IPO Viện Dệt May: Lượng đặt mua gấp 7 lần lượng chào bán
Theo thông báo từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), có 21 nhà đầu tư đăng ký tham gia mua cổ phần Viện Dệt May, với tổng lượng cổ phần đặt mua hơn 14,3 triệu cổ phần, gấp 7 lần số cổ phần đem ra chào bán, trong đó có 4 tổ chức đăng ký mua 6,3 triệu cổ phần, 17 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua 8 triệu cổ phần.
Viện Dệt May sẽ chào bán đấu giá công khai 2,26 triệu cổ phần, tương đương với 45,25% vốn, với giá khởi điểm là 12.583 đồng/cổ phần tại HNX.
Phiên đấu giá dự kiến tổ chức vào ngày 12/3, nếu đấu giá thành công Viện Dệt May sẽ thu về tối thiểu 28 tỷ đồng.
Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ của Viện Dệt May sẽ là 50 tỷ đồng.
Viện Dệt may sẽ chào bán công khai 45,26% cổ phần; bán 2,26 triệu cổ phiếu, ứng với 45,26% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư chiến lược.
Phần còn lại 474.000 cổ phiếu được chào bán cho người lao động (chiếm 9,48% vốn). Như vậy, sau cổ phần hóa nhà nước sẽ không nắm giữ cổ phần nào tại Viện Dệt May.
Tại Hà Nội, Viện Dệt May có hai khu đất tại số 478 Minh Khai (diện tích 2.851 m2) và ngõ 454/24 Minh Khai (diện tích 5.311 m2).
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Dệt may có khu đất tại 354/128A Trần Hưng Đạo, quận 1 với diện tích gần 2.220 m2.
Các khu này đều đang được sử dụng làm văn phòng, trung tâm thí nghiệm, nghiên cứu và xưởng thực nghiệm.
Theo TS. Nguyễn Văn Thông, Viện trưởng Viện Dệt May khẳng định, sau cổ phần hóa, phần đất do Viện sở hữu phải sử dụng vào mục đích nghiên cứu khoa học, không phải mục đích cho thuê, kinh doanh thương mại
Năm 2017, tổng doanh thu của Viện Dệt May đạt gần 57 tỷ đồng, trong đó doanh thu hoạt động tự chủ đạt gần 47 tỷ đồng, còn lại là doanh thu từ đề tài và dự án thử nghiệm hơn 10 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 608 triệu đồng. Giảm lần lượt 26% và 45% so với năm 2016.
Viện Dệt May lên kế hoạch doanh thu đạt 49 tỷ đồng năm 2018, 55 tỷ đồng năm 2019 và 61 tỷ đồng năm 2020.
Lợi nhuận sau thuế năm 2018 dự tính của Viện Dệt may chỉ 47 triệu đồng năm 2018, tăng lên 187 triệu 2019 và 891 triệu đồng năm 2022.