Huy động vốn để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ngày nay, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trở thành yêu cầu tất yếu trong chiến lược của mỗi quốc gia, bởi khu vực DNNVV ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội của các nước. Để phát triển, DNNVV cần phải huy động vốn. Vì vậy, huy động vốn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý kinh tế, nhà quản trị DN. Bài viết đánh giáthực trạng phát triển DNNVV qua đó đề xuất một số giải pháp huy động vốn tại các DNNVV.
Đặt vấn đề
Vốn là yếu tố tiên quyết, là điều kiện cần và đủ để DN có thể duy trì hoạt động, phát triển. Xuất phát từ nhu cầu vốn cần huy động của DN, các phương thức cung ứng vốn và các hình thức huy động vốn đã ra đời như một tất yếu khách quan nhằm tăng quy mô tổng nguồn vốn của DN.
Thế mạnh của DNNVV là vốn đầu tư ban đầu thấp, thu hồi vốn nhanh, bộ máy tổ chức và quản lý gọn nhẹ, lĩnh vực sản xuất kinh doanh đa dạng, khả năng ứng biến linh hoạt trước những biến động của thị trường…
Tuy nhiên, DNNVV đang bộc lộ những hạn chế xuất phát từ quy mô nhỏ và vừa, năng lực tài chính yếu nên gặp bất lợi trong cạnh tranh đồng thời dễ bị "tổn hại" khi có biến động xảy ra. Thiếu vốn và khó khăn trong huy động vốn để phát triển là vấn đề nổi cộm đang đặt ra của nhiều DNNVV, là bài toán nan giải cần được tháo gỡ từ chính mỗi DNNVV, các tổ chức cung ứng vốn và các cơ quan quản lý nhà nước. Xuất phát từ những vấn đề trên, bài viết này nghiên cứu thực trạng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đóđề xuất một số giải pháp nhằm huy động vốn tại các DNNVV.
Thực trạng huy động vốn để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trong những năm gần đây, DNNVV ở nước ta phát triển nhanh về sốlượng. Để hoạt động và phát triển, DNNVV đã đẩy mạnh huy động vốn để tăng quy mô tổng nguồn vốn.
Huy động vốn chủ sở hữu để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Huy động vốn chủ sở hữu (VCSH) để phát triển DNNVV là hoạt động của chủ DN trong việc tiếp nhận, thu hút tối đa nguồn vốn từ các bộ phận cấu thành VCSH nhằm tăng quy mô VCSH, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động và phát triển của DNNVV. Tăng VCSH sẽ làm tăng tính tự chủ trong mọi hoạt động kinh doanh, tăng lợi nhuận tạo cơ hội để phát triển DNNVV.
Đồng thời, khi DNNVV phát triển không chỉ tăng lợi nhuận để bổ sung tăng VCSH, mà còn tăng khả năng cho DNNVV huy động tăng nợ phải trả, tăng quy mô tổng nguồn vốn để phát triển DNNVV... Đó là quá trình liên hoàn, biện chứng của mối quan hệ giữa huy động vốn và phát triển DNNVV. Trong những năm gần đây, quy mô VCSH của DNNVV ngày càng tăng góp phần tăng quy mô vốn để phát triển.
Bảng 1 cho thấy, giai đoạn 2011-2021, VCSH của DNNVV ngày càng tăng. Nếu so sánh năm 2021 với năm 2011: quy mô VCSH của DNNVV tăng 306,68%. Tuy nhiên, năm 2015 quy mô VCSH của DNNVV giảm sút so với năm 2014, do giai đoạn 2011- 2012 nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, lãi suất và lạm phát tăng, VCSH của DNNVV chiếm tỷ trọng cao sẽ giúp các DN giảm gánh nặng lãi vay; sang giai đoạn 2013 - 2014, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, lãi suất giảm mạnh, đồng thời với hàng loạt chính sách của Chính phủ hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn vay, song tỷ trọng VCSH vẫn cao cho thấy, chính sách hỗ trợ lãi suất và cho vay ưu đãi không tác động đáng kể đến cơ cấu nguồn vốn của DNNVV.
