Huy động Trái phiếu Chính phủ sẽ thuận lợi

Theo Q. Nguyễn (Cafef)

Giải pháp cho huy động vốn, bao gồm cả việc tăng đàm phán với các tổ chức tài chính Quốc tế ở nước ngoài huy động thêm các nguồn vốn ưu đãi để đưa vào cân đối.

Theo Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Văn Giàu, huy động vốn đầu năm 2010 rất khó khăn. Có thời điểm cuối tháng Giêng vốn huy động ngân hàng giảm lên đến 3,2% tương đương 57.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên Chính phủ đã áp dụng một loạt các giải pháp, đặc biệt là ngân hàng có những giải pháp về lãi suất, tiền tệ, về tỷ giá. Tính đến hiện tại, tình hình huy động có triển vọng tốt hơn. Cụ thể, sau tết âm lịch đến nay hoạt động của các tổ chức tín dụng đã huy động được vốn tăng trở lại. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: “Có thời kỳ chúng ta nghe thanh khoản của nền kinh tế có khó khăn. Đến nay đã huy động tăng lại 1,04%, trong đó đặc biệt là tiền gửi dân cư đến hôm qua tăng 8%”.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp huy động cả ngoại tệ. Thông qua huy động ngoại tệ để huy động nguồn vốn này đáp ứng yêu cầu đầu tư.

Theo ông Vũ Văn Ninh, giải pháp cho huy động vốn có thể cả tăng việc đàm phán với các tổ chức tài chính Quốc tế ở nước ngoài để huy động thêm các nguồn vốn ưu đãi để đưa vào cân đối.

Ông Vũ Văn Ninh và ông Nguyễn Văn Giàu khẳng định trong những ngày qua việc phát hành trái phiếu của Chính phủ rất thuận lợi.

Ông Giàu nói: ”theo dự báo của chúng tôi với tình hình này thì diễn biến từ tháng 3, tháng 4, tháng 5 khả năng huy động trái phiếu của Bộ Tài chính phát hành sẽ thuận lợi”.

Về vấn đề khống chế trần lãi suất

Về huy động, theo ông Nguyễn Văn Giàu, đến nay mặt bằng thoả thuận trước đây của các tổ chức tín dụng và thông qua Hiệp hội ngân hàng (VNBA) huy động không quá 10,5%, với chỉ số vĩ mô Quốc hội định hướng CPI tăng không quá 7%, kết hợp với các công cụ điều hành của NHTW, SBV sẽ cố gắng đưa dần lãi suất của xã hội nói chung bám sát định hướng theo chỉ tiêu của Quốc hội đã thông qua, chỉ tiêu định hướng của CPI.

Việc khống chế lãi suất trần huy động, tinh thần chung việc các ngân hàng thoả thuận với nhau có mặt bằng huy động tối đa do VNBA thoả hiệp.

Về cho vay, SBV nhận định lãi suất cho vay thoả thuận hiện nay đối với các NHTM Nhà nước đang nằm ở mức 14% - 15% /năm và các NHTMCP phổ biến 16% - 17%/năm, cá biệt có NH đến 18% thậm chí có dự án cho vay cá biệt lên đến 19% - 20%. Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết: SBV đang xây dựng các giải pháp để điều hành công cụ chính sách tiền tệ, sẽ đưa giảm dần các lãi suất kể cả lãi suất huy động và kể cả lãi suất cho vay trong điều kiện CPI không quá 7% như Nghị quyết của Quốc hội.

Đến ngày 16/03 vừa qua tiền gửi tiết kiệm dân cư vào ngân tăng 80% so với cuối năm 2009.

Đối với vấn đề trái phiếu Chính phủ (TPCP), Phó chủ tịch Quốc Hội, ông Nguyễn Đức Kiên lưu ý mấy điểm như sau:

Thứ nhất, phải áp dụng nhiều biện pháp, phải áp dụng thời điểm thích hợp để đảm bảo huy động đủ số lượng TPCP mà Chính phủ đã đề nghị, Quốc hội đã cho phép nhằm đáp ứng kịp thời cho các mục tiêu đầu tư, thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010.

Thứ hai, phải chú ý tới tính ăn khớp giữa phát hành và phân giao vốn TPCP, có như vậy việc sử dụng nguồn vốn này mới có hiệu quả. Bởi vì vốn TPCP chính là vay thương mại phải trả lãi, cho nên phải chú ý không được để tồn ngân vốn TPCP trong quá trình quản lý, điều hành.

Thứ ba, tăng cường các biện pháp để quyết toán các công trình, dự án đã hoàn thành cũng là một nhân tố để thúc đẩy việc sử dụng nguồn vốn TPCP.

Vấn đề cuối cùng, việc phát hành trái phiếu là một biện pháp rất quan trọng để thu hút tiền về. Do đó cũng gây sức ép đến việc tăng giá tiêu dùng, cho nên giữa NHNN, BTC và các ngành hữu quan có sự phối hợp chặt chẽ để có những biện pháp huy động trái phiếu đạt được yêu cầu đặt ra.