IMF cảnh báo nợ công toàn cầu vượt GDP
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra cảnh báo, nợ công toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục 100 nghìn tỷ USD lần đầu tiên trong năm 2024, khiến triển vọng tài chính của nhiều quốc gia thậm chí “tệ hơn dự kiến”.
Báo cáo Giám sát Tài chính mới nhất của IMF cho thấy, các xu hướng chính trị hiện tại ủng hộ tăng cường chi tiêu công, trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến nhu cầu vay và chi phí liên quan cũng tăng theo.
Trong báo cáo mới nhất, IMF cho biết, nợ công toàn cầu sẽ tương đương 93% GDP toàn cầu trong năm nay và lên gần 100% GDP vào năm 2030, cao hơn 10% so với năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Được công bố 1 tuần trước khi cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại thủ đô Washington của Mỹ, báo cáo cảnh báo nợ công toàn cầu có thể tăng cao hơn dự kiến trong bối cảnh chính phủ các nước tìm cách tăng chi tiêu, đặc biệt là Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bà Era Dabla-Norris, Phó Giám đốc Bộ phận Tài chính của IMF cảnh báo gánh nặng nợ này dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai bởi áp lực chi tiêu để giải quyết các vấn đề như chuyển đổi xanh, già hóa dân số, an ninh và những thách thức phát triển lâu dài ngày càng gia tăng.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, tăng trưởng yếu, điều kiện tài chính thắt chặt và bất ổn chính sách tài chính và tiền tệ ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc có thể khiến nợ công tăng vọt. Theo đó, trong trường hợp xấu nhất, nợ công toàn cầu có thể vượt GDP, tăng lên mức 115% GDP vào năm 2026, cao hơn 20% so với dự báo ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, các yếu tố toàn cầu ngày càng thúc đẩy sự biến động trong chi phí vay của các chính phủ, cho thấy mức nợ cao ở các quốc gia chủ chốt có thể làm tăng biến động của lợi suất trái phiếu chính phủ và rủi ro nợ đối với các quốc gia khác. IMF cho biết, việc điều tiết lạm phát và cắt giảm lãi suất ở nhiều nền kinh tế có nghĩa hiện tại là thời điểm "thích hợp" để các quốc gia xây dựng lại bộ đệm tài chính của mình.
IMF tái khẳng định lời kêu gọi các chính phủ phải siết chặt chi tiêu công, cho rằng tình hình kinh tế hiện tại với tăng trưởng vững chắc và tỷ lệ thất nghiệp thấp là điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, IMF khẳng định những nỗ lực hiện tại là chưa đủ để giảm hoặc giữ ổn định nợ./.