Kết nối không biên giới

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Đến nay, số vốn mà các ngân hàng thương mại (NHTM) cam kết cho vay các dự án thực hiện mô hình liên kết là 2.370,496 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những năm trước đây, trong thời kỳ nhu cầu tín dụng lên rất cao thì các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng “ồ ạt” cho vay vốn mà chưa chú trọng nhiều đến tính bền vững khoản vay. Sự bền vững ở đây được hiểu cả ở góc độ ngân hàng và khách hàng.

Với khách hàng vay vốn là doanh nghiệp (DN), thời điểm cách đây khoảng 3 - 4 năm rất nhiều DN sản xuất kinh doanh theo kiểu chụp giật, thiếu bài bản, không có tầm nhìn chiến lược, thậm chí chạy theo “cơn sốt” bất động sản để tìm kiếm lợi nhuận ngoài sở trường, chuyên ngành của mình. Về phía ngân hàng, nhiều nhà băng nhỏ mới “chân ướt, chân ráo” từ nông thôn lên đô thị, năng lực quản trị yếu, tiềm lực hạn chế nhưng đã chạy theo nhu cầu vay vốn của khách hàng, dẫn tới đẩy tín dụng tăng nóng và hệ lụy nợ xấu đến nay phải giải quyết.

Ngoài những nguyên nhân trên thì, vấn đề quản lý thị trường, dự báo, xác định cung - cầu thị trường cho từng lĩnh vực cũng tác động tới sản xuất kinh doanh của DN cũng như người dân, nhất là với bà con nông dân. Điều này, sau đó lại tiếp tục ảnh hưởng đến các khoản tín dụng và tác động đến các ngân hàng.

Vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay là phải làm thế nào đồng vốn cho vay của ngân hàng được DN và người dân sử dụng hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng tốt cho chính khách hàng vay vốn? Các nghiên cứu và khảo sát cả ở trong nước và nước ngoài chỉ ra rằng, cho vay theo mô hình liên kết hay chuỗi cung ứng là “chìa khóa” để giảm rủi ro thấp nhất cho cả ngân hàng và khách hàng. Theo nghiên cứu của một chuyên gia thuộc Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), việc hỗ trợ tài chính theo chuỗi cung ứng là một thị trường tiềm năng cho các TCTD. Đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, mô hình cho vay theo chuỗi mà các NHTM triển khai đã và đang phát huy hiệu quả.

Cuối tháng 5/2014, NHNN ban hành Quyết định 1050/QĐ-NHNN quy định về việc cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp với nhiều chính sách đặc thù. Một số ngân hàng như Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank… đã tham gia ký hợp đồng tín dụng trong Chương trình cho vay thí điểm theo chuỗi liên kết.

Đến nay, số vốn mà các NHTM cam kết cho vay các dự án thực hiện mô hình liên kết là 2.370,496 tỷ đồng. Theo nguồn tin, trong vài tuần tới, NHNN sẽ tiếp tục chứng kiến đợt 3 của chương trình thí điểm cho vay theo mô hình chuỗi liên kết giữa một số NHTM và DN. Hơn ai hết, những DN nuôi cá tra, ba sa, những người nông dân trồng lúa, cà phê, chè đang kỳ vọng rằng, mô hình liên kết sẽ không chỉ hạn chế được rủi ro cho ngân hàng và DN mà còn cứu cho thị trường sản xuất các sản phẩm liên quan tới nông nghiệp khỏi thua ngay trên sân nhà và tránh rơi vào điệp khúc “được mùa rớt giá”.

Sự hiệu quả của mô hình liên kết này sẽ mở đường để ngân hàng, DN liên kết trong nhiều lĩnh vực khác. Ví dụ, một nhóm bạn hàng của các DN có thể liên kết với nhau vay vốn ngân hàng để hình thành nên chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hiện một số NHTM đã ký kết hợp tác chiến lược với các tập đoàn, tổng công ty lớn. Ngoài những lợi ích mang lại cho cả hai bên, điều mà ngân hàng hướng đến còn là tạo thành mối liên kết để “bạn của bạn cũng là bạn mình”, để sự kết nối, hỗ trợ nhau sẽ không ngừng gia tăng, lan tỏa.

Sự kết nối này dần dần sẽ không chỉ giữa các ngân hàng với DN trong nước mà có thể vượt qua biên giới, ra nước ngoài. PGS., TS. Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện ngân hàng cho rằng, với cách thức cho vay này thì tất cả các khâu đều phụ thuộc lẫn nhau và các NHTM có thể đặt điểm thu hồi vốn tại bất cứ khâu nào trên chuỗi liên kết liên hoàn. Tuy cho vay theo mô hình chuỗi liên kết đòi hỏi vốn lớn, sự tham gia của các DN uy tín, nhưng nếu hiệu quả sẽ mang lại hiệu ứng tích cực và tạo động lực thay đổi cách thức cho vay trong thời gian tới.