Kết hợp đức trị và pháp trị trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Hoàng Minh

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần kết hợp hài hòa giữa đức trị và pháp trị. Cán bộ, đảng viên cần phải gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật, từ đó tạo ra một bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả, phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 Khóa XIII, sáng 20/10.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 Khóa XIII, sáng 20/10.

Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết quan trọng với chủ đề “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “Để phát huy hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với xã hội bằng pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì cần phải tăng cường đồng thời 02 yếu tố: Đức trị và pháp trị. Trong đó, yếu tố "đức trị" là sự phát huy các ưu điểm, thế mạnh, vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở Đảng, tính tiên phong, nêu gương của cán bộ, đảng viên để dẫn dắt yếu tố "pháp trị" là việc thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật. Sự thượng tôn pháp luật là biểu hiện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì vậy, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân theo pháp luật”.

Nhất trí và ủng hộ quan điểm trên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, PGS.,TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, tăng cường đức trị và pháp trị trong quản lý nhà nước là đặc biệt quan trọng và cần thiết trong bối cảnh đất nước đang vươn mình mạnh mẽ để đối mặt với những thách thức và cơ hội lớn lao.

Sự kết hợp giữa đạo đức và luật pháp là con đường duy nhất để tạo ra một bộ máy nhà nước - nơi người dân cảm nhận được sự bảo vệ, công bằng và tình yêu thương từ những người phục vụ họ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, điều này càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, như một cam kết với tương lai rằng, Việt Nam sẽ không chỉ phát triển mạnh mẽ, mà còn theo hướng nhân văn và bền vững.

Cán bộ, đảng viên giữ vai trò gương mẫu trong việc thể hiện đức trị và pháp trị, đây là yếu tố then chốt giúp xây dựng một bộ máy nhà nước vững mạnh, liêm chính và hiệu quả. Đức trị được thể hiện qua sự tận tâm, liêm khiết và tinh thần trách nhiệm trong mọi hành động. Khi họ trở thành những tấm gương sáng về đạo đức và lối sống, họ không chỉ tạo dựng niềm tin trong Nhân dân mà còn khơi dậy lòng tự hào và sự đoàn kết trong cộng đồng. Tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” khẳng định rằng, người dân sẽ nhìn vào cán bộ, đảng viên và cảm nhận được sự cống hiến chân thành, tôn trọng những giá trị nhân văn sâu sắc.

Đức trị không chỉ là giá trị cốt lõi mà còn là sợi dây vô hình kết nối lòng dân với những người lãnh đạo, xây dựng niềm tin và sự gắn bó. Khi các cán bộ lãnh đạo lấy đạo đức làm gương, họ không chỉ hoàn thành nhiệm vụ mà còn truyền cảm hứng và lan tỏa những giá trị nhân văn tới toàn xã hội. Pháp trị cũng đảm bảo rằng, mọi hoạt động của Nhà nước đều diễn ra trên nền tảng luật pháp rõ ràng. Cán bộ, đảng viên gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật không chỉ là để hoàn thành bổn phận mà còn thể hiện sự tôn trọng nguyên tắc công bằng và minh bạch. Khi những người lãnh đạo tuân thủ luật pháp một cách nghiêm minh, họ sẽ lan tỏa tinh thần pháp luật, từ đó tạo nên một xã hội kỷ cương, nơi mọi người đều sống và làm việc theo pháp luật.

Do đó, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong cả đức trị và pháp trị là yếu tố cốt lõi để xây dựng một bộ máy nhà nước không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn được lòng dân, phát huy tinh thần “cán bộ là công bộc của dân,” đặt lợi ích của Đất nước và Nhân dân lên hàng đầu.

Sự kết hợp giữa đức trị và pháp trị tạo ra hiệu quả cho bộ máy nhà nước, phục vụ tốt hơn lợi ích của người dân và doanh nghiệp bằng cách cân bằng giữa đạo đức lãnh đạo và tuân thủ pháp luật. Đức trị khuyến khích cán bộ, đảng viên không chỉ hoàn thành công việc mà còn làm với tâm huyết, tinh thần phục vụ cộng đồng, đặt lợi ích chung lên hàng đầu. Điều này góp phần xây dựng niềm tin của Nhân dân và doanh nghiệp vào bộ máy nhà nước, tạo ra môi trường hợp tác và gắn kết xã hội.

“Kết hợp đức trị và pháp trị không chỉ là yêu cầu quản lý, mà còn là cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước đối với Nhân dân, nhằm xây dựng tương lai tươi sáng, công bằng và phát triển bền vững cho tất cả, để đất nước thực hiện thành công khát vọng xây dựng một xã hội giàu mạnh, phồn vinh, văn minh và hạnh phúc trong kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc”, PGS.,TS. Bùi Hoài Sơn chia sẻ.