IMF đã kêu gọi được 100 tỷ USD cho quỹ khí hậu và nghèo đói


Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva thông báo các quốc gia giàu đã đạt được mục tiêu phân bổ lại 100 tỷ USD trong các quỹ của tổ chức này để ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng nghèo đói tại các nước đang phát triển.

Biến đổi khí hậu khiến cuộc sống của người dân châu Phi càng trở nên khó khăn.
Biến đổi khí hậu khiến cuộc sống của người dân châu Phi càng trở nên khó khăn.

Nguồn vốn cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 22/6 cho biết, các nước giàu đã thực hiện được mục tiêu tái phân bổ 100 tỷ USD nguồn vốn từ thể chế này cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo ở các nước đang phát triển.

Tại một cuộc thảo luận bàn tròn trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới tại Paris (Pháp), bà Georgieva thông báo: "Chúng tôi đã đạt được mục tiêu, và thực sự đã có 100 tỷ USD”. Bà cho biết, trước hội nghị thượng đỉnh này, IMF vẫn cần thêm 40 tỷ USD nữa để đạt được mục tiêu nói trên.

Theo kế hoạch này, được công bố lần đầu vào năm 2019, các nước giàu sẽ tái phân bổ 100 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF cho các nền kinh tế dễ bị tổn thương.

Ý tưởng được đưa ra là các nước giàu sẽ cho IMF vay lượng SDR này, và IMF sau đó sẽ cho các nước đang phát triển vay lại. Kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối từ một số nước châu Âu. Trước khi hội nghị diễn ra, Pháp và Nhật Bản cho biết sẽ dành 30% lượng SDR của mình cho mục đích này.

SDR là tài sản dự trữ quốc tế do IMF tạo ra để bổ sung vào nguồn dự trữ chính thức của các nước thành viên, và được phân bổ dựa trên sự đóng góp của các nước cho IMF.

Nhu cầu tài chính vẫn cần rất lớn

Hiện nhu cầu tài chính cho khí hậu là rất lớn. Liên Hợp Quốc cho rằng, thế giới cần phân bổ 1.000 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2030 cho các nước đang phát triển ngoài Trung Quốc để đối phó với khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học.

Trong khi tổ chức Oxfam ước tính rằng, 27 nghìn tỷ USD sẽ phải được huy động để "chống đói nghèo, bất bình đẳng và biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển" từ nay đến năm 2030, tức là khoảng 3,9 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Ngân hàng Thế giới đưa ra ước tính thậm chí còn cao hơn. Theo đó, thế giới sẽ cần 4.000 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2030 để xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển.

Nhu cầu tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu là vô cùng lớn và cấp thiết, bởi vì cứ mỗi giây phút trôi qua, con người lại càng chậm chân hơn trong cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu và thiệt hại không chỉ là kinh tế, tài chính mà là cả sinh mạng. Đóng góp, cải cách các nguồn tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên cấp thiết.

Ông Navid Hanif - Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc: "Hệ thống tài chính quốc tế hiện tại không cung cấp nguồn tài chính ổn định và hợp lý trong dài hạn cần thiết để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững và chống lại biến đổi khí hậu. Điều này do nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là do bối cảnh kinh tế đã thay đổi, bản chất của thị trường đã thay đổi, những rủi ro đã thay đổi. Tình trạng bất bình đẳng gia tăng và tình trạng khẩn cấp về khí hậu".

Ông John Kerry - Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu: "Không thể chối cãi rằng khủng hoảng khí hậu là một trong những mối đe dọa an ninh hàng đầu, không chỉ đối với thế giới phát triển mà còn đối với toàn bộ hành tinh, đối với chính sự sống trên hành tinh.

Cuộc khủng hoảng này đã khiến các quốc gia thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm, mà chúng ta chi kinh phí thậm chí không phải để ngăn chặn vào thời điểm này, mà chỉ để dọn dẹp mớ hỗn độn".

Theo Anh Thư/kinhtemoitruong.vn