JTI Việt Nam góp sức trồng rừng chống sa mạc hóa ở Bình Thuận
Ngày 31/05 vừa qua, đội ngũ nhân viên của JTI Việt Nam đã trồng hơn 750 cây gỗ bản địa, góp phần phủ xanh 0,6 héc-ta đất cát và đồi cát bay tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu của tỉnh Bình Thuận. Hoạt động được thực hiện với sự phối hợp của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên GAIA.
Những loài cây được trồng đều là giống cây bản địa, có khả năng chịu hạn và thích nghi với điều kiện đất cát như gõ mật, nhãn rừng, dầu cát, cóc chuột, me cút, cóc cà na. Để giúp cây có thể phát triển tốt, mỗi hố cây đều được bón bổ sung phân vi sinh và các hạt tích nước bằng tinh bột, có khả năng dự trữ nước cao. Diện tích rừng mới trồng cũng sẽ được GAIA và Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu giám sát chặt chẽ, tưới nước và chăm sóc để giúp cây bén rễ chắc chắn và phát triển mạnh mẽ.
Hoạt động trồng rừng của JTI Việt Nam cũng góp phần đóng góp cho nỗ lực chung trong việc chống lại hiện tượng sa mạc hóa đang diễn ra rất nhanh và nghiêm trọng ở tỉnh Bình Thuận. Đây là tỉnh có tốc độ sa mạc hóa đất đai nhanh nhất ở Việt Nam do tác động của biến đổi khí hậu. Theo thống kê, 11% diện tích tự nhiên của tỉnh Bình Thuận (khoảng 80.000ha) đã bị sa mạc hóa. Mất rừng và lấn chiếm đất rừng cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu thúc đẩy hiện tượng sa mạc hóa diễn ra nhanh hơn ở Bình Thuận.
Theo Cục Lâm nghiệp, năm 2021, Việt Nam có tổng diện tích đất bị thoái hóa là 11,838 triệu ha, chiếm khoảng 35,74% tổng diện tích tự nhiên của cả nước; trong đó 1,207 triệu ha bị thoái hóa nặng, 3,787 triệu ha bị thoái hóa trung bình và 6,844 triệu ha bị thoái hóa nhẹ. Ngoài những vùng đất bị hoang mạc hóa, nhiều dải cát ven biển Việt Nam còn bị hiện tượng sa mạc hóa cục bộ, tập trung từ tỉnh Quảng Bình đến Bình Thuận với diện tích khoảng 419.000ha. Trong gần 40 năm qua, sự di chuyển của các đụn cát đã làm cho quá trình hoang mạc hoá càng diễn ra nghiêm trọng hơn. Mỗi năm có khoảng 10-20ha đất canh tác bị cát lấn, dẫn đến độ phì nhiêu của đất bị suy giảm mạnh.
Sự kiện cũng đánh dấu việc JTI Việt Nam chính thức khởi động Dự án “Vun trồng một tương lai bền vững” (Seeding a Sustainable Future). Dự án hướng đến mục tiêu chung tay, góp sức cho nỗ lực trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng như Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ. Trồng rừng sẽ ở thành một hoạt động thường niên của JTI Việt Nam.
Bà Hồ Linh Lan, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông của JTI VIệt Nam, cho biết: “Bên cạnh các hoạt động kinh doanh, JTI cũng cam kết đóng góp cho cộng đồng và môi trường sống. JTI đặt mục tiêu trung hòa các-bon trong mọi hoạt động sản xuất vào năm 2030 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn bộ chuỗi giá trị vào năm 2050.”
“Trong suốt hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam, JTI cũng đã có nhiều hoạt động dù là còn nhỏ bé để đóng góp cho nỗ lực bảo vệ môi trường của Việt Nam. Với việc khởi động Dự án Vun trồng một tương lai bền vững, JTI Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết đóng góp mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo ra những tác động tích cực hơn nữa cho hoạt động bảo vệ và trồng rừng của Việt Nam.”
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, JTI đã có nhiều cống hiến tích cực cho xã hội với nhiều chương trình làm nhà ở cho người khuyết tật, xây nhà cho cộng đồng chịu ảnh hưởng của thiên tai, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp cận nước sạch, thực hành văn phòng xanh với mong muốn đáp ứng nhiều hơn kỳ vọng của các bên liên quan và kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn.