệ thống đường cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các vùng kinh tế trọng điểm, cảng biển và cảng hàng không cửa ngõ quốc tế; từng bước nâng cấp các quốc lộ, phấn đấu xây dựng hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc bao gồm các trục giao thông Bắc – Nam (đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, một số đoạn của đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đường ven biển), các trục Đông – Tây quan trọng...
Căn cứ Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch vùng; quy hoạch quốc gia, dự báo nhu cầu vốn đầu tư công đầu tư hệ thống đường quốc lộ, cao tốc từ nay đến năm 2030 khoảng 846.000 tỷ đồng, trong đó: Thực hiện các dự án chuyển tiếp thuộc danh mục các dự án trọng điểm của các dự án đầu tư công khoảng 91.390 tỷ đồng; Hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh 487.590 tỷ đồng; Đầu tư các nút giao, tuyến kết nối với các tuyến cao tốc khoảng 153.292 tỷ đồng; Khởi công mới khoảng 113.728 tỷ đồng (đầu tư mới thêm khoảng 734km đường bộ cao tốc).
Ngoài ra, Chính phủ đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư để kêu gọi thu hút đầu tư một số dự án giao thông đường bộ theo phương thức đối tác công tư trong giai đoạn 2025-2030 như cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài, Dầu Giây – Liên Khương, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội… Tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 210.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư và hỗ trợ một phần chi phí xây dựng khoảng 95.000 tỷ đồng.
Để phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, nhóm giải pháp về huy động và sử dụng vốn cho các dự án giao thông đường bộ cần được tập trung triển khai. Theo đó, định hướng ưu tiên phân bổ vốn ngân sách nhà nước cho công trình, dự án quan trọng, tác động liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững và các công trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn hoặc khó thu hút đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội; tiếp tục huy động hợp lý nguồn vốn ODA, các khoản vay ưu đãi gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng; phát triển thị trường tài chính để cung ứng vốn, đa dạng hóa các chủ thể đầu tư, hình thức đầu tư tham gia thị trường vốn. Nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng, áp dụng linh hoạt trần nợ công gắn với khả năng trả nợ để tăng thêm nguồn lực, phát triển nhanh hệ thống hạ tầng giao thông tại Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030. Nghị quyết sẽ đóng vai trò quan trọng, ưu tiên đầu tư vào các công trình, dự án lớn, có tính liên vùng, liên quốc gia, quốc tế, mang tính lan toả, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng, quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại Việt Nam đến năm 2030 đã được Đảng, Nhà nước đề ra.
Đẩy mạnh giải ngân các dự án giao thông đường bộ
Ngày 08/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Theo đó, mục tiêu phấn đấu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc. Với đặc thù lĩnh vực giao thông (tập trung chủ yếu giao thông đường bộ) chiếm tỷ trọng vốn đặc biệt lớn trong cơ cấu ngành, lĩnh vực, yêu cầu về việc thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân cần đẩy mạnh. Cụ thể:
Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án, phấn đấu khởi công tất cả các công trình, dự án giao thông đường bộ đã được cấp có thẩm quyền giao, phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Thứ hai, tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch giải ngân từng tháng, quý chi tiết từng dự án: tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiên độ; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024 của tập thể, cá nhân.
Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phối hợp các địa phương trên địa bàn thực hiện dự án thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng; tính toán đầy đủ các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật phải di chuyển, để ưu tiên thực hiện trước, tránh xảy ra vướng mắc và phát sinh chi phí trong quá trình thực hiện; ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần mặt bằng đủ điều kiện, không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, dự án đường bộ cao tốc, trọng điểm, đường liên vùng.
Thứ tư, đẩy mạnh thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công trình dự án giao thông đường bộ sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý, hồ sơ nghiệm thu khối lượng hoàn thành gửi Kho bạc Nhà nước làm cơ sở kiểm soát, thanh toán và hoàn ứng theo quy định, không để tồn đọng khối lượng đã thực hiện nhưng không được thanh toán, không để dồn thanh toán vào cuối năm; hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết toán, giải ngân vốn đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Thứ năm, tăng cường giám sát việc chấp hành các quy định trong quản lý, giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường kiểm tra dự án để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Cùng với đẩy mạnh giải ngân, một trong những giải pháp chính yếu để tăng tốc, đột phá phát triển hạ tầng giao thông đường bộ là hoàn thiện về cơ chế, chính sách. Việc sửa đổi bổ sung các Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật PPP theo hướng tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; đa dạng hóa các nguồn lực; cho phép sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên bố trí cho các nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; tách công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án; sửa Luật PPP theo hướng mở rộng, tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, đa dạng hóa các lĩnh vực đầu tư... sẽ giúp phát triển hạ tầng giao thông.
Ngoài ra, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch đã được phê duyệt, cần tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến giao thông huyết mạch quan trọng kết nối trung tâm vùng, trọng điểm để thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ Giao thông vận tải cần chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương tiếp tục hoàn thiện quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có liên quan; tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ.
Tài liệu tham khảo:
- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;
- Kết luận số 72-KL/TW ngày 23/02/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại;
- Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị: Ban Dân vận Trung ương, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới (WB).