Điều này được lý giải bởi, khi hàng tồn kho tăng cao, sức mua giảm, sản xuất bị thu hẹp thì nhu cầu huy động vốn từ các khoản nợ phải trả của DN giảm và khi đó DN duy trì hoạt động chủ yếu dựa vào VCSH, nên tỷ trọng VCSH cao. Trong các năm 2021, 2020 quy mô VCSH giảm hơn so với năm 2019. Nguyên nhân có thể là do trong giai đoạn này DNNVV chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19.
Huy động nợ phải trả để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Các khoản nợ phải trả của DNNVV là số tiền DN đi vay nhằm bổ sung phần thiếu hụt vốn và các khoản nợ phải trả phát sinh trong các quan hệ giao dịch thanh toán. Các khoản nợ phải trả của DNNVV gồm: Nợ vay ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính; Nợ phải trả nhà cung cấp; Nợ trái phiếu DN; Nợ có tính chu kỳ; Một số khoản nợ khác.
Giai đoạn 2011 - 2020, nhiều DNNVV có tiềm lực tài chính yếu, gặp khó khăn trong huy động vốn. Trong nền kinh tế thị trường, vốn là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi DN. Trong khi đó các tổ chức tài chính thường ưu tiên cho vay các DN có tài sản thế chấp để đảm bảo an toàn tín dụng, điều này đã tạo ra một rào cản trong huy động vốn để phát triển DNNVV.
Giai đoạn 2011 - 2021, DNNVV có hệ số nợ khá thấp (48,2% < hệ số nợ < 53,2%), cụ thể, năm 2011: 53,2%, năm 2015: 49,8%, năm 2019: 48,5%, năm 2020: 50,4% và năm 2021: 50,6% là mức nợ thấp và an toàn. Như vậy, hệ số nợ thấp cho thấy DNNVV sử dụng nợ ít hơn VCSH để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh của DN. Tuy nhiên, hệ số nợ thấp trong bối cảnh nhiều DNNVV thiếu vốn và khó khăn trong huy động các nguồn vốn phản ánh thực trạng huy động vốn từ các khoản nợ phải trả chưa hiệu quả, DN chưa khai thác tốt các nguồn tài trợ nhằm tăng nợ phải trả, tăng quy mô tổng nguồn vốn để phát triển DNNVV.
Giải pháp huy động vốn để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hiện nay, thiếu vốn và khó khăn trong huy động vốn là vấn đề “nổi cộm” đặt ra đối với phát triển DNNVV. Tháo gỡ các “rào cản” trong huy động vốn nhằm đẩy mạnh huy động vốn để phát triển DNNVV là vấn đề cấp thiết của mỗi DNNVV nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Theo tác giả, giải pháp hoàn thiện huy động vốn để phát triển DNNVV cần thực hiện từ hai nguồn: Huy động VCSH và huy động nợ phải trả. Cụthể:
Huy động vốn chủ sở hữu
Huy động tăng thêm vốn góp của chủ sở hữu, huy động tăng thêm VCSH từ lợi nhuận để lại sau thuế và huy động tăng VCSH bằng phát hành thêm cổ phiếu từ chính các cổ đông hiện hữu.
Để DNNVV có thể tăng thêm VCSH từ lợi nhuận sau thuế, DN nhất thiết phải hoạt động kinh doanh có lãi. Chỉ khi kinh doanh có lãi, DNNVV mới có thể giữ lại một phần lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư bổ sung tăng VCSH, đồng thời một phần lợi nhuận được dùng để mở rộng các quỹ của DN. Các quỹ là nguồn để bổ sung tăng VCSH. Việc DNNVV giữ lại một phần lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư không chỉ làm tăng VCSH của DN mà còn giảm chi phí sử dụng vốn, bởi nguồn vốn chủ sở hữu DN được toàn quyền sử dụng mà không bị áp lực về thời gian và các điều kiện trả nợ hay trả lãi vay, tuy nhiên DN phải đạt lợi nhuận trên VCSH lớn hơn lãi suất DN đi vay của ngân hàng thương mại.
Để tăng VCSH từ lợi nhuận sau thuế, các DNNVV dù hoạt động theo loại hình nào, trong lĩnh vực nào cũng phải nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm các khoản chi phí để tăng lợi nhuận từ đó bổ sung tăng vốn chủ sở hữu, có nghĩa phải phát triển DNNVV. Bên cạnh đó, DNNVV huy động tăng VCSH từ phát hành thêm cổ phiếu từ chính các cổ đông hiện hữu, tăng quy mô vốn để phát triển.
Ngoài ra, DNNVV tăng VCSH bằng kết nạp thêm thành viên mới thông qua xây dựng phương hướng hoạt động kinh doanh nhằm thu hút các nhà đầu tư hoặc phát hành thêm cổ phiếu mới bán ra ngoài DN hoặc tăng cường hợp tác, liên kết nhằm tăng quy mô vốn đáp ứng đủ “cầu” vốn để hoạt động và phát triển.
Huy động nợ phải trả
Trên thực tế, không một DNNVV nào có đủ VCSH cho hoạt động kinh doanh mà đều phải huy động vốn từ các nguồn cung ứng vốn trong nền kinh tế hình thành nợ phải trả. Hiện nay, VCSH của DNNVV hạn chế, khả năng huy động tăng VCSH không dễ dàng, bởi vậy, phải huy động tăng nợ phải trả, tăng quy mô nguồn vốn để hoạt động và phát triển. Cơ cấu nợ phải trả phản ánh năng lực hiện thực của DNNVV trong huy động các nguồn vốn cung ứng trong nền kinh tế, đồng thời phản ánh khó khăn khi huy động mỗi nguồn vốn của DNNVV.
Để tăng quy mô nợ phải trả từ đó tăng quy mô tổng nguồn vốn để hoạt động và phát triển, DNNVV cần thực hiện các giải pháp như: (i) DN chủ động xây dựng kế hoạch huy động các khoản nợ phải trả phù hợp đáp ứng mục tiêu phát triển DNNVV; (ii) DNNVV huy động tăng nợ phải trả, cần chủ động chuẩn bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu của các tổ chức cung ứng vốn. DNNVV tích cực áp dụng các nguyên tắc quản trị DN hiện đại nhằm tăng khả năng huy động nợ phải trả để phát triển; (iii) DNNVV nâng cao năng lực, kỹ năng huy động vốn từ các kênh cung ứng vốn trong nền kinh tế nhằm tăng nợ phải trả, tăng quy mô vốn để phát triển; (iv) DNNVV chủ động nghiên cứu nhằm tận dụng tối đa cơ hội pháp lý và các quy định hiện hành để đảm bảo quyền lợi của DN khi huy động vốn.
Kết luận
Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường, tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, hiện nay, DNNVV đang gặp những rào cản, khó khăn, nhiều DNNVV thiếu vốn và khó khăn trong huy động vốn. Để DNNVV có thể nâng cao năng lực huy động VCSH và nợ phải trả nhằm tăng quy mô tổng nguồn vốn để phát triển, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp từ chính mỗi DNNVV, các tổ chức cung ứng vốn.
Trong đó, DNNVV là chủ thể huy động vốn cần tích cực cải cách, đổi mới từ bên trong để xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực quản trị DN, minh bạch hoạt động tài chính, chủ động đẩy mạnh huy động VCSH và nợ phải trả nhằm tăng quy mô nguồn vốn để phát triển. Các tổ chức cung ứng vốn cần đổi mới tư duy hướng tới đối tượng phục vụ là DNNVV để cùng “tồn tại và phát triển”; đổi mới phương thức hoạt động kinh doanh, từng bước tháo gỡ các “rào cản” cho DNNVV trong tiếp cận, huy động vốn.
Tài liệu tham khảo:
- Tổng cục Thống kê (2020), “Sách trắng doanh nghiệp”;
- Tổng cục Thống kê (2021), “Sách trắng doanh nghiệp”;
- Nguyễn Đình Hương (2002), “Giải pháp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam”, NXB. Chính trị quốc gia;
- Hồ Xuân Phương (2002), “Tài chính hỗ trợ phát triển các DN vừa và nhỏ”;
- https://cafef.vn.
(*) Bùi Thị Thu Mỹ - Trường Đại học Tài chính – Kế toán
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 5/2022