Kết nối giao thương Đắk Lắk - Quảng Ngãi: “Cú bắt tay” hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội


Xúc tiến thương mại, mở rộng liên kết, hợp tác nhằm tìm kiếm đơn hàng và thị trường mới, từ đó tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm... là điều mà các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) sản xuất quan tâm nhất hiện nay. Để góp phần giải quyết những vấn đề trên, mới đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hai tỉnh Đắk Lắk và Quảng Ngãi đã phối hợp tổ chức Hội thảo xúc tiến thương mại và kết nối giao thương một số sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của hai tỉnh.

Doanh nghiệp Đắk Lắk giới thiệu sản phẩm cà phê cho đại biểu tỉnh Quảng Ngãi tại Hội thảo xúc tiến thương mại và kết nối giao thương một số sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ngãi và Đắk Lắk. Ảnh: Thùy Dung
Doanh nghiệp Đắk Lắk giới thiệu sản phẩm cà phê cho đại biểu tỉnh Quảng Ngãi tại Hội thảo xúc tiến thương mại và kết nối giao thương một số sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ngãi và Đắk Lắk. Ảnh: Thùy Dung

Tiềm năng lớn

Ông Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk có tiềm năng rất lớn để phát triển nông nghiệp, là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích đất nông nghiệp, với 650.000 ha, trong đó có gần 300.000 ha đất đỏ bazan màu mỡ (đất sản xuất nông nghiệp tốt nhất), khí hậu ôn hòa với nhiều loại nông sản có diện tích, chất lượng, sản lượng đứng đầu cả nước như: cà phê, hồ tiêu, ca cao, mắc ca, trái cây… Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chất lượng cao.

Đơn cử, mặt hàng cà phê được coi là chủ lực mang lại nguồn thu lớn cho tỉnh. Ngoài tiêu thụ trong nước, cà phê Đắk Lắk còn được biết đến và ưa chuộng ở hơn 72 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với tổng sản lượng cà phê xuất khẩu năm 2022 đạt 380.378 tấn, trị giá hơn 812 triệu USD.

Không chỉ có diện tích cà phê lớn nhất cả nước (213.000 ha), Đắk Lắk còn là nơi có điều kiện tự nhiên lý tưởng để sản xuất cà phê robusta có hương vị thơm ngon khác biệt và trên 200 cơ sở chế biến cà phê, phần lớn được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh những mặt hàng truyền thống như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, cao su…, những nông sản mới như sầu riêng, mắc ca cũng đã được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn trên thế giới. Từ những lợi thế đó, đến nay Đắk Lắk đã phát triển được 142 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 – 4 sao, gồm 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 18 sản phẩm 4 sao và 123 sản phẩm 3 sao của 89 chủ thể (33 DN, 32 hộ kinh doanh và 24 HTX).

Trong khi đó, ngoài các sản phẩm nổi tiếng là tỏi Lý Sơn, trầm, quế… thì tỉnh Quảng Ngãi còn có lợi thế với 130 km đường bờ biển, thuận lợi cho việc khai thác các sản vật như tôm, cá, mực, muối biển…

Nổi bật, nghề làm muối ở Sa Huỳnh hiện nay vừa tạo nên một vùng chuyên canh muối Sa Huỳnh lớn nhất miền Trung (gần 105 ha, tạo sinh kế cho hơn 500 người dân, cung cấp ra thị trường 6.000 - 6.500 tấn muối/năm), vừa phát triển du lịch cộng đồng.

Sau hơn bốn năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay toàn tỉnh Quảng Ngãi đã có 157 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 - 4 sao (trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 148 sản phẩm đạt 3 sao). Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã công nhận OCOP đối với 2 sản phẩm du lịch (Du lịch cộng đồng Làng Gò Cỏ (3 sao) và Điểm du lịch Thành cổ (4 sao).

Dự kiến đến hết năm 2023 sẽ có thêm 60 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, trong đó có từ 6 - 10 sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Các sở, ngành của tỉnh Quảng Ngãi đã hướng dẫn một số HTX, hộ sản xuất kinh doanh xây dựng 16 nhãn hiệu chứng nhận, 53 nhãn hiệu tập thể và 2 chỉ dẫn địa lý cho nhiều sản phẩm.

Những hợp tác bước đầu

Hội thảo xúc tiến thương mại và kết nối giao thương một số sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ngãi và Đắk Lắk đã tạo cơ hội cho nhiều DN, HTX sản xuất có thêm thị trường mới.

Bà Trần Thị Hòa - đại diện Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Ama Thuột (thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo) chia sẻ tại hội thảo: Công ty của bà chuyên cung cấp các loại đặc sản Đắk Lắk như cà phê rang xay, mật ong, mắc ca… Trong đó, sản phẩm công ty sản xuất được là mật ong hoa cà phê, mật ong hoa bơ… và hiện đang cung cấp 200 tấn mật ong/năm ra thị trường trong và ngoài nước.

Mặc dù vậy, bà Hòa vẫn trăn trở, Đắk Lắk là tỉnh có sản lượng mật ong xuất khẩu đứng top đầu cả nước nhưng tiêu thụ nội địa chỉ chiếm khoảng 5%. Để kích cầu tiêu thụ mật ong nội địa, bà Hòa mong muốn được kết nối với các đơn vị có nhu cầu sử dụng mật ong làm nguyên liệu sản xuất của ngành thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc cao cấp…

Ngay tại hội thảo, Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Ama Thuột đã được đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phú Sinh (Quảng Ngãi) kết nối để tiêu thụ mật ong, sử dụng cho sản xuất sản phẩm tỏi ngâm mật ong.

Cũng tại hội thảo này, các đơn vị, DN, cơ sở kinh doanh của hai tỉnh Đắk Lắk - Quảng Ngãi đã ký 45 biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm. Đây là cầu nối quan trọng để các chủ thể OCOP của hai địa phương đưa những sản phẩm đặc trưng, chất lượng của mình phát triển ra ngoài tỉnh và toàn quốc.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi Nguyễn Đức Bình chia sẻ, trên cơ sở những biên bản ghi nhớ này, hy vọng rằng, các đơn vị, DN thực hiện được các hợp đồng chặt chẽ, kết nối sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Quảng Ngãi và Đắk Lắk vào thị trường của nhau nói riêng và cả nước nói chung.

Đồng thời, trong thời gian tới tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Đắk Lắk thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá thêm sản phẩm, tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP, nhà phân phối giao thương với nhau, đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Theo Thùy Dung/ Báo Đắk Lắk