Đêm qua 27/8, sau thông tin bà Christine Lagarde bị tòa án Pháp chính thức đặt dưới sự điều tra chính thức, cơ quan đang hoạt động dưới sự lãnh đạo của bà là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã từ chối bình luận thêm về sự việc này.
Người phát ngôn của IMF - ông Gerry Rice cho biết: "Bà Tổng giám đốc (Christine Lagarde) đã trình bày về vấn đề này. Bà hiện đang trên đường trở về Washington (nơi đặt trụ sở chính của IMF) và sau đó sẽ thông báo một cách rõ ràng cho Hội đồng quản trị (của IMF) ngay khi có thể".
"Cho tới lúc đó, chúng tôi không có bình luận nào thêm", ông Gerry Rice cho biết thêm.
Mặc dù đang bị điều tra về tội "lơ là trách nhiệm", nhưng bà Lagarde cho biết không có chuyện sẽ từ chức vị trí lãnh đạo tại IMF mà bà đã tiếp quản sau sự ra đi của người tiền nhiệm - ông Dominique Strauss-Kahn hồi tháng 7/2011 sau một vụ án liên quan đến bê bối tình dục.
Bà Lagarde là cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp bị điều tra do cáo buộc gian lận chính trị xung quanh vai trò và phương thức giải quyết của bà trong vụ tranh chấp giữa tỷ phú Bernard Tapie và ngân hàng Crédit Lyonnais. Khi đó, bà Lagarde là Bộ trưởng Tài chính Pháp dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy và là người chỉ định nhóm trọng tài giải quyết vụ tranh chấp. Còn Tapie cũng là người thân cận của ông Sarkozy và được xử thắng kiện 403 triệu euro trong vụ án tranh chấp với Ngân hàng CréditLyonnais về thương vụ mua bán cổ phiếu Adidas năm 1993.
Trước khi bị điều tra chính thức vào hôm qua 27/8, bà Lagarde đã được triệu tập và thẩm vấn tại Paris nhưng với tư cách là “nhân chứng hỗ trợ” cho cuộc điều tra. Về mặt pháp lý, tư cách này ít nghiêm trọng hơn so với việc bị đặt dưới một cuộc điều tra chính thức như hiện tại. Theo luật của Pháp, hình phạt tối đa đối với tội “lơ là trách nhiệm” trong thi hành công vụ là 1 năm tù và 15.000 euro.