Kẻ ăn không hết, người lần không ra
(Tài chính) Đó là tình cảnh vui buồn lẫn lộn của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thép Việt Nam hiện nay .
Chín tháng đầu năm 2014, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đạt 19.166 tỷ đồng doanh thu và 2.754 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt đạt 83% và 125% kế hoạch năm. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu toàn tập đoàn tăng 51% và lợi nhuận sau thuế tăng 81%. Trong tổng lợi nhuận này, kinh doanh và sản xuất các sản phẩm thép đóng góp 43%.
Làm lớn ăn nhiều?
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Phó tổng giám đốc HPG, lợi nhuận của tập đoàn tăng mạnh so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2014 là nhờ giai đoạn 2 Khu liên hợp gang thép Hòa Phát đã hoạt động ổn định, sản phẩm thép ống tăng trưởng vượt bậc… Trước đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HPG cũng đã cho hay, mục tiêu năm 2014 của HPG là đạt lợi nhuận sau thuế khoảng 150 triệu USD (khoảng 3.200 tỷ đồng) và kinh doanh thép vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu. Năm 2013, HPG đã đạt lợi nhuận sau thuế là 2.010 tỷ đồng, trong đó, nhóm ngành sản xuất thép và các lĩnh vực liên quan (như sản xuất quặng, luyện phôi…) đóng góp 1.668 tỷ đồng.
Sự tự tin này có được là nhờ vào tầm nhìn xa của Ban lãnh đạo HPG khi không dừng lại ở quy mô sản xuất ban đầu cỡ 350.000 tấn/năm, hoàn thành hồi năm 2010. Lò cao số 3 với công suất 750.000 tấn/năm sẽ hoàn thành vào đầu năm 2016, nâng sản lượng thép xây dựng toàn tập đoàn lên đạt 2 triệu tấn/năm. Mục tiêu của HPG là đạt 25% thị phần thép xây dựng khi lò cao thứ 3 đi vào hoạt động.
Ông Long cho hay, năm 2018, thuế nhập khẩu thép xây dựng từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ về 0%, thấp hơn hiện nay rất nhiều, nhưng HPG đặt mục tiêu cạnh tranh ngang ngửa với thép Trung Quốc tại thị trường nội địa và thị trường quốc tế.
Thép ngoại sẽ đổ bộ
Nhưng không phải doanh nghiệp thép nào cũng đạt được kết quả đáng phấn khởi như vậy. Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) gửi tới Bộ Công Thương để phản đối việc giảm nhanh thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng thép so với lộ trình chung khi đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan hồi tháng 8/2014, có liệt kê 11 doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng và 10 doanh nghiệp cán phôi đang gặp khó khăn khiến sản xuất phải cầm chừng hoặc tạm dừng. Số liệu của VSA cho hay, hiện tổng công suất thiết kế của toàn ngành thép khoảng hơn 10 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu thực tế chỉ bằng khoảng 50%. Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường do sản xuất nhiều, nhưng tiêu thụ thấp. Nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất 50 – 60% công suất.
Trong bối cảnh đó, dễ hiểu vì sao các doanh nghiệp thép nội đã “phát sốt” trước thông tin, thuế nhập khẩu thép từ Nga có thể giảm về 0% khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan được ký kết. Thậm chí, sức cạnh tranh của thép Nga được đánh giá còn lớn hơn cả sản phẩm của nước láng giềng Trung Quốc.
Năm 2013, Nga đứng vị trí thứ 5 thế giới về sản xuất thép thô, với 68,7 triệu tấn và xuất khẩu được 23,6 triệu tấn. Trong khi đó, Việt Nam đứng vị trí số 26, với 5,6 triệu tấn. Mặc dù sản lượng thép của Nga thấp hơn Trung Quốc rất nhiều và không có lợi thế về chi phí vận chuyển, song thị trường Việt Nam xưa nay rất ưa chuộng sắt thép nhập khẩu từ Nga. Nhập khẩu thép từ Nga những năm trước không hề nhỏ, dù thuế nhập khẩu ở mức 15 – 20%. Nhưng thép Nga mới là một nguy cơ, trong khi thép Trung Quốc nhập khẩu đã và đang thực sự khiến ngành sản xuất thép nội địa lao đao. Tính đến giữa tháng 9/2014, kim ngạch nhập khẩu thép của cả nước đạt giá trị hơn 5,8 tỷ USD, tăng 7% so với cuối năm ngoái, bất chấp tình hình tồn kho thép trong nước tiếp tục tăng 36,5%.
VSA ít ngày trước lại có văn bản cảnh báo gửi tới Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học Công nghệ về thực trạng nhập khẩu thép hợp kim tính từ năm 2008 tới nay với số lượng nhập khẩu tăng nhanh trong khi giá cả lại giảm mạnh, chỉ ngang với thép xây dựng thông thường.
Vẫn chiêu bài nguyên tố Bo!
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho hay, từ năm 2011 tới nay, tốc độ nhập khẩu thép hợp kim đã tăng mạnh, vượt xa nhu cầu của nền kinh tế. Mặt khác, hàng nhập khẩu được gọi tên là thép hợp kim, nhưng giá cả lại chỉ tương đương với thép carbon xây dựng thông thường.
Đáng nói là việc nhập khẩu có chiều hướng tăng mạnh kể từ khi Thông tư 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN nhằm kiểm soát việc nhập khẩu thép, trong đó có thép xây dựng thông thường, nhưng có thêm một tỷ lệ rất thấp thành phần Boron (Bo – chỉ khoảng 0,0008%) và được gọi là “thép hợp kim” có hiệu lực từ tháng 6/2014 khiến thuế nhập khẩu đối với sản phẩm này đã giảm từ 5% xuống 0%, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thương mại trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh đối với thép sản xuất trong nước.
Năm 2013, VSA cũng đã gửi văn bản tới Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Bộ Công Thương để cảnh báo về tình trạng “thép hợp kim” chứa nguyên tố Bo nhập khẩu từ Trung Quốc lợi dụng các kẽ hở trong việc quy định tiêu chuẩn thép hợp kim cũng như chính sách ưu đãi về thuế với thuế nhập khẩu 0% để đổ vào Việt Nam. VSA cho rằng, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã pha nguyên tố Bo vào các sản phẩm thép để tận hưởng các ưu đãi thuế nêu trên. Ban đầu các doanh nghiệp thép Trung Quốc chỉ pha nguyên tố Bo vào thép cuộn, sau này họ đã đưa nguyên tố này vào các sản phẩm thép khác như thép cuộn cán nóng, thép tấm cán nóng và thép hình.
Việt Nam đến nay chưa sản xuất được thép cuộn cán nóng và thép tấm cán nóng nên các sản phẩm thép nhập loại này chưa gây tác hại cho thị trường trong nước. Nhưng đối với thép xây dựng thì công suất lắp đặt của ngành thép Việt Nam đã cao gấp đôi nhu cầu nên thép chứa Bo của Trung Quốc ồ ạt xâm nhập vào thị trường Việt Nam đã gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp thép trong nước, đặc biệt trong thời điểm tổng cầu sụt giảm hiện nay. Bài cũ của doanh nghiệp Trung Quốc xem ra vẫn còn khiến các doanh nghiệp thép Việt Nam khốn đốn.