Triển khai thu thập thông tin Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 tại Hà Nội

Thu Hường

Ngay sau Lễ Ra quân Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 (TĐTNN 2025) vào ngày 1/7/2025, 5 xã mới sau sáp nhập của huyện Sóc Sơn cũ (Hà Nội) đã đồng loạt triển khai thu thập thông tin tại địa bàn.

Đoàn Giám sát Trung ương kiếm tra tiến độ thực hiện TĐT nông thôn, nông nghiệp tại xã Trung Giã, Hà Nội.
Đoàn Giám sát Trung ương kiếm tra tiến độ thực hiện TĐT nông thôn, nông nghiệp tại xã Trung Giã, Hà Nội.

Thu thập thông tin đồng loạt trên 433 địa bàn

Trong đợt Tổng điều tra này, 5 xã mới sau sáp nhập của huyện Sóc Sơn cũ (Hà Nội) gồm Sóc Sơn, Kim Anh, Trung Giã, Nội Bài, Đa Phúc có 433 địa bàn điều tra, với 87.087 hộ dân, trong đó có 63.687 hộ có hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 73,13% tổng số hộ. Đây là nhóm hộ trọng tâm được phỏng vấn, thu thập thông tin chi tiết về sản xuất, đất đai, hạ tầng, thu nhập, kỹ thuật, tổ chức sản xuất…

Bắt đầu từ sáng ngày 1/7/2025, các điều tra viên và tổ trưởng đến từng hộ dân để phỏng vấn trực tiếp bằng thiết bị di động thông minh, sử dụng phiếu điện tử theo đúng quy trình kỹ thuật. Tính đến 17h ngày 9/7/2025, tiến độ thu thập thông tin tại 5 xã đã ghi nhận kết quả bước đầu khá tích cực: Phiếu số 02/TĐTNN-HTB (Hộ toàn bộ): 13.149 phiếu, đạt 20,7% kế hoạch; Phiếu số 03/TĐTNN-HM (Hộ mẫu): 13/285 phiếu, đạt 4,6%; Phiếu số 04/TĐTNN-TT (Trang trại): chưa có kết quả; Phiếu số 06/TĐTNN-XA (Xã): 26 phiếu, đạt 100%.

Tổ chức tốt, giám sát sát sao ngay từ những ngày đầu

Trước ngày 1/7/2025, Ban Chỉ đạo các xã đã tổ chức họp quán triệt nhiệm vụ, phân công điều tra viên và tổ trưởng cụ thể theo từng địa bàn.

Điều tra viên được yêu cầu chủ động thông báo tới hộ dân, hẹn thời gian phỏng vấn phù hợp, nhất là với các hộ thường xuyên đi làm xa hoặc vắng nhà.

Việc thu thập thông tin không chỉ gắn với trách nhiệm cá nhân điều tra viên mà còn được giám sát chặt chẽ.

 Triển khai thu thập thông tin Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 tại Hà Nội - Ảnh 1

Các giám sát viên trực tiếp dự phỏng vấn, kiểm tra phiếu, đồng thời sử dụng phần mềm điều hành để chạy lỗi logic, phát hiện sai sót và thông báo kịp thời cho điều tra viên chỉnh sửa ngay trong ngày.

Đáng chú ý, việc sử dụng nhóm Zalo chuyên môn giữa Ban Chỉ đạo xã và giám sát viên, điều tra viên giúp kết nối nhanh, xử lý tình huống linh hoạt, tiết kiệm thời gian và tối ưu công tác điều hành.

Tuy nhiên, công tác thu thập thông tin trên địa bàn cũng gặp không ít thách thức. Một số điều tra viên bỏ cuộc giữa chừng do không được thanh toán chế độ tham gia tập huấn, hoặc thiết bị không đủ điều kiện. Phiếu điều tra phức tạp, số lượng chỉ tiêu nhiều, trình độ điều tra viên chưa đồng đều. Mạng lưới hệ thống phần mềm đôi lúc có trục trặc, ảnh hưởng đến việc đồng bộ dữ liệu. Ngoài ra, một bộ phận người dân chưa hiểu rõ mục đích điều tra, gây khó khăn cho việc tiếp cận và phỏng vấn hộ.

 Triển khai thu thập thông tin Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 tại Hà Nội - Ảnh 2

Dù vậy, Ban Chỉ đạo và các lực lượng điều tra viên, giám sát viên vẫn kiên trì, linh hoạt xử lý, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong suốt quá trình thực hiện.

Với quyết tâm cao, các xã trên đang nỗ lực đảm bảo mỗi phiếu thông tin là một dữ liệu trung thực, góp phần đánh giá toàn diện sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân, phục vụ hiệu quả công tác hoạch định chính sách tại địa phương trong giai đoạn phát triển mới.