Kênh tiết kiệm kém hấp dẫn, người dân rút hàng chục nghìn tỷ khỏi hệ thống ngân hàng
Tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã lần đầu tiên suy giảm sau khi tăng liên tục 25 tháng liên tiếp trước đó. Đến hết tháng 1, tiền gửi dân cư đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, giảm 0,53% so với cuối năm ngoái.
Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật số liệu về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 1/2024. Theo đó, tiền gửi của cả khách hàng doanh nghiệp và dân cư đều giảm mạnh trong tháng đầu năm.
Cụ thể, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng cuối tháng 1 đạt hơn 13,17 triệu tỷ đồng, giảm gần 200 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023. Trong đó, tiền gửi của dân cư gần 6,5 triệu tỷ đồng, giảm hơn 34.600 tỷ, tương đương giảm 0,53%.
Trước đó, từ cuối năm 2021, dòng tiền này liên tục tăng, bình quân trên 50.000 tỷ đồng mỗi tháng. Với dữ liệu mới từ nhà điều hành cho thấy, tiền gửi của dân cư lần đầu giảm trong hơn 2 năm qua.
Tương tự, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào cuối tháng 1/2024 là hơn 6,67 triệu tỷ đồng, giảm hơn 165.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tương đương giảm 2,41%. Trước đó, tiền gửi của nhóm khách hàng này đã tăng đột biến hơn 457.000 tỷ đồng trong tháng 12/2023 lên mức kỷ lục hơn 6,84 triệu tỷ đồng.
|
Trên thực tế, việc tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm mạnh trong những tháng đầu năm được cho là do yếu tố mùa vụ, không có gì bất thường. Nguyên nhân là do đây là thời điểm cuối năm tài chính và cũng là dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp có xu hướng rút bớt tiền khỏi hệ thống ngân hàng để phục vụ cho các nhu cầu chi lớn như trả lương, thưởng cho người lao động…
Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến 25/3, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%.
Như vậy, sau giai đoạn gửi ồ ạt, dòng tiền vào hệ thống ngân hàng đã dịch chuyển trước môi trường lãi suất thấp kéo dài. Mặt bằng lãi suất huy động tại hầu hết ngân hàng không quá 5%/năm. Riêng khoản gửi ngắn hạn vài tháng, lãi suất dao động 2-4%/năm, mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, đến 31/3, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Trong bối cảnh lãi suất giảm mạnh, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác. Cùng với đó, kinh tế đang bắt đầu hồi phục, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng, lãi suất huy động có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại. Thống kê trong tháng 4 có 16 ngân hàng tăng lãi suất huy động, bao gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank, TPBank, VPBank, KienLong Bank, ACB, BIDV, Vietinbank, với mức tăng từ 0,1 - 0,9%/năm.
Trong đó, OceanBank là ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất tại tất cả các kỳ hạn với mức tăng trung bình từ 0,1-0,9%/năm. Sau lần điều chỉnh này, thị trường bắt đầu ghi nhận mốc lãi suất trên 6%/năm quay trở lại khi OceanBank nâng mức lãi suất ở kỳ hạn 36 tháng lên 6,1%/năm.