Huy động vốn qua trái phiếu chính phủ: Tiếp tục tập trung vào kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên
Kho bạc Nhà nước cho biết, công tác huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển thông qua phát hành trái phiếu chính phủ tới đây sẽ được tập trung vào kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên và tiếp tục phát hành theo phương thức đấu thầu.
Theo báo cáo từ Kho bạc Nhà nước (KBNN), thời gian qua, công tác huy động vốn được Bộ Tài chính chỉ đạo, điều hành theo hướng bám sát tình hình thu, chi ngân sách trung ương (NSTW) và kế hoạch trả nợ gốc vay để điều hành khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ phù hợp trong từng thời điểm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu chi và tiết kiệm chi phí vay nợ.
Theo đó, KBNN đã thực hiện phát hành trái phiếu chính phủ theo phương thức đấu thầu qua Sở Giao dịch chứng khoán để đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh lãi suất. Đồng thời, tập trung phát hành trái phiếu chính phủ có kỳ hạn trên 5 năm để thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về tái cơ cấu ngân sách và nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn vay, đảm bảo danh mục nợ an toàn, bền vững.
Đến giữa tháng 10 vừa qua, tổng khối lượng huy động trái phiếu chính phủ là 244.427 tỷ đồng, đạt 65,5% kế hoạch năm 2021 (373.000 tỷ đồng). Trong đó, 100% trái phiếu chính phủ được phát hành theo phương thức đấu thầu và có kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên đến 30 năm.
Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân 13,26 năm; kỳ hạn còn lại bình quân danh mục trái phiếu chính phủ là 9,06 năm; lãi suất phát hành bình quân 2,26%/năm.
Tuy nhiên, theo KBNN, trong thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN luôn có sự không khớp giữa nhu cầu và khả năng huy động vốn cho NSNN. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm chậm và dồn vào thời điểm cuối năm. Ngược lại, khả năng huy động vốn lại thuận lợi trong những tháng đầu năm (có thể vay với khối lượng lớn, lãi suất thấp), nhưng thường khó khăn vào thời điểm cuối năm (khối lượng có thể vay thấp, lãi suất cao).
Kho bạc Nhà nước cho biết, thời gian tới đây, công tác huy động vốn tiếp tục được tổ chức theo phương thức đấu thầu TPCP nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của công tác vay nợ Chính phủ.
Việc huy động vốn sẽ tiếp tục được tập trung vào kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên. Trường hợp thị trường không thuận lợi, huy động kỳ hạn dài khó khăn, Bộ Tài chính mở thêm các kỳ hạn dưới 5 năm nhưng vẫn đáp ứng mục tiêu kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đạt từ 9 - 11 năm theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.
Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ đánh giá khả năng sử dụng ngân quỹ nhà nước cho NSTW vay để giảm khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ nhưng vẫn đảm bảo an toàn thanh khoản của KBNN./.
Đến giữa tháng 10 vừa qua, tổng khối lượng huy động trái phiếu chính phủ là 244.427 tỷ đồng, đạt 65,5% kế hoạch năm 2021 (373.000 tỷ đồng). Trong đó, 100% trái phiếu chính phủ được phát hành theo phương thức đấu thầu và có kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên đến 30 năm